Tôn vinh những người chống tham nhũng

18/03/2009 10:49 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hôm nay 18/3, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng (PCTN) trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo PCTN TP Hà Nội  sẽ tổ chức hội nghị biểu dương một số cá nhân có thành tích và tích cực trong phòng chống tham nhũng. Mười người  đã được mời về dự hội nghị đặc biệt này.

10 người được tôn vinh

Trừ bà Phạm Thị Hồng Hoa (thuộc TCty Mía đường II) là người ở TP.HCM được mời tham dự do là cán bộ thuộc cơ quan chủ quản Bộ NN&PTNT đóng tại địa bàn Hà Nội, chín người còn lại đều là người miền Bắc. Các đại biểu tham dự sẽ chia sẻ những kinh nghiệm đấu tranh chống tham nhũng, những khó khăn, vất vả, thậm chí cả bị trù dập khi trực tiếp đấu tranh với tệ nạn này.

Từ đây, Ban chỉ đạo PCTN trung ương sẽ khuyến khích các địa phương chú trọng bảo vệ người tố giác tham nhũng, biểu dương, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTN nhằm tạo nguồn động lực cho các tập thể, cá nhân tham gia PCTN hiệu quả.

Mười đại biểu tham dự hội nghị đều có những thành tích tiêu biểu, tích cực trong PCTN. Ông Nguyễn Văn Vượng và ông Hoàng Cường (trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ) nguyên là sĩ quan quân đội nghỉ hưu. Từ năm 2001 đến nay, hai ông đã tố cáo năm vụ việc tham nhũng tại phường Bưởi. Qua đó, cơ quan chức năng đã thu hồi một số diện tích đất tại khu Trà Hoa Viên, hè làm tường bao khu Ca múa nhạc nhẹ trung ương... ngăn chặn hành vi tham nhũng của một số cá nhân.

Chị Hoa trong căn nhà của mẹ tại Hà Nội


Ông Huỳnh Văn Trình (trú tại 26 Hàng Chuối), nguyên vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao, có những ý tưởng sáng tạo về đấu tranh PCTN. Cụ thể, ông Trình đã có văn bản đề xuất Đảng và Nhà nước về các ý tưởng và biện pháp bổ sung PCTN. Điển hình là ý tưởng phát động phong trào “Vinh danh quan chức thanh liêm và anh hùng dũng sĩ chống tham nhũng”.

Ông Lê Thiên Long (trú tại đường Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa) là người đứng đơn tố cáo TGĐ TCty Vật tư nông nghiệp có sai phạm trong quản lý sản xuất, kinh doanh và có hành vi tham nhũng. Sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc, khởi tố vụ án, bị can, bắt giam TGĐ Tcty, thu hồi hàng trăm tỉ đồng cho Nhà nước.

Bà Lê Hiền Đức (trú tại ngõ 56 Pháo đài Láng, quận Đống Đa) là giáo viên nghỉ hưu, đã có thành tích tố cáo tham nhũng tại một số trường học; đã giúp đỡ người khác về mặt pháp lý, cách thức phòng và chống tham nhũng.

Các chiến sĩ cảnh sát cơ động gồm: Phạm Văn Trúc, Nguyễn Ngọc Phương, Trương Thành Đức, Nguyễn Vương Vũ (thuộc Trung đoàn cảnh sát cơ động Công an Hà Nội) đã không nhận hối lộ 120.000 USD và 50 triệu đồng. Cụ thể, ngày 30-10-2008, trong khi làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Văn Linh (Hà Nội), tổ công tác gồm bốn chiến sĩ này thấy hai thanh niên điều khiển xe máy có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Qua đó, phát hiện trong balô có một quả lựu đạn, một bình xịt hơi cay, hai thanh kiếm, hai điện thoại di động và một số tiền lớn. Hai thanh niên đã ngỏ ý biếu tổ công tác 120.000 USD và 50 triệu đồng nhưng đã bị cảnh cáo và bắt giữ. Sau này cơ quan điều tra xác định hai thanh niên trên có liên quan đến một đường dây buôn bán ma túy lớn và đang điều tra làm rõ.

Đừng để người chống tham nhũng lẻ loi

Bà Phạm Thị Hồng Hoa (trú tại 123 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP.HCM) nguyên là kế toán trưởng TCty Mía đường II đã dũng cảm đứng đơn tố cáo một số lãnh đạo TCty có sai phạm, chiếm đoạt tiền đền bù, giải tỏa đất; cố ý làm trái công tác đầu tư, quản lý; sử dụng đất công sai mục đích; vi phạm chế độ bảo hiểm; vi phạm quy chế dân chủ... Nổi bật là vụ lập hồ sơ giả lấy tiền của Nhà nước tại khu vực cồn Tuy Hòa, cồn Xuân Lộc và vụ tiêu cực trong việc đền bù 35,5 tỉ đồng tại địa chỉ 34-38 Bến Vân Đồn do TCty này quản lý. Bà Hoa là một trong 3 người được chọn đọc tham luận. Nhiều người khác có bề dày cống hiến, thành tích đấu tranh lớn hơn nhưng đã nghỉ hưu.

Gần 3 năm dấn thân, hơn 2 năm bị đình chỉ công tác, rồi xếp vào diện lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp, không lương, chỗ dựa tinh thần là người chồng thì đã chia tay hơn 10 năm, một mình nuôi con ăn học. Không mấy người hiểu được động lực nào đã thúc đẩy người phụ nữ nhỏ bé này dám “cả gan” chống lại cả ban lãnh đạo một TCty lớn.

Những ngày đầu khi mới dấn thân, không ít người đã nói với chị câu ấy. 22 năm làm việc ở Liên hiệp Mía đường 2 (nay là TCty Mía đường 2), từ một nhân viên, phấn đấu trở thành phó trưởng phòng, rồi kế toán trưởng, trải qua 4 đời TGĐ, nếu là một người thích kiện cáo, đấu đá, chị đã không trụ lại đây được cho đến hôm nay; không được anh em, đồng chí tin tưởng bầu vào Ban chấp hành CĐ, vào cấp ủy. Có người cho rằng, nếu TGĐ sai thì đương nhiên kế toán trưởng cũng sai, chị đi tố cáo chẳng qua do ăn chia không sòng phẳng mà thôi.

Khi mới nhận được đơn xin được gặp để báo cáo sự việc với Bộ trưởng NN&PTNT (cơ quan chủ quản), một vụ trưởng đã gọi điện khuyên chị nên rút đơn. Chị và lãnh đạo TCty có thể ngồi lại được với nhau, việc gì phải làm ầm ĩ thế? “Thế đấy, mình có định đánh ai, chống ai đâu mà phải dàn hòa!” – chị Hoa trầm tư.

Ra trường, từ Hà Nội vào TP.HCM, công tác trong ngành mía đường 22 năm, chị Hoa nói không đau xót sao được khi trong 10 thành viên của TCty, 2 doanh nghiệp đã phá sản, 2 phải giải thể vì làm ăn thua lỗ, hàng ngàn lao động bị hất ra đường. Thế mà lãnh đạo của TCty vẫn sử dụng tiền nhà nước phung phí. Những người có lương tâm nhưng không đủ dũng khí thì cũng vì miếng cơm, manh áo mà tránh xa. Chỉ còn mình chị.

Chỉ 1/7 điểm khiếu nại của chị Hoa đã khiến 3 lãnh đạo của doanh nghiệp này phải vào nhà giam, gồm: cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Chánh văn phòng và cựu Phó TGĐ TCty.

Bạn bè đồng nghiệp e ngại, xa lánh. Cơ quan chủ quản không tin tưởng. Lẻ loi. Đơn độc. Vô vọng… Nỗi buồn này chỉ vơi đi khi những tập hồ sơ của chị được Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng và Bộ Công an có văn bản thông báo đã “xem xét”.

Khi được yêu cầu báo cáo, chính cán bộ Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng đã góp ý “sao chị viết nhẹ thế”, hãy viết hết những khó khăn, trở ngại trên con đường đấu tranh của mình, kể cả sự thờ ơ, thiếu quan tâm tới công tác phòng ngừa tham nhũng của cơ quan chủ quản để các Bộ, ngành TƯ hiểu rõ hơn những nguyên nhân vì sao mà công tác phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị chưa thực sự hiệu quả. Chị hiểu, hội nghị là nơi để các cơ quan nội chính nắm bắt, đúc rút ra những bài học, kinh nghiệm cho công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian sắp tới.

Trao đổi với TT&VH chiều qua tại Hà Nội, chị Hoa cho rằng, bên cạnh việc phải có cơ chế bảo vệ người chống tham nhũng thì cũng cần phải đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức. Từ thực tế TCty Mía đường II, 2/3 người bị khởi tố, bắt tạm giam là cấp phó và chánh văn phòng, họ cũng chỉ là những người thừa hành, không thể không chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng.

Như lời chị kể, đã 2 năm nay bị buộc thôi việc cùng với 20 người khác bị thanh trừng đến nỗi không có một đồng phụ cấp, phải bươn chải ra ngoài kiếm sống, chống tham nhũng là một việc nặng nhọc. Hàng tạ đơn gửi đi qua đường bảo đảm, bay ra bay vào nhiều lần, muốn chống tham nhũng phải có bản lĩnh và phải… có chút tiền trang trải những khoản không thể không chi. Bạn bè đặt dấu hỏi, hay là do ăn chia không đều mà dẫn tới “chống tham nhũng”? Những lúc đó, chị Hoa chỉ biết lặng im thở dài.

TT&VH sẽ tiếp tục đưa tin về Hội nghị đặc biệt này trong số báo ngày mai.

H.Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm