19/08/2022 19:30 GMT+7 | Văn hoá
“Cũng vì khí hậu nghiệt ngã này mà người Tây Nguyên quý cây kơnia, cái cây nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc qua bài thơ của Ngọc Anh (Bóng cây kơnia) dù ít ai trông thấy nó một lần.
Từ con dốc vào làng Kon Klor, chúng tôi được thấy một cây kơnia lẻ loi trên sườn rẫy xa. Tìm được cây kơnia ở Tây Nguyên bây giờ cũng khó như tìm... nghệ nhân dân gian. Cây kơnia không có gì quý, hoa trái không quý, gỗ thường, nhưng bóng mát của vòm lá thì không loài cây nào sánh được.
Đặc biệt, rễ cây hút nước rất sâu, nên mặt đất có khô hạn bao nhiêu, kơnia vẫn xanh lá. Ở dưới đồng bằng, người ta dựng những cái quán giữa đồng làm chốn nghỉ ban trưa nắng trong những ngày lao động. Ở Tây Nguyên, người làm nương rẫy, cứ tìm bóng cây kơnia mà tránh nắng... Nhưng bây giờ có lẽ người ta cần đất, cần củi hơn là cần tán cây, nên kơnia bị đốn bỏ không thương tiếc trên mảnh đất mà nó đã bám rễ thật sâu, đến độ người ta nghĩ rằng rễ nó đã uống được cả nước nguồn miền Bắc...
Cũng giống như cây kơnia, những mái nhà sàn quen thuộc từ ngàn đời ở làng Kon Klor cũng đang dần biến mất, thay thế là nhà mái bằng. Nhà của Alưu cũng vậy. Nhà mái bằng được xây thô sơ, không biết tới những vật liệu chống nóng, và với tổng kinh phí vài chục triệu, nó giống cái hộp hơn. Nhà chật, tối và nóng nữa, nên cuối cùng Alưu quyết định trải chiếu ra vườn tiếp khách! Không có nhà rông, không ché rượu cần, không bếp lửa, Alưu đành “kể khan chay” một đoạn cho chúng tôi nghe.
Là con của Y Ngao, người phụ nữ hát kể sử thi nổi tiếng một thời Tây Nguyên, Alưu có thể nhớ và hát kể hơn 100 sử thi Banar, mà độ dài của mỗi sử thi, kể vài đêm mới hết! Sinh năm 1943, “trẻ” nhất trong các nghệ nhân hát kể sử thi được phong tặng danh hiệu, nhưng Alưu hom hem hơn tuổi. Ông ngồi hát một đoạn cho chúng tôi nghe, giữa chừng ngưng lại, thở, rồi giải thích: “Đấy, mệt rồi, chỉ hát được như vậy thôi!”.
***
Những dòng viết này, những hình ảnh và con người này giờ đã ở xa tôi hơn một thập kỷ. Bài viết cuối trong chuyến đi dài ngày của tôi từ nam Quảng Nam tới ba tỉnh Tây Nguyên cùng các đồng nghiệp của báo TT&VH (Vũ Lâm), báo Quảng Nam (Trần Công Minh), VTV (Nguyễn Mỹ Linh và nhóm của chị) năm 2009. Là bài thứ 5 trong loạt bài Di sản Tây Nguyên - Những cái chết lâm sàng cũng là loạt bài cuối cùng khép lại chuyên mục BÁO ĐỘNG TỪ NHỮNG VỐN DI SẢN của báo TT&VH mà chúng tôi gọi là “cuộc marathon báo động và náo động”, kéo dài gần 2 năm.
Gần trăm bài viết từ cả trăm chuyến đi, là những ghi chép thực tế về các nghệ nhân dân gian, mà phần nào có thể gọi là những “báu vật”, đang nắm giữ phần còn lại của các di sản văn hoá vẫn đang sống với cộng đồng (không phải dạng di sản văn hóa trưng bày trong các bảo tàng) mang theo mơ mộng của những người làm báo là đánh thức chút gì đó trong ý thức của cộng đồng đối với các giá trị ta đang có và ta đang thờ ơ, để rồi có thể sẽ nuối tiếc.
Khi mới bắt đầu ý tưởng chuyên mục, khởi phát từ một vài bài báo lẻ tẻ, chúng tôi cũng không hình dung được nó lại “đi” được dài và “đi” được nhiều như thế. Lúc đó, phóng viên mảng văn hoá của báo TT&VH còn rất thiếu, kiêm nhiệm nhiều mảng. Công tác phí theo tiểu chuẩn nhà nước rất eo hẹp, làm sao có đủ tài chính cho những chuyến mò mẫm, xa xôi thế…
Thật hay, một chuyên mục không có những nhân vật “hot”, không trai xinh gái đẹp, lại trở thành một trong những dự án truyền thông đầu tiên của báo TT&VH. Chúng tôi phát triển ý tưởng và mạnh dạn xây dựng chuyên mục thành một dự án (thời điểm đó còn khá mới mẻ trong làng báo văn hóa), kêu gọi được nhà tài trợ đồng hành. Và không chỉ tìm kiếm được nhà tài trợ, chính quá trình thực hiện dự án này đã tìm kiếm, bồi dưỡng để bổ sung cho TT&VH những nhà báo trẻ, sung sức, sau này trở thành một lực lượng trọng yếu của báo.
Loạt bài viết về Di sản Tây Nguyên nói trên vinh dự nhận được giải thưởng Báo chí Quốc gia 2010.
Những kỷ niệm, dù xa xôi, nhưng luôn vô cùng đẹp đẽ!
Phạm Thị Thu Thủy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất