"Tiếng hát mùa thu" liệu có nâng được tầm?

15/09/2008 12:10 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Online) - “Tiếng hát mùa thu” tên gọi mới của cuộc thi “Tiếng hát trên sóng PT& TH Hà Nội”, đang nỗ lực với những đổi mới để không đơn giản chỉ là sự thay đổi về tên gọi. Cuộc thi năm nay - 2008 hứa hẹn nhiều hấp dẫn thú vị, từ quy mô tổ chức cho đến chất lượng thể hiện.

Truyền hình từ vòng sơ khảo

Khác với thông lệ hằng năm, ngay từ vòng sơ khảo, bạn xem truyền hình đã có dịp thưởng thức trực tiếp diễn biến của từng bài thi của các thí sinh trên sóng PT & TH Hà Nội. Từ gần 400 giọng ca, BTC đã chọn ra 90 gương mặt xuất sắc nhất bước vào vòng sơ khảo. Các thí sinh đều là những giọng ca có tuổi đời rất trẻ từ 17 đến 25 tuổi và phần lớn đang học tập tại các trường đào tạo âm nhạc của Hà Nội như Học viện âm nhạc Quốc gia, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường CĐ Sư phạm Nhạc Họa Hà Nội...

Các thí sinh tham dự vòng sơ khảo Tiếng hát Mùa Thu

90 thí sinh sẽ lần lượt tham gia 9 buổi ghi hình để ban giám khảo chấm điểm, từ đó chọn ra 24 thí sinh đi tiếp vòng chung khảo (4 buổi tường thuật trực tiếp). Bắt đầu từ vòng này, cùng với BGK chấm điểm các thí sinh thì BTC sẽ tổ chức hệ thống bình chọn qua tin nhắn để lựa chọn thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Đây không phải là mô hình mới của các cuộc thi âm nhạc nhưng đối với Tiếng hát Mùa Thu đây là một sự thể nghiệm hoàn toàn mới.

Đêm chung kết cuộc thi diễn ra vào tối 9/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với sự tham gia của 10 thí sinh xuất sắc nhất. Tiếp đó, tối 18/11 sẽ là Gala hậu Tiếng hát Mùa thu với sự có mặt của các giọng ca từng giật giải và thành danh từ Tiếng hát truyền hình Hà Nội. Tính ra, có khoảng 15 chương trình truyền hình trực tiếp phục vụ Tiếng hát Mùa thu trong hơn 2 tháng.

Biến cuộc thi thành sân chơi toàn quốc

Đây là lần đầu tiên Đài Truyền hình Hà Nội chịu chơi đến như vậy. Nhạc sỹ Thái Văn Hóa - Phó trưởng ban Văn nghệ Đài THHN, phó BTC cuộc thi khi trả lời báo chí đã không giấu ý định của nhà Đài là đưa cuộc thi trở thành một thương hiệu, một sân chơi rộng lớn ở tầm quốc gia. Ngay từ năm nay, cuộc thi đã vươn tầm tay ra với những người muốn thi ca hát trên cả nước. Những thí sinh ở xa về Hà Nội sẽ được giúp đỡ nếu có yêu cầu. Tuy nhiên vì mọi việc mới là thử nghiệm và bắt đầu nên cuộc thi năm nay hầu như không có thí sinh của khu vực miền Nam tham dự. Các thí sinh khu vực miền Trung hoặc các tỉnh thành lân cận Hà Nội tham dự cuộc thi hầu hết cũng là học sinh của các trường nhạc trên địa bàn Thủ đô.
 
Một thực tế có thể nhận thấy, những năm vừa qua, Tiếng hát truyền hình Hà Nội vẫn tìm ra những giọng ca hứa hẹn. Những ca sĩ nổi danh hiện nay như Khánh Linh, Phương Anh, Anh Thơ, Lê Anh Dũng, Hồ Quỳnh Hương, Hải Yến,...đều "khởi nghiệp" từ cuộc thi này. Tuy nhiên sân chơi Tiếng hát truyền hình Hà Nội lại không đủ tiếng tăm giúp những người giật giải bay lên nếu sau đó họ không dự thêm một cuộc thi khác. 
 
Hồ Quỳnh Hương từng khởi nghiệp từ Tiếng hát Truyền hình Hà Nội
 
Việc mở rộng hay biến Tiếng hát Mùa Thu thành một sân chơi tầm cỡ quốc gia, có uy tín và xây dựng được thương hiệu vẫn là một bài toán khó, nan giải và đòi hỏi sự đầu tư về cả công sức và tiền bạc của BTC cuộc thi. Mới đây BTC đã rất hồ hởi khi thông báo tìm được nhà tài trợ độc quyền cho chương trình. Đó chính là siêu thi điện máy Pico Plaza. Đại diện đơn vị này cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi trong nhiều năm tới.
 
Đây thực sự là một tín hiệu vui và may mắn cho chương trình Tiếng hát Mùa Thu trong tình trạng rất nhiều chương trình âm nhạc của các đài truyền hình (kể cả Truyền hình Việt Nam) đã "chết yểu" bởi thiếu bàn tay của nhà tài trợ.

Vẫn còn đó những khó khăn

Tính đến thời điểm hiện nay, chương trình Tiếng hát Mùa Thu 2008 đã thực hiện xong 4 buổi ghi hình trực tiếp với sự tham gia của 40 thí sinh. Vẫn còn tới 5 buổi ghi hình của vòng sơ khảo nhưng chương trình đã bộc lộ một vài sự thiếu chuyên nghiệp khiến khán giả cảm thấy không hài lòng.
 
Trước tiên phải kể đến sự thiếu kinh nghiệm của MC dẫn chương trình. Rất nhiều những câu hỏi ngô nghê, những lỗ hổng về kiến thức của MC khiến người xem phải bật cười. Vào buổi thi đầu tiên diễn ra ngày 6/9, MC nữ của chương trình đã gọi một sinh viên đến từ Trường CĐ Sư phạm Nhạc Họa Hà Nội là giảng viên âm nhạc tương lai mà quên mất rằng học sinh tốt nghiệp bậc Cao đẳng sẽ chỉ trở thành những thầy giáo chứ không thể trở thành giảng viên (từ dành cho các thầy cô dạy đại học) được.
Thí sinh Nguyễn Hùng Cường gây ấn tượng với ca khúc Bóng mây qua thềm
Hay như buổi ghi hình gần đây nhất, cũng nữ MC này sau khi trò chuyện với thí sinh hát ca khúc Thư pháp (tác giả Trần Duy Hùng) đã khen ngợi "Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật mới (?)". buổi thi thứ hai (7/9), chỉ có 9 thí sinh tham dự cuộc thi (thí sinh Trần Hoàng Anh bỏ cuộc - PV) nhưng MC không để ý và liên tục giới thiệu trên sân khấu đủ 10 người. Những hạt sạn như vậy có người xem là nhỏ nhưng để đưa chương trình trở nên chuyên nghiệp và tầm cỡ hơn như mong muốn chắc chắn BTC phải điều chỉnh từ những việc như vậy.
 
Thêm một điều có thể khiến cuộc thi này kém hấp dẫn với số đông khán giả, đó chính là việc chấp nhận thí sinh hát trùng ca khúc của nhau. 90 thí sinh thi sơ khảo, thật khó tránh khỏ việc hát trùng ca khúc! Chưa kể chất lượng âm thanh của Đài THHN không cao. Đại diện đài trong một buổi họp báo cho biết từ giờ đến chung kết cuộc thi không thể cải thiện được tình trạng đó, muốn có âm thanh tốt phải chờ cột phát sóng cao 250m dự kiến sẽ xây dựng trong tương lai gần.
Thí sinh Bảo Vương mang phong cách thí VietNam Idol lên sân khấu với tác phẩm Thư pháp
 
Đó là những hạn chế nảy sinh từ phía nhà Đài. Những chuyện dở khóc dở cười do thí sinh gây nên cũng nhiều không kém. Vì mới chỉ là vòng sơ khảo nên có không ít những thí sinh đi thi nhưng chất lượng giọng ca còn rất kém, nghiệp dư, hát phô, hát chênh lộ rõ. Thiếu bản lĩnh sân khấu nên có thí sinh mang phong cách thi vòng loại Viet Nam Idol lên sân khấu múa may gây cười cho khán giả. Có thí sinh rất xinh đẹp sau khi hát xong lại cười "hô hô" hết sức vô duyên trên sân khấu. Đây là một thực tế khó tránh khỏi ở bất kỳ cuộc thi nào ở vòng sơ khảo, và có lẽ Đài PT và TH Hà Nội đã rất dũng cảm khi cho phát sóng trực tiếp cuộc thi ngay ở vòng mà chất lượng thí sinh còn nhiều hạn chế. Nên chăng chỉ bắt đầu phát sóng trực tiếp ở vòng thi chung khảo?
 
Thiên Sơn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm