Ai nhặt chiếc băng đội trưởng của Terry?

11/05/2016 20:13 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh John Terry quẳng lại chiếc băng đội trưởng khi bị đuổi ra sân ở trận gặp Sunderland để lại rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Trận đấu ấy có thể là lần cuối cùng anh khoác áo Chelsea, khi phía CLB không đưa ra bất kỳ lời đề nghị ký lại hợp đồng nào cả.

1. Và việc chia tay một CLB mình gắn bó cả tuổi thanh xuân trong bối cảnh đáng buồn như thế hẳn là điều không ai mong muốn. Không có trận đấu cuối cùng; không có những vinh danh; không có những tri ân; không có những lời tiễn biệt sâu sắc. Tất cả còn lại chỉ là một bức ảnh: Anh ấy đã quẳng lại chiếc băng đội trưởng của mình.

Nhưng suy cho cùng, như người ta vẫn nói, cái gì xảy ra cũng do duyên nghiệp cả. Và con người vẫn thường hay tạo nghiệp, để rồi họ nhận lại ở những phút không ngờ. Terry có tạo nghiệp không, ở Stamford Bridge? Đó hầu như vẫn là một nghi ngờ, rất lớn. Nhưng cái tên của anh, với những lùm xùm xoay quanh hai lần Jose Mourinho ra đi, đủ để người ta có thể tin rằng anh đã phải trả giá cho chính thói quen thích xây dựng quyền lực đen của mình trong phòng thay đồ, thứ quyền lực có thể chống lại bất kỳ HLV nào, dù là xuất sắc nhất.

Vấn đề Terry có nên được ở lại Stamford Bridge hay không thực tế đã được nhắc tới rất nhiều lần, ngay cả lúc anh còn ở đỉnh cao phong độ. Nhiều người nhận định, Terry mới là con cừu đen lớn nhất khiến Mourinho phải lao đao hồi 2007-08 và ở lần gần đây nhất, Terry cũng không nằm trong danh sách loại trừ.

Nhưng BLĐ Chelsea chưa bao giờ có ý định loại bỏ Terry, và chính điều đó khiến những ngờ vực kia không có điểm tựa chắc chắn. Nếu là kẻ ưa lật đổ, Terry khó lòng trụ lại Chelsea lâu đến thế, nhất là dưới tay một ông chủ sắt đá như Roman Abramovich.

Chelsea mất Terry như mất đi linh hồn

Chelsea mất Terry như mất đi linh hồn

Trận đấu với Sunderland cuối tuần qua bất ngờ trở thành trận cuối cùng của John Terry trong màu áo Chelsea. Đáng tiếc, đó lại là đoạn kết buồn khi Chelsea thất bại còn thủ quân của đội bóng lại rời sân sau khi phải nhận thẻ vàng thứ hai.

2. Song, nếu dẹp hết âm mưu và ngờ vực ra khỏi câu chuyện này, chúng ta có thể nhận thấy rằng Terry là trung vệ ở một trình độ “không thể bị loại bỏ và khó có thể kiếm người thay thế”. Chất lượng chuyên môn chính là thứ giúp Terry tạo dựng sự nghiệp lẫy lừng của mình với Chelsea và tuyển Anh, dù rằng có những người giễu cợt rằng anh là người lập “hat-trick” lỡ làng (miss). Anh sút hỏng (miss) cú luân lưu năm 2008 khiến Chelsea thua Man United ở chung kết Champions League. Anh lỡ hẹn trận chung kết Champions League thắng lợi trước Bayern năm 2012 khi không thể ra sân. Và cuối cùng, anh lỡ hẹn với trận đấu chia tay Chelsea của mình vì chiếc thẻ đỏ.

Nhưng cái lỡ hẹn của anh mang ý nghĩa gì? Ngoại trừ pha sút phạt luân lưu hỏng ăn năm 2008, cái hỏng ăn mà bất kỳ danh thủ nào cũng có thể gặp phải, Terry lỡ làng với các cuộc chơi để đời chỉ vì sự quyết liệt trong lối chơi bóng của anh. Và việc quyết dứt áo rời Chelsea (nghe đồn là sang Mỹ với mức lương lên tới 500 ngàn bảng Anh/ tuần) khi không được CLB đề nghị ký thêm hợp đồng cũng thể hiện cái quyết liệt ấy, cái quyết liệt của một người đàn ông thực thụ.

3. Và khi Terry ra đi, ai sẽ là người mang lại cái khí chất thủ lĩnh đó cho Chelsea trong giai đoạn Conte đây? John Stones từ Everton ư? Anh còn chưa đến. Cahill thì không phải là đáp án nữa còn Zouma thì quá trẻ. Số trung vệ xuất sắc hiện nay lại quá hiếm. Và có thể nói, Terry ra đi, để lại cho Chelsea một khoảng trống vời vợi đúng nghĩa.

Bài toán khó của Chelsea bây giờ mới thực sự bắt đầu, khi tấm băng đội trưởng đã được quăng trở lại phía sau lưng một Terry đầy tranh cãi.

Mourinho rời Chelsea, nhiều người nghĩ rằng đội bóng ấy mất đi một điều gì thiêng liêng lắm. Nhưng Terry rời đi, họ mới nhận ra, bây giờ Chelsea mới thực sự mất nhiều...

Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm