Động vật mới đẻ

29/03/2011 15:58 GMT+7

(TT&VH) - Tuần trước, con chó nhà tôi đẻ được bốn con ở ngoài vườn. Một anh bạn vào chơi, thấy tôi cầm những con chó con nhỏ xíu chuyển vào trong nhà, anh ta cứ đi giật lùi và bụm mắt không dám nhìn. Tay vẫn cầm mấy con chó con chưa mở mắt, tôi xáp lại: “Tôi cho anh một con nè, đem về mà nuôi”. Hoảng quá, anh ta phóng rẹt ra khỏi nhà, nổ máy xe chạy biến như ma đuổi. Thế là tôi biết anh ta mắc chứng “gớm” những sinh vật mới đẻ. Cái chứng này lâu nay vẫn có người bị, tuy mức độ nặng nhẹ có khác nhau.

Hình minh họa - Nguồn ảnh: Internet

Lúc trước, quê tôi có bà Bảy Ẩu làm nghề hàng xáo (nghề mua lúa, xay ra gạo bán kiếm lời). Bà này mắc chứng “gớm” chuột con mới đẻ chưa mở mắt. Có người đùa giỡn bắt chuột con đỏ hỏn bỏ vào túi áo bà. Bà thét lên và chết điếng tại chỗ, phải chích và hơ lửa một hồi lâu mới tỉnh dậy. Từ đấy về sau, người ta không dám đùa giỡn như thế nữa, vì bà Bảy Âu sẽ chết thật.

Lại có bà Chín Sam cũng mắc chứng “gớm” con bê mới đẻ. Một bữa bà ra chuồng bò, khi trông thấy con bê vừa lọt lòng, bà cũng thét lên hãi hùng, quăng giỏ cỏ vừa cắt, chạy trốn vào nhà trùm mền, run cầm cập như lên cơn sốt rét.

Thế nhưng, “gớm” là gì? Có lẽ, đó là một trạng thái sợ hãi quá quắt, do thị giác và xúc giác gây nên. Một nỗi sợ hãi khó giải thích rõ ràng. Quê tôi coi “gớm” cũng là một thứ bịnh. Bịnh “gớm”.

Riêng bịnh “gớm” của cụ Suý có lẽ là kỳ lạ nhất. Cụ “gớm” trẻ sơ sinh mới đẻ. Trẻ sơ sinh ấy lại là cháu chắt của cụ nữa kìa. Thế mà cụ cũng “gớm”. Thật sự, cụ không dám thò tay động vào chúng.

Nói chung, những người kể trên, mỗi người “gớm” một động vật khác nhau, nhưng tựu trung vẫn là những động vật mới đẻ. Còn khi chúng đã lớn rồi, họ không “gớm” chúng nữa. Cụ Suý vẫn dắt cháu đi học mẫu giáo bình thường, tuy lúc chúng mới đẻ cụ “gớm”. Bà Bảy Âu vẫn xách đuôi con chuột to đùng, bỏ vào nồi cháo heo, tuy lúc nó mới đẻ bà “gớm”. Bà Chín Sam vẫn dắt bò ra mương tắm rửa kỳ cọ, tuy lúc nó mới đẻ bà cũng “gớm”.

Một hôm tôi hỏi lão Trụ, một thầy chuyên coi ngày giờ tốt xấu, rằng tại sao lại có cái chứng “gớm” lạ lùng như vậy.

Lão đáp: “Chứng “gớm” này không nhiều, nhưng vẫn có người mắc phải. Đúng vậy, họ chỉ “gớm” những sinh vật mới đẻ, vì chúng dơ dáy”.

“Còn những sinh vật lớn thì không dơ dáy à? Hơn nữa, chỉ vì dơ dáy mà người ta thét lên và chết điếng hay sao?” .Tôi gặng lại.

Lão nói:

“Anh hỏi hóc hiểm như thế này, tôi cũng bó tay. Mời anh uống cà phê”.

Miệng lão mời cà phê, nhưng tay lại đẩy cốc trà và nở một nụ cười rất héo...

Nhà văn Ngô Phan Lưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm