Thành cổ Luy Lâu: 26.000 m2 đất di tích... 'mất tích'

03/07/2013 13:10 GMT+7 | Văn hoá



(Thethaovanhoa.vn) - Cả chục nghìn mét vuông đất trước đây được khoanh vùng là khu bảo vệ di tích cấp quốc gia “không cánh mà bay”; máy xúc, máy ủi được điều vào lòng thành cổ để đào ao thả cá… là thảm trạng của di tích Thành cổ Luy Lâu qua những thông tin mà Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Ninh cung cấp cho TT&VH.

Sự việc bức bối tới mức, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Tôi nghĩ những vấn đề phân cấp quản lý di tích đặc biệt cho huyện, xã cần phải thay đổi. Cụ thể, tôi sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Bắc Ninh, với những di tích đặc biệt như Luy Lâu, không thể để các cấp huyện, xã quản lý!”.

Các hộ dân “nhảy dù” vào di tích

Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Ninh trao đổi với TT&VH
Trong công văn số 54/BQLDT về việc “Báo cáo khảo sát thực địa khu di tích Thành cổ Luy Lâu” của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh gửi Sở VH,TT&DL Bắc Ninh ngày 29/5/2013 có viết: “Ngày 24/12/1999, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh (lúc đó là Ban Quản lý di tích) phối hợp với Phòng Thông tin huyện Thuận Thành, UBND xã Thanh Khương lập biên bản và bản đồ khoanh vùng đất đai bảo vệ di tích thành Luy Lâu.

Theo đó, khu vực bảo vệ được tô màu đỏ gồm từ thửa số 1 đến thửa số 128, diện tích 103.518 m2, thuộc số 06, bản đồ địa chính xã Thanh Khương, đo đạc năm 1996 và cả thôn Lũng Khê, thôn Thanh Tương, Sông Dâu (không rõ diện tích là bao nhiêu)”.

Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh nêu tiếp: “Trải qua thời gian, từ đó đến nay, các khu vực khoanh vùng thuộc di tích đã có sự biến đổi. Cụ thể qua khảo sát và xem xét thực trạng, diện tích khu vực bảo vệ hiện nay được UBND xã Thanh Khương xác định còn lại khoảng 77.000 m2  (tức là ít hơn so với khu vực khoanh vùng năm 1999 là 26.518 m2 )”.

Trong vòng chưa đầy 14 năm (từ cuối năm 1999 tới giữa năm 2013), diện tích di tích Thành cổ Luy Lâu từ 103.518 m2 đã được UBND xã Thanh Khương khoanh vùng chỉ còn lại 77.000 m2. Bức xúc về vấn đề này, trong công văn gửi UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở VH,TT&DL tỉnh có nhấn mạnh việc hơn 26.000m2  đất thuộc khu vực bảo vệ của di tích Thành cổ Luy Lâu đang bị xâm phạm nghiêm trọng.

“Dân di cư ồ ạt vào trong thành cổ. Họ lập nhà, trồng trọt, canh tác trong Thành cổ Luy Lâu. Hơn thế, trong một lần đi khảo sát hiện trạng di tích, tôi còn bắt gặp cả những máy xúc, máy ủi được điều vào trong di tích để... đào ao, thả cá. Hỏi ra mới biết, một số phần đất trong di tích đã được khoán thầu” (?!)- ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Di sản, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh trao đổi với TT&VH.

Lối vào nhếch nhác của khu di tích Thành cổ Luy Lâu
“Không nên để địa phương quản lý di tích đặc biệt!”

Trước sự việc quản lý quá lỏng lẻo của chính quyền cấp cơ sở, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh cho hay: Rõ ràng, quyết định 143 (tên gọi tắt của Quyết định số 143/2008/QĐ-UBND về việc ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng di tích Lịch sử - Văn hoá tỉnh Bắc Ninh” của UBND tỉnh Bắc Ninh- PV) là không phù hợp trong trường hợp này”.

Cụ thể, theo mục 2 điều 19, Quyết định số 143/2008/QĐ-UBND, ngày 6/10/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh trong Quy định phân cấp quản lý di tích ghi rõ: UBND cấp xã trực tiếp quản lý, sử dụng các di tích trên địa bàn theo phân cấp quản lý.


Đoạn tường thành cổ theo cán bộ văn hóa địa phương “đang được các cây rồng lâu năm chống xói mòn di tích” (?!)

Ông Phong nói tiếp: Tôi nghĩ những vấn đề phân cấp quản lý di tích đặc biệt cho huyện, xã cần phải thay đổi. Cụ thể, tôi sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Bắc Ninh, với những di tích đặc biệt như Luy Lâu, không thể để cho cấp huyện, xã quản lý!”.

Về hướng giải quyết diện tích đất được Sở cho là “đã bị xâm phạm nghiêm trọng” nếu công văn đề nghị lập quy hoạch tổng thể với Thành cổ Luy Lâu được UBND tỉnh Bắc Ninh thông qua, ông Phong cho hay: Với những hộ dân “nhảy dù” vào di tích, không có sổ đỏ, chúng tôi sẽ kết hợp với các đơn vị có thẩm quyền khác để kiên quyết xử lý.

“Còn những hộ thuộc làng từ trước và có sổ đỏ xác thực thì chúng tôi chỉ có thể khoanh vùng quản lý và để người dân sống chung với di tích. Việc di dời làng chúng tôi chưa tính đến vì điều đó không mấy khả thi vào lúc này”- Ông Phong nói tiếp.


“Đối với di tích là địa điểm khảo cổ thì phạm vi khu vực bảo vệ 1 phải bảo đảm giữ nguyên trạng toàn bộ phạm vi khu vực đã phát hiện và các di vật, địa hình, cảnh quan có liên quan trực tiếp tới môi trường sinh sống của chủ thể đã tạo nên địa điểm khảo cổ đó”.

(Theo mục b, điều 7, Quyết định số 143/2008/QĐ-UBND, ngày 6/10/2008 của UBND tỉnh Bắc Ninh)

***

Như TT&VH đã đưa tin, Thành cổ Luy Lâu là di tích cấp quốc gia có lịch sử 2.000 năm. Đồng thời, đây cũng là di chỉ khảo cổ nơi GS Trần Quốc Vượng và TS Nishimura khai quật được những hiện vật mang tính bước ngoặt cho khảo cổ Việt. Tuy nhiên, hiện trạng cổ thành đang bị xâm phạm mỗi lúc một nghiêm trọng. Và sau nhiều động thái, Sở VH,TT&DL Bắc Ninh đã gửi công văn tới UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị quy hoạch tổng thể khu di tích để khẩn cấp “giải cứu” Thành cổ Luy Lâu.

Theo ghi nhận của TT&VH, cho đến lúc chúng tôi đến địa phương để thực hiện bài viết này (ngày 1/7/2013), công văn của Sở VH,TT&DL Bắc Ninh vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía UBND tỉnh Bắc Ninh.


Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm