Chuẩn bị thi Tốt nghiệp THPT 2009: Sẵn sàng cho sự thay đổi lớn

22/05/2009 14:01 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Còn mười ngày nữa kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra, đây là năm đầu tiên thực hiện thi theo cụm và chấm điểm chéo giữa các tỉnh nên ở một số địa phương vẫn vấp phải những khó khăn về việc phân bố lực lượng, sử dụng phần mềm chấm thi cũng như kinh phí hỗ trợ cho công tác thi tốt nghiệp.

Tranh luận về vướng mắc đã được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời cũng như hướng dẫn khá chi tiết tại buổi họp trực tuyến toàn quốc Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT với 63 tỉnh thành sáng qua 21/5.

Huy động cả cha mẹ học sinh phục vụ thi tốt nghiệp

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chánh thanh tra Bộ GD - ĐT cho biết kết quả kiểm tra công tác chuẩn bị thi, cơ sở in sao đề thi tốt nghiệp năm 2009 tại 63 tỉnh thành cho thấy: đến thời điểm này, hầu hết các sở giáo dục và đào tạo các tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban công tác cụm trường, thành lập hội đồng in sao đề thi, hội đồng coi thi... Một số địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp quận, huyện như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội... Kế hoạch tổ chức và phương án bảo vệ kỳ thi các tỉnh đã thành lập danh sách và sắp xếp thí sinh trong phòng thi. Đến thời điểm kiểm tra, ban công tác cụm trường đã cơ bản hoàn tất về hồ sơ thi và chuẩn bị cơ sở vật chất cho các hội đồng coi thi. Một số địa phương đã huy động các lực lượng xã hội tham gia phục vụ kỳ thi như Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia tổ chức đưa đón, bố trí nơi ăn nghỉ cho học sinh ở xa hoặc tổ chức xe buýt cho học sinh. Tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ học sinh đi thi cụm với số tiền 20.000 đồng/ngày.

Cần thận trọng với những nhãn hiệu máy tính được phép mang vào phòng thi


Theo chỉ đạo của Bộ, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm. Đối với môn thi tự luận, thí sinh chỉ được ra khỏi phòng thi khi hết 2/3 thời gian làm bài của môn thi và phải nộp bài kèm theo đề thi và  giấy nháp. Trong trường hợp này sau khi thí sinh rời khỏi phòng thi, Hội đồng coi thi có thể cho thí sinh rời khỏi khu vực thi đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh tự và an toàn vùng ngoài để ngăn chặn sự xâm nhập bên ngoài vào khu vực thi.
Phó thủ tướng - Bộ trưởng GD - ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Bộ vẫn đang tiếp tục hoàn tất nhưng công việc cuối cùng cho kì thi diến ra tốt đẹp, nhất là kì thi năm nay có sự thay đổi lớn trong cách tổ chức từ trước đến nay. Trong đó tiếp tục tăng cường tập huấn cho cán bộ coi thi, ban tổ chức thi các tỉnh có phương án dự phòng rủi ro do thời tiết, khí hậu, chủ động xây dựng biện pháp phối hợp với ban chỉ đạo Bộ và Trung ương cũng được tính toán kĩ lưỡng.  

Khó khăn nhất vẫn là chấm điểm chéo

Danh mục máy tính được đem vào phòng thi tốt nghiệp
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa gửi thông báo tới các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong cả nước danh sách máy tính cầm tay được đem vào phòng thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009. Theo đó, thí sinh chỉ được phép mang vào phòng thi các loại máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản như tính năng ghi chép, ghi số điện thoại... và không có thẻ nhớ cắm thêm vào.
Đó phải các loại máy tính thông dụng, làm được các phép tính số học đơn giản (công, trừ, nhân, chia, khai căn...), các phép tính lượng giác và các phép tính siêu việt (In, exp...). Cụ thể là các loại máy tính Casio: FX 95, FX 220, FX 500A, FX 500MS, FX 500 ES, FX 570MS, FX 500 VN plus, FX 570 ES; máy tính VinaCal: 500MS, VinaCal 570MS; Vietnam Calculator Vn - 500RS; Sharp EL 124A, EL 250S, EL 506W, EL 509 WM; Canon FC 45S, LS 153 TS, F 710, F 720 và các máy tính tương đương.

So với năm trước kỳ thi tốt nghiệp năm 2009 có 2 sự thay đổi lớn là tiến hành thi theo cụm và tổ chức chấm điểm chéo. Theo thống kê của Bộ GD - ĐT đến thời điểm này thi theo cụm 3 trường chiếm 82,4%, cụm 2 trường 12,5%, chỉ có 5% trường thi riêng lẻ. Theo phản ảnh của 63 Sở thì khó khăn cũng như gặp lúng túng nhất là việc tổ chức chấm điểm chéo. Sở GD - ĐT Đồng Nai cho biết số liệu chấm chéo bài thi mà Bộ giao cho nhiều địa phương không trùng khớp, trên thực tế bài phải chấm nhiều hơn. Bên cạnh đó phần mềm chấm thi khi nhập dữ liệu không phân loại được bài thi phân ban và không phân ban.

Do đó cán bộ chấm thi sẽ không phân loại học sinh khi chấm. Về vấn đề  sử dụng phần mềm chấm thi Sở GD - ĐT TP HCM phản ánh trong kỳ thi thử ở trường THPT Bùi Thị Xuân, đã đưa phần mềm vào sử dụng thử nhưng kết quả không được như mong muốn, ví dụ như một em học sinh có tên họ dài thì lập tức tên một trang họ một trang, làm đảo phách rất khó kiểm soát. Ngoài ra việc thực hiện chấm chéo giữa các địa phương gặp khó khăn do sự chênh lệch cũng như khoảng cách giữa các tỉnh. Sở GD - ĐT Cà Mau kiến nghị đổi địa điểm chấm chéo vì Cà Mau cách Vĩnh Long hơn 200km. Giải đáp thắc mắc của Sở GD - ĐT Đồng Nai và TP HCM, Cà Mau,  Thứ trưởng Bành Tiến Long cho biết: Bộ phối hợp với Cục khảo thí chất lượng cùng các địa phương sẽ tiếp tục rà soát và sớm có văn bản gửi về cho các sở. Muộn nhất ngày 25/5 là hoàn chỉnh phần mềm và kèm theo phần mềm hướng dẫn sử dụng. Do đặc thù của tỉnh Cà Mau, Bộ đồng ý đổi điểm chấm chéo cho Cà Mau là Sóc Trăng thay cho Vĩnh Long theo quy định. Kinh phí chấm chéo giữa các tỉnh thực hiện theo quyết định của Bộ tài chính đối với mỗi bài thi tự luận là  6.000 đồng, kinh phí cho trưởng ban tổ chức tối đa 120.000 đồng, phó trưởng ban 100.000đồng/người, ủy viên thư ký 90.000/người. Về việc viết số thứ tự trên bài thi, Bộ chủ trương thống nhất với các tỉnh hướng dẫn cho thí sinh không ghi số thứ tự.

Trả lời thắc mắc của Sở GD - ĐT Kiên Giang cách khắc phục sửa đổi lại danh sách khi đang trong quá trình làm phách mà có sự đổi mới phần mềm, Phó cục trưởng Cục khảo thí chất lượng giáo dục Bộ GD - ĐT Trần Văn Nghĩa khẳng định: phần mềm chấm thi đã được gửi xuống các sở xin ý kiến. Tính đến thời điểm này về phần mềm chấm thi sẽ không có sự thay đổi nếu có chỉ là sự thay đổi nhỏ không gây ảnh hưởng hay đảo phách danh sách của thí sinh.

Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Phần mềm chấm thi vẫn còn hạn chế nhưng từ nay đến 25/5 Bộ, Cục khảo thí và các địa phương tiếp tục rà soát và chạy lại chương trình để không để xảy ra sai sót. Đến nay công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT đạt hơn 90% với 4 phương châm đặt ra An toàn - Sáng tạo - Hợp tác và có dự phòng.
 
M. Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm