Không biết từ bao giờ trong dân gian xuất hiện câu tục ngữ: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Tồn tại đến ngày nay ấy là khi nông nhàn, người dân, nhất là vùng đồng bằng Bắc bộ đã trồng cấy xong vụ Đông Xuân. Thống kê sơ bộ cho thấy nước ta có khoảng trên 8.000 lễ hội dân gian, mà thời điểm tập trung nhiều lễ hội nhất lại diễn ra vào tháng Giêng.
Hầu hết các lễ hội đầu năm đều bắt nguồn từ ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tưởng nhớ những người có công với làng, với nước. Tuy nhiên, giờ đây, “phú quý sinh lễ nghĩa” lại thêm thói quen đi lễ cầu tài, cầu lộc hàng năm khi dâng cúng những mâm lễ cao ngất ngưởng, rồi rải tiền khắp các bàn thờ, các tượng thờ, giếng thờ. “Lễ cả năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, mà chắc theo quan niệm này thì đến ngày 17-2 (ngày Rằm Nguyên Tiêu) sắp tới, lượng người từ mọi miền đổ về các chùa chiền, đình, đền sẽ khó mà “đong đếm” được.
Hết lễ lại hội, kéo dài liên miên, nên có nhiều công việc bị đình trệ, trì hoãn vì người liên quan còn bận… đi lễ. Không biết ai đã nghĩ ra câu tục ngữ mới của xã hội hiện đại: “Tháng Giêng, chùa đông, công sở vắng”(!?). Không ít cán bộ hành chính của những cơ quan công quyền buộc phải đến làm việc cũng cố tranh thủ từng giờ từng phút du xuân kẻo thiệt với tâm lý: Chơi đã, vội gì. Bởi có vội việc chắc gì đã xong khi phần đoạn của mình xong nhưng tiếp sau lại... tắc. Công việc thì cần đến con người mà con người thì đang vi vu đâu đó cầu xin may mắn, đố tìm.
Nhưng không chỉ lễ hội cầu may, vui xuân, mà còn có rất nhiều lễ hội gắn với lao động, sản xuất như lễ hội Tịch điền, lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày... Dù có thể mong ước của mỗi người khác nhau nhưng có lẽ mỗi người chúng ta đều cùng một ước vọng là cuộc sống của từng người, từng gia đình và cả đất nước sẽ ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng cách để hiện thực hóa mong ước đó cũng khác nhau.
Trong khi hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp đang nghỉ Tết Quý Tỵ - với thời gian khá dài, hơn một tuần lễ - thì trên các công trình trọng điểm quốc gia, hàng nghìn công nhân đã vào ca từ thời khắc Giao thừa và làm việc không mệt mỏi ngay độ xuân về như công nhân trên công trường xây dựng thủy điện Lai Châu, là “Tết công trường” với những giờ lao động hối hả trên các công trình đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, hay ở dự án cầu Nhật Tân, các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài và kỹ sư, công nhân Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiến độ, làm việc 3 ca liên tục, kể cả trong những ngày Tết, để đảm bảo được tiến độ chung. Đó là điều giúp mọi mong ước của chúng ta sẽ trở thành hiện thực.
Tháng Giêng, tháng mở đầu của năm, tháng của bao công việc cần làm gấp, chứ đâu còn chỉ có sự ăn chơi?
Theo Thiên Thanh
An ninh Thủ đô