12/02/2021 07:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Trâu là một con vật vô cùng thân thuộc với người nông dân Việt Nam. Hình ảnh Con Trâu đi vào tiềm thức dân tộc ta với nhiều cung bậc ngữ nghĩa khác nhau. Nó làm nên một phần của lịch sử.
Tuy có bò (cũng là động vật gần giống trâu) cùng kéo cày nhưng trâu vẫn là gia súc chủ lực. Cũng bởi trâu có sức vóc lớn hơn, khỏe hơn (Yếu trâu hơn khỏe bò). Trâu lại chịu được nước sâu như ruộng rộc, ruộng ngập nước, lầy thụt. Bò sợ nước, không thể thích ứng được. Hơn nữa, trâu chịu nắng chịu mưa tốt hơn bò. Khỏe như trâu cơ mà.
Con trâu đi trước, cái cày theo sau đã thành hình ảnh biểu trưng về cảnh làm ăn của người nông dân Việt Nam.
“Trâu đẻ tháng Mười, người đẻ tháng Sáu”
Đẻ là chuyện sinh sản của con người (phụ nữ) hay động vật giống cái (trâu, bò, lợn, ngựa, dê...). Nhưng sao dân gian lại đem chuyện trâu đẻ để ví với người đẻ nhỉ? Do gắn bó tới mọi công việc liên quan tới cày bừa, con trâu đặc biệt được lưu ý tới mọi hoạt động của nó trong một năm.
Một năm có hai mùa vụ: Tháng Năm rồi lại tháng Mười/ Con trâu dậy sớm que cời thức khuya (Lê Đình Cánh). Vì đảm đương trọng trách “kéo cày” nên trong thời gian nông vụ chí kì (vụ chiêm: tháng năm âm lịch, vụ mùa: tháng mười âm lịch) cho nên vào những lúc đó, trâu (bò) được quan tâm săn sóc đặc biệt.
Chúng được giữ ấm vào mùa lạnh, tắm mát vào mùa hè, luôn được ăn no cỏ (hoặc rơm khô) và đặc biệt, nếu có con nào thuộc diện “trâu sinh sản” thì người ta sẽ phối giống sao cho trâu không đẻ vào mấy tháng “cao điểm” trong năm.
Vì trâu có giúp cho việc làm đất (cày, bừa) ổn thỏa thì vẫn phải có người “tiếp ứng”. Lúc làm đất, cày bừa xong mà mấy bà thợ cấy ốm đau hay “nằm bếp” (sinh nở) thì ôi thôi, ai xuống đồng cấy hái cho đây?
Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải nghĩa câu này là: “Trâu thì đẻ vào dịp tháng Mười (âm lịch) nên chẳng còn biết lấy gì để cày bừa nữa; vợ thì ở cữ tháng Sáu (âm lịch) nên chẳng còn biết lấy ai để cấy hái nữa”.
Cũng còn một câu tục ngữ “anh em sinh đôi” với câu này: Trâu đẻ tháng Năm, vợ nằm tháng Sáu.
Cả hai tháng (Năm và Sáu) này cũng đều nằm trong khoảng thời gian “thiết quân luật” với trâu bò và với người (thợ cày, thợ cấy). Nông lịch ngày xưa rất quan trọng. Nó chi phối mọi hoạt động của con người. Bởi nếu không biết thu xếp thì người nông dân sẽ không có điều kiện thực hiện cho tốt công việc mùa vụ. Họ luôn phải “trông trời, trông đất, trông mây” và trông đàn trâu trong chuồng sao cho khỏe mạnh để sẵn sàng đảm đương nhiệm vụ.
Đẻ thì thêm trẻ, thêm trâu
Nhưng mà nằm đấy lấy đâu cấy cày?
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
“Trâu ta ăn cỏ đồng ta/ Tuy rằng cỏ cụt nhưng mà cỏ thơm”. Đây đâu chỉ là câu chuyện nói về trâu và cỏ. Đó là lời khuyên về thái độ của chúng ta đối với sản vật, tài nguyên hay con người gắn liền với nơi ta đang sinh sống. Hạt lúa, củ khoai, con cua, con tép/ Rặng chuối, bờ tre, tiếng bầy chim két....
Đó là tất cả những gì nuôi ta lớn khôn. Rồi nói rộng ra (mà hàm ý này mới là hàm ý cơ bản của câu ca dao), trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, có thể chọn bất cứ ai ở nơi nào cũng được. Nhưng giá mà, kết duyên với người cùng quê hay gần quê thì tốt hơn. Giống như trâu cần ăn cỏ thì nên gặm cỏ nơi đồng nhà vậy. Cỏ đồng nhà dù có xấu (cỏ cụt) nhưng mà ngon và thú vị (cỏ thơm).
Có người cho rằng câu nói này chỉ có ý nghĩa động viên, an ủi nhau thôi. Không hẳn thế. Bởi, ngẫm cho tận cùng lí lẽ thì câu ca trên mang một giá trị nhân văn sâu sắc lắm. Ngày xưa đã thế và bây giờ vẫn thế. Cũng bởi lẽ, cái gì gần với ta, gắn bó với ta thì bao giờ cũng có một ý nghĩa đặc biệt. Có con mà gả chồng gần/ Sẵn bát canh cần nó cũng đem cho. Quả là thế thật. Con cái thành gia thất, nếu làm ăn sinh sống gần gũi với ông bà cha mẹ, khi cần “ới một tiếng” là có mặt, quả là hạnh phúc lắm thay. Nhưng còn có điều này như một lẽ đời muôn thuở: Nơi ta sinh ra và lớn lên bao giờ cũng năng tình, nặng nghĩa, thiêng liêng như một tri ân gắn bó cội nguồn.
“Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Hai câu này cũng cùng trường nghĩa, “anh em một nhà” với hai câu trên. Không ở đâu được như ở nhà mình. Dù rằng, ở nhà người có đàng hoàng đầy đủ, tiện nghi vật chất hơn thật, nhưng hễ cứ về nhà là lòng ta lại thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn hẳn. Và ta cũng cảm thấy thêm yêu cuộc sống để rồi gắn bó, có trách nhiệm với cuộc sống của ta hơn.
Sau một ngày gặm cỏ, về chuồng nằm nhẩn nha nhai lại, chú trâu mộng kia dường như cảm thấy cọng cỏ mọc trên đồng bãi quê mình đúng là thơm ngon, ngọt ngào thực. Nó cũng giống như tấm lòng thơm thảo của chúng ta đối với quê hương, bản quán. Rất gần và rất đỗi thân thương... Lạc đàng bắt đuôi chó, lạc ngõ bắt đuôi trâu
Đó là câu tục ngữ có xuất xứ từ miền Trung. Tuy nhiên, nó còn được viết là: Lạc đường bắt đuôi chó, lạc ngõ bắt đuôi trâu (hay Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu). Đây là biến thể có tính toàn dân và có lẽ là khi đọc lên, hầu hết các từ ngữ đều rõ ràng, tường minh. Nhưng câu tục ngữ này vẫn có điều phải bàn thêm.
Câu này nói về chuyện ai đó đi đâu đấy nhưng thế nào lại bị lạc đường về. Những tình huống như vậy hẳn là không hiếm gặp, nhất là đối với những người ở vùng nông thôn, rừng núi đi xa vì công việc (đi làm ở cánh đồng xa, vào rừng, lên núi chẳng hạn). Khi bị mất phương hướng không có ai chỉ dẫn thì một trong những giải pháp tình huống là trông cậy vào con vật nuôi của mình.
Tác giả Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển tục ngữ Việt, NXB TP HCM, 2010) có giải nghĩa câu này là “Lạc đường (về nhà) thì hãy nắm lấy đuôi lũ chó, lạc ngõ (dẫn vào nhà) thì hãy nắm lấy đuôi lũ trâu (vì đó là hai giống vật giỏi nhớ đường về hơn hết thảy)”.
Tuy nhiên, người đọc có thể thắc mắc, là cùng giúp giải quyết chuyện “lạc” nhưng tại sao “lạc đường” và “lạc ngõ” lại có chuyện khác nhau để rồi mỗi loại “lạc” lại dựa vào một con vật? Nếu trâu và chó đều có khả năng “nhớ đường” thì con nào dẫn đường chả được?
Trước hết, ta cần phân biệt “lạc đường” và “lạc ngõ” không giống nhau về khoảng cách lạc.
Theo kinh nghiệm dân gian thì loài chó, có bộ óc thông minh hơn, với tố chất đánh hơi phân biệt sự vật và “định vị” không gian tốt hơn loài trâu, vốn chỉ có khả năng định hướng trong phạm vi gần. Người đi cày dẫn trâu về đến làng, xuống ao rửa chân để trâu trên bờ, trâu có thể đủng đỉnh tự tìm đường về ngõ, về nhà và về chuồng.
Tuy nhiên, nếu thả trâu bơ vơ giữa cánh đồng rộng, hay trên rừng, trên núi khá xa nhà thì trâu hoàn toàn mất khả năng định hướng tìm lối về. Trong khi đó thì bất cứ con chó nào cũng có thể lần ra đường về kể từ nơi xuất phát. Không ít trường hợp, có những chú chó bị thất lạc ở nơi rất xa, trong nhiều ngày, tưởng là mất.
Ấy thế mà người ta lại thấy chú thình lình trở về trong niềm vui bất ngờ của gia chủ. Rõ ràng, bản năng “nhận biết” và “nhớ” của hai loài vật này là không giống nhau. Cho nên nếu lạc ở trong phạm vi gần (giữa ngõ nọ với ngõ kia) thì có thể trông cậy vào trâu, còn trong phạm vi xa (lạc đường nói chung) thì phải trông cậy vào chó.
Lạc đường, lạc ngõ khác nhau
Lúc nhờ chó, lúc nhờ trâu dẫn về...
PGS - TS Phạm Văn Tình
TT&VH Xuân Tân Sửu 2021
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất