Chủ tịch VFF và TTK VFF qua 2 nhiệm kỳ V, VI: 6 năm nhìn lại

10/12/2011 11:22 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Cho tới thời điểm này, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã xác định sẵn sàng cho phương án rút khỏi chức vụ hiện tại ở VFF trước khi kết thúc nhiệm kỳ, và chỉ cần các thành viên Ban chấp hành VFF khóa VI nhất trí tổ chức Đại hội bất thường để miễn nhiệm các chức danh trong Thường trực VFF thì ông Hỷ sẽ không còn là Chủ tịch VFF.

Tuy thế, ông Hỷ vẫn rất tự hào vì là lãnh đạo VFF duy nhất trong bao nhiêu năm qua được chứng kiến ĐTVN lên ngôi vô địch ở AFF Suzuki Cup 2008. Đúng là cho dù ĐTVN đã đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 một cách vô cùng may mắn, nhưng ai cũng phải thừa nhận là từ vòng bán kết và chung kết, ĐTVN đã chơi cực hay và xứng đáng bước lên bục cao nhất, còn cái gọi là may mắn của ĐTVN thì chỉ tính ở vòng bảng, và cụ thể là trận thắng kỳ lạ trước Malaysia mà thôi.


Nếu bảo ông Hỷ có công lớn trong chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của ĐTVN cũng không sai, và có lẽ đấy là điểm sáng nhất của ông Hỷ trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp làm Chủ tịch VFF

Tương tự như thế, cho dù năm 2008 ông Hỷ chọn lựa HLV Henrique Calisto làm HLV trưởng ĐTVN với bất cứ lý do nào, dù là vì “giải pháp an toàn” hay một nguyên nhân nào khác, thì cũng không thể phủ nhận rằng nếu không có ông Hỷ đứng ra quyết định thì sẽ không có chuyện HLV Calisto trở lại dẫn dắt ĐTVN.

Nói thế là bởi ban đầu HLV Calisto không hề có tên trong danh sách 5 ứng viên rút gọn của VFF, và cả khi ông Calisto đã vào “chung kết” với HLV Peter Withe thì người mà Hội đồng HLV QG ưu tiên tiến cử với VFF là ông thầy người Anh chứ không phải HLV Calisto. Do đó nếu bảo ông Hỷ có công lớn trong chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008 của ĐTVN cũng không sai, và có lẽ đấy là điểm sáng nhất của ông Hỷ trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp làm Chủ tịch VFF.

Không giống Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, vai trò của TTK VFF Trần Quốc Tuấn trong 2 nhiệm kỳ đứng ở vai trò số một của cấp điều hành tại VFF lại không có dấu ấn nào nổi bật. Ông Tuấn tuy là thành viên VFF hiếm hoi được bầu vào Ban chấp hành AFC, nhưng nếu xét về tầm ảnh hưởng cũng như khả năng quan hệ đối ngoại để đưa về những dự án hợp tác có lợi cho bóng đá VN thì ông Tuấn không thể so sánh với người tiền nhiệm Phạm Ngọc Viễn ở cùng cương vị TTK.

Ấn tượng lớn nhất về ông Tuấn trong gần 2 nhiệm kỳ ở VFF có lẽ là việc vị TTK này liên tục bận rộn với các chuyến công du nước ngoài, và 2 trong 3 kỳ SEA Games gần nhất mà ông Tuấn làm trưởng đoàn, ĐT U23 VN đều thất bại thảm hại (không giành nổi huy chương tại SEA Games 24 năm 2007 và SEA Games 26 năm 2011).

Theo giải thích của người trong cuộc, một trong những lý do chủ yếu khiến ông Tuấn được bổ nhiệm làm trưởng đoàn ĐT U23 VN tại các kỳ SEA Games nói trên là bởi VFF cần một vị trưởng đoàn có đủ thẩm quyền để đưa ra mọi quyết định quan trọng ngay tại “chiến trường”. Tuy nhiên, thực tế là trong hành trình xuống dần đều của ĐT U23 VN tại 2 kỳ SEA Games 2007 và 2011, trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn đều không thể hiện được vai trò của mình.

Điều khiến dư luận thất vọng hơn nữa là trong cả 2 cuộc mổ xẻ rút kinh nghiệm sau thất bại tại SEA Games, một lần thì ông Tuấn vắng mặt vì bận họp ở nước ngoài (năm 2007), còn lần mới nhất ở năm nay thì ông Tuấn cũng chỉ nhận trách nhiệm một cách chung chung, mặc dù ai cũng biết sau HLV Falko Goetz thì ông Tuấn có vai trò lớn nhất trong kết quả thi đấu của ĐT U23 VN ở SEA Games 26.

Nhật Huy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm