Pháp – Serbia 2-1: "Sống dai" như Domenech!

12/09/2008 09:29 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Nếu cần một ví dụ về sự trường tồn, người ta có thể nghĩ đến Raymond Domenech trên cương vị HLV đội tuyển Pháp.
 
Rất nhiều lần phải đối mặt với “giá treo cổ” trong suốt 4 năm dẫn dắt “Les Bleus” nhưng cho đến giờ phút này, Domenech vẫn luôn thoát hiểm đầy ngoạn mục.

“Giải phóng quân” Henry

Trên số báo ra ngày hôm qua, nhật báo thể thao L’Equipe có đăng một bài viết lớn về Thierry Henry với tiêu đề “Henry, le libérateur” (Henry, người giải phóng). Trên thực tế, tân đội trưởng đội tuyển Pháp đã cứu ông thầy Domenech khỏi một bàn thua trông thấy, nhờ bàn mở tỷ số cùng rất nhiều đóng góp trong chiến thắng 2-1 khá nhọc nhằn trước Serbia. Nhờ chiến thắng ấy mà những thành viên trong Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF), đứng đầu là Chủ tịch Jean-Pierre Escalettes, có “lý do chính đáng” để tiếp tục giữ Domenech lại trên băng ghế huấn luyện của đội tuyển Pháp.
 
Domenech (áo đen) lại một lần nữa sống sót

Henry cùng đồng đội đã chơi một trận đấu đầy nỗ lực, xóa bỏ những nghi ngờ về một cuộc “lật đổ” Domenech có thể xảy ra trong trận đấu với Serbia. Lựa chọn của Henry, thể hiện qua sự cố gắng hết mình trên sân cỏ, vừa có mặt tích cực lại vừa mang chút gì đó không tích cực. Là một cầu thủ chuyên nghiệp, khoác trên mình màu cờ sắc áo đại diện cho danh dự của tổ quốc, dĩ nhiên Henry phải có nghĩa vụ chiến đấu bằng tất cả sức lực và khả năng vốn có. Nhưng ở khía cạnh đối lập, nếu anh và đồng đội đá lơi chân đi một chút, Pháp có thể không thắng được Serbia nhưng lại mở ra một tương lai mới cho bóng đá Pháp khi không còn Raymond Domenech trên băng ghế chỉ đạo.

“Lá phổi” Gourcuff

Không nổi bật như Henry, nhưng thành quả mà đội tuyển Pháp gặt hái được trong trận đấu với Serbia phần nhiều có sự đóng góp của Yaonn Gourcuff. Domenech đã có một quyết định đột phá, một sự thay đổi như lời ông đã hứa sau trận thua 1-3 trên đất Áo, bằng việc chuyển từ sơ đồ 4-2-2-2 sang 4-2-3-1. Gourcuff được giao trọng trách chơi như một hộ công, ngay phía trên cặp tiền vệ phòng ngự Toulalan – L.Diarra và đá khá gần trung phong cắm Benzema. Henry được đẩy sang cánh trái sở trường trong khi Govou tiếp tục quán xuyến hành lang phải.

Sơ đồ ấy đã vận hành tương đối trơn tru, giúp Pháp kiểm soát tốt thế trận, cầm bóng 60% thời gian, tung ra 24 cú dứt điểm, nhiều gấp 4 lần so với Serbia. Bóng được phân phối chủ yếu qua “kênh” Gourcuff ở khu vực giữa sân, nhiều lần giúp Benzema có cơ hội dứt điểm nhưng tiền đạo của Lyon đã có một buổi tối rất tệ. Anh bị xem là người đá tồi nhất trong đội hình tuyển Pháp, một phần vì bị các hậu vệ Serbia chăm sóc quá kỹ lưỡng, không tạo cho bất cứ khoảng trống nào đủ lớn để có thể tung ra những cú dứt điểm uy lực và hiểm hóc. Nỗ lực đặc biệt của Gourcuff ở trận đấu này có thể mang về cho tiền vệ đang khoác áo Bordeaux theo hợp đồng cho mượn từ AC Milan một chỗ đứng vững chắc hơn trong đội hình tuyển Pháp, thay vì ngồi dự bị như bấy lâu nay.

Tương lai bất định

Mặc dù chiến thắng trước Serbia có thể cứu Domenech thoát khỏi một cuộc phán xét có thể dẫn đến kết quả là bị sa thải trước thời hạn nhưng rõ ràng, 3 điểm vừa giành được trên sân nhà không giải quyết được những mâu thuẫn cơ bản trong nội bộ đội tuyển Pháp, rộng hơn một chút là FFF. Một khi Chủ tịch Escalettes đã chỉ trích công khai nhóm “quyền lực đen” – gồm những cầu thủ xuất thân từ thế hệ vàng 1998 và 2000, thao túng “Les Bleus” thì có nghĩa là FFF đã chính thức thừa nhận những mâu thuẫn và xung đột mà dư luận bàn tán lâu nay là có thật.

Nhưng chuyện lục đục nội bộ không hẳn đã xuất phát từ việc quyền lợi của nhóm “quyền lực đen” bị xâm phạm, mà chủ yếu bắt nguồn từ cách làm của chính FFF, nhỏ hơn một chút là cá nhân Domenech – sản phẩm của Escalettes cùng bộ sậu. Những người tâm huyết đều mong ngóng ngày Domenech phải rời ghế, nhưng thời điểm ấy vẫn chưa thực sự đến dù đã không ít lần chạm ngõ. Đơn giản, Domenech nhận được sự hậu thuẫn quá lớn từ phía sau với những người có chức quyền như người bạn thân Escalettes. Và chừng nào Domenech còn tồn tại, hay bộ sậu FFF còn ủng hộ một cách thái quá và mù quáng vào chiến lược gia bất tài này, chừng ấy bóng đá Pháp còn đối mặt với tương lai bất định.

Cũng thật khó hiểu cho FFF. Những bài học nhãn tiền từ vòng loại World Cup 2006, vòng loại cũng như vòng chung kết EURO 2008 vẫn còn sờ sờ ra đó nhưng sao họ lại không rút ra được điều gì thực sự bổ ích cho bóng đá Pháp. Một lần nữa xin nhắc lại, đừng để ngôi á quân World Cup 2006 làm mờ mắt, bởi đó không phải là chiến công của Domenech, mà là mồ hôi và nước mắt của những con người từng một thời gắn bó máu thịt với “Les Bleus”. Và một điều nữa, đừng xem chiến thắng trước Serbia là tấm lệnh bài miễn “tội chết” cho Domenech. Nếu HLV còn “sống” thì bóng đá Pháp còn có nguy cơ “chết” dài dài!

101

Đội tuyển Pháp đã vượt qua cột mốc 100 bàn thắng ở Stade de France trong vòng 10 năm qua. Kể từ ngày được đưa vào sử dụng trước World Cup 1998, Stade de France là nơi tổ chức 52 trận đấu của “Les Bleus”, trong đó có 41 trận đội chủ nhà ghi được bàn. Tổng cộng, đội tuyển Pháp đã thắng 34, hòa 16 và chỉ mới thua 2 trận tại đây. Bàn nâng tỷ số lên 2-0 của Nicolas Anelka trong trận thắng 2-1 trước Serbia là bàn thứ 101 của đội tuyển Pháp tại Stade de France. Thierry Henry, tác giả của bàn mở tỷ số - bàn thắng thứ 100, cũng là người ghi bàn nhiều nhất cho “Les Bleus” ở Stade de France với 15 lần lập công, xếp trên David Trezeguet (12), Sylvain Wiltord (11), Zinedine Zidane (9)…

329

Đó là khoảng thời gian tính bằng ngày giữa hai chiến thắng của đội tuyển Pháp ở một giải đấu chính thức. Trước khi vượt qua Serbia, trận thắng gần nhất của “Les Bleus” có tỷ số 2-0 trước Lithuania tại vòng loại EURO 2008 hôm 17/10/2007. Giữa hai chiến thắng này, đội tuyển Pháp đã trải qua 2 trận hòa (2-2 trước Ukraina, 1-1 trước Romania) và 3 trận thua (1-4 trước Hà Lan, 0-2 trước Italia và 1-3 trước Áo).

53.027

Lượng khán giả đến Stade de France chỉ lấp đầy 2/3 số chỗ ngồi của sân bóng có sức chứa 80.000 người này. Dù sao đi nữa, con số 53.027 CĐV đến xem trận Pháp – Serbia cũng đã vượt xa kỷ lục thấp nhất về khán giả ở Stade de France trong một trận đấu của “Les Bleus”, 36.842 người ở trận Pháp – New Zealand 5-0 tại Confederations Cup 2003.
 
 

Phạm Văn Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm