27/01/2023 15:13 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Chủ nghĩa tối đa như một cách “tuyên chiến” của Gen Z đáp trả lại chủ nghĩa tối giản từng thịnh hành toàn cầu của Gen Y.
Kỷ nguyên của những tấm lưới được làm thủ công hoàn hảo trên nền trắng và nỗi ám ảnh về ghế gỗ một màu trang nhã sắp kết thúc. Khi chúng ta tiến sâu hơn vào thập kỷ những năm 2020, chủ nghĩa tối đa chính thức xuất hiện, song song với sự tàn lụi của chủ nghĩa tối giản. Nói lời tạm biệt với những chiếc bàn gỗ ấm cúng và lối trang trí thưa thớt, ít đồ nội thất nhất có thể hay nỗi lo lắng vì có quá nhiều đồ đạc, người trẻ ngày nay đã tạm biệt sự “nhạt nhẽo” đó.
Chủ nghĩa tối đa (Maximalism) không chỉ đơn thuần là lối trang trí nội thất cầu kỳ, thật nhiều đồ đạc hay phong cách thời trang sặc rỡ, nhiều chi tiết và lấp lánh, nó cũng là cả một lối sống. Nói một cách dễ hiểu, người theo chủ nghĩa tối giản (Minimalism) đơn giản hóa mọi thứ nhất có thể thì người chuộng chủ nghĩa tối đa sẽ “khuếch đại” lên hết mức.
Theo Vogue, chủ nghĩa tối đa là “nghệ thuật của nhiều hơn nữa: hoa văn nhiều lớp, màu sắc có độ bão hòa cao, nhiều phụ kiện và tác phẩm nghệ thuật và cảm giác thực sự vui tươi và những trang trí táo bạo”.
Chủ nghĩa tối đa là xu hướng “càng nhiều, càng tốt”
Cũng như “người anh em” phong cách tối giản, chủ nghĩa tối đa được thể hiện nhiều nhất qua kiến trúc và nội thất. Bạn có thể trang trí phòng theo bất cứ lối nào, miễn là nó cầu kỳ và nhiều chi tiết thì đều có thể là chủ nghĩa tối đa.
Sự khác biệt giữa một căn phòng "tối giản" và "tối đa"
Keren Richter, nhà thiết kế nội thất người Anh cho biết: “Chủ nghĩa tối đa có thể được tìm thấy trong một ngôi nhà theo phong cách chiết trung của Anh (phong cách kết hợp giữa cái cũ và cái mới, giữa phong cách phương Đông với phương Tây) với giấy dán tường có hoa văn, xếp nếp có hoa văn và bầu không khí có phần hỗn loạn. Phong trào Thiết kế Memphis với màu sắc vui tươi, hoa văn, hình học và trang trí nguệch ngoạc hay một căn phòng theo phong cách Victoria tối tăm và ủ rũ lẫn cảm giác vui tươi của những năm 1980 đều có thể trở thành chủ nghĩa tối đa”.
Những căn phòng cầu kỳ theo phong cách tối đa
Trong lĩnh vực thời trang, phong cách tối đa cũng đang xâm chiếm mạnh mẽ. Phong cách này đề cao lối thẩm mỹ “thái quá”, sử dụng nhiều màu sắc, họa tiết, hình bóng, hoa văn và chất liệu trong một bộ trang phục. Một số gọi nó là táo bạo, một số gọi nó là rối mắt, phô trương, nhưng ngày càng có nhiều người coi nó như một “loại hình nghệ thuật”.
Thời trang, thẩm mỹ, xu hướng vẫn luôn dịch chuyển là quy luật tất yếu, và xu hướng Maximalism cũng xuất hiện một cách tự nhiên vì nhiều nguyên do. Vào đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã khiến cả thế giới phải ở trong nhà và nhiều người đã tận dụng thời gian này “thử nghiệm” lại tủ quần áo của mình để xua tan sự nhàm chán. Mọi người có quyền tự do phiêu lưu với các lựa chọn phong cách của mình vì họ cảm thấy an toàn khi thử mặc trang phục táo bạo ở nhà, không bị áp lực khi bị nhìn thấy ở nơi công cộng và bị đánh giá về những gì họ mặc. Điều này tạo cơ hội cho thanh thiếu niên thể hiện mình là những người sôi nổi giữa thế giới đang khủng hoảng, bị giam cầm và cô lập.
Giống như cuộc suy thoái kinh tế năm 2008, ba năm đại dịch toàn cầu đã tạo ra tâm lý “ai quan tâm tôi mặc gì?” và “tại sao phải quan tâm mọi người nghĩ gì về tôi?”. Thế hệ Gen Z với thái độ tự tin hơn, táo bạo hơn, dám thể hiện cái tôi hơn sẵn sàng trang trí không gian sống hoặc mặc ra đường những bộ đồ mà trước đây dễ bị người lớn đánh giá là “lố bịch”.
Trong khi thẩm mỹ thiết kế nội thất tối giản thống trị trước đại dịch, thì việc buộc phải ở nhà 24/7 đã khiến chúng ta phải xem xét lại về nhu cầu của mình. Phải ở nhà nhiều hơn đồng nghĩa với việc cần nhiều đồ đạc để phục vụ cuộc sống sinh hoạt hơn. Diana Budds, nhà sản xuất cấp cao tại Curbed khẳng định: “Khó có thể chung sống với chủ nghĩa tối giản được nữa. Chúng ta không thể sống trong những ngôi nhà quá ít đồ đạc, chúng không có dấu hiệu của sự sống”.
Một khía cạnh khác cũng giải thích cho sự lên ngôi của chủ nghĩa tối đa là sự thiếu kích thích mà chúng ta đã cùng nhau trải qua trong đại dịch. Vì bị hạn chế giao tiếp và trải nghiệm cả cuộc sống qua màn hình quá lâu nên chúng ta khao khát được kích thích các giác quan khác của mình. Kết cấu tương phản, hình ảnh bắt mắt và tính vui tươi nói chung của chủ nghĩa tối đa rất phù hợp với mong muốn này.
Sự phát triển và tầm ảnh hưởng quá lớn của Internet trong thời đại ngày nay cũng góp phần đẩy nhanh quá trình “phổ cập” chủ nghĩa tối đa đến người người nhà nhà. Thế hệ Z đã lớn lên với một loạt các tiêu chuẩn văn hóa chỉ xuất hiện và lan truyền nhanh chóng qua vài cú nhấn trên điện thoại. Vì vậy, việc họ lấy các mảnh ghép từ môi trường kỹ thuật số của mình và ứng dụng ngay và luôn là điều tự nhiên.
Trái ngược với xu hướng chủ nghĩa tối giản thống trị những năm 2010, chủ nghĩa tối đa đem lại không gian sáng tạo tự do hơn rất nhiều. Theo chủ nghĩa tối giản, bạn bắt buộc phải làm mọi thứ thật đơn giản, trang nhã, ít màu, không được nổi bật. Căn phòng tối giản có mọi đồ vật đều được lựa chọn thủ công và đặt đúng vị trí. Kết quả là một loạt các căn phòng trên toàn cầu bắt đầu trông giống nhau, không cho phép thể hiện các sắc thái và bối cảnh đa dạng của cuộc sống.
Còn với chủ nghĩa tối đa thì khác, người trẻ có thể thoải mái sáng tạo vô tận, kết hợp mọi kiểu phong cách mà mình muốn. Bạn có thể trang trí tác phẩm hội họa của Van Gogh trên tường phòng ngủ và treo đèn disco phát sáng ở trần, với bộ ghế sofa màu neon ở ngay bên cạnh nếu thích. Và điều quan trong nhất là Gen Z mặc kệ liệu nó có bị ai đó nhận xét là “kệch cỡm”, “kém thẩm mỹ” hay không.
Nguồn: Vogue, The Conversation
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất