Chống trộm

21/08/2009 13:02 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chẳng có đâu như ở ta, cả làng bóng đá từ BTC, Ban Kỷ luật đến hàng loạt đội bóng đang trong tư thế giống như ông chủ nhà đã được cảnh báo theo kiểu tối nay sẽ có trộm “ghé thăm”.

Như V-League, tín hiệu “có trộm” được đánh động rõ nhất là không hiểu sao SHB.ĐN lại tự tin đến 99% khả năng sẽ lấy chiếc Cúp QG trước Thể Công chiều 29/8. Họ còn lên cả kịch bản rước Cúp ra sao sau khi hạ Thể Công. Cứ giải mã “ngôn ngữ bóng đá ta” thì 6 ngày trước đó, ngày 23/8, SHB.ĐN sẽ phải thả cho Thể Công thoát trong trận chốt giải chuyên nghiệp trên sân Hàng Đẫy?

Đấy mới chỉ là một tiêu điểm về khả năng “có trộm” rất cao đã biểu hiện ra ngoài.

Hãy xem liệu pháp và công cụ để chống trộm của VFF, BTC, Ban Kỷ luật ở vòng cuối là gì?

Nói thẳng, cũng chỉ nghe những cụm từ theo mô típ quá quen thuộc, thể hiện sự bị động. Đó là phân công trọng tài có tâm, tầm, bản lĩnh, kinh nghiệm và đảm bảo yêu cầu về tính trung gian.
 
 K.KH sẽ có niềm vui thế này trên sân Nha Trang chiều ngày 23/8?
 
Nói là thế nhưng ai chẳng biết hiện tại trong tay BTC chỉ có 17 trọng tài, số anh đủ độ tin cậy về mọi mặt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còi vàng Dương Văn Hiền và Còi bạc Võ Minh Trí thì không được đụng đến những trận liên quan đến trụ hạng rồi, thử thống kê còn mấy vị để các CLB thực sự tin tưởng.

Đó là cử lãnh đạo chủ chốt của VFF, BTC đến theo dõi, giám sát các điểm nóng. Ví như ông Chủ tịch VFF kiêm Trưởng ban Chỉ đạo giải cùng Chủ tịch HĐTTQG Nguyễn Văn Mùi sẽ “vi hành” vào Nha Trang.

Nói là thế nhưng các ông có đến thì cũng chẳng giải quyết được gì. Trong quá khứ, Trung tá Doãn Công Huân và nguyên Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi cũng từng nhiều lần vi hành “bắt trộm”. Có điều, đến sân nào thì khán giả 4 khán đài cũng biết bởi 2 vị cứ đi lại ầm ầm trước khán đài A, rồi còn xuống bắt tay các đội, quan chức địa phương. Nói chung, sự có mặt của họ đúng nghĩa long trọng mà thôi.

Đó là lời hiệu triệu các đội đá tử tế. Đồng thời, buộc phải nói với dư luận theo kiểu tin tưởng sẽ không “có trộm”.

Nói là thế nhưng ai chẳng biết với bóng đá ta chỉ cái chức vô địch mới thực sự được quan tâm. Còn lại, họ sẵn sàng vì tình cảm để không nỡ nhấn chìm một kẻ khác đang chới với giữa dòng nước lũ. Huống gì, đây là trận đấu cuối cùng của giải.

Rõ ràng, nhìn những động thái của VFF, BTC, đấy là tâm thế của một anh chủ nhà chống trộm bằng kiếm nhựa và niềm tin vào ông trời! Nó không tạo thành điểm tựa cho các CLB trong việc triệt tiêu tiêu cực. Nó mang đến cảm giác một V-League đang thả lỏng, không thể kiểm soát ở cấp vĩ mô những trận đấu “có mùi”.

Thế nên, chẳng còn cách nào khác là các CLB phải tự trang bị phương sách chống trộm . Họ phải tự kiểm soát lấy quân trong cảnh “thù trong, giặc ngoài” đang leo thang ở giai đoạn nước rút, kể cả lối hành xử nghiệp dư nhất tưởng chỉ có ở thời tiêu cực chưa bị đánh mạnh.

K.Khánh Hòa đã thu điện thoại của các cầu thủ, cấm vận họ từ sáng hôm qua. Đi ăn, đi uống cà phê thì tất cả leo lên ô tô, dông ra phố biển. Xong xuôi, lại leo lên xe về bản doanh. 1 tỷ 50 triệu đồng đã treo trên đầu cầu thủ nhưng họ vẫn không tin rằng quân mình vì thế mà đá nghiêm túc. QK4 vào Nha Trang từ hôm thứ Ba, ở khách sạn Thiên Lý ngay sát SVĐ nhưng không ai dám liên lạc với K.KH. 9h30 tối, điện thoại của các cầu thủ cũng bị tịch thu. QK4 trước đó cả tháng trời đã hình thành thói quen cấm trại, đến trước trận đấu mới lên danh sách ai đá. Mà riêng gì QK4, HA.GL cũng từng làm thế hôm ra Vinh gặp đội bóng áo lính.

Đây là mùa “làm ăn” của cầu thủ khi họ có thể quyết định thành tích của đội bóng, thậm chí cả cái ghế của HLV trưởng, lãnh đạo. Thu điện thoại cũng chỉ là giải pháp tiêu cực, bởi mỗi cầu thủ có nhiều sim. Với giới trọng tài cũng thế. Nếu hỏng “tư tưởng” thì cũng chịu bởi ngay cả ông Chủ tịch HĐTT QG đã bảo, thu điện thoại cũng bằng thừa.

Cứ nhìn cảnh huống vòng cuối khi cả làng bóng đá đều sợ “trộm”, không khỏi rùng mình thấy lởn vởn những bóng ma tiêu cực trước năm 2005.

NGỌC HÒA
 
Cảnh giác cả với “Vua”!?

Ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa, cho biết: “Chúng tôi treo từng ấy tiền mà cầu thủ không đá ra hồn thì đúng là bó tay. Thực ra, chẳng hay ho gì khi phải cấm trại hay thu điện thoại cả. Nhưng còn cách nào khác đâu, bởi sểnh một cái là cầu thủ hoàn toàn có thể bị “ chích”, dẫn đến tư tưởng bị phân tán ngay. Tôi cảnh báo với BTC rằng phải cảnh giác với quân của mình, tức trọng tài. Chứ tôi cũng nghe chính dân trong nghề này bảo rằng ở những trận đấu quyết tử trọng tài nhận được nhận thù lao cao lắm từ phía đội trụ hạng”.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm