'Chơi tranh cũng lắm công phu' (Bài 1): Người Việt chơi tranh thế nào?

05/02/2019 19:00 GMT+7 | Văn hoá

LTS: Năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của mỹ thuật Việt, không chỉ ở các sàn đấu giá trong nước mà cả ở quốc tế. Cùng với đó là những bước đi rất tiên phong về cơ chế như việc thành lập Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh thuộc Bộ VH,TT&DL - đơn vị đầu tiên đóng vai trò “trọng tài” trong việc thẩm định tranh. Và cũng không thể không nhắc đến những mô hình giao dịch mới như Sàn giao dịch tác phẩm nghệ thuật trực tuyến hay Sàn Giao dịch Chứng chỉ nghệ thuật Art Exchange - một mô hình mà hiện trên thế giới chưa được xây dựng một cách hoàn chỉnh. Theo giải thích của những người sáng lập Art Exchange thì nếu như những mô hình truyền thống là giao dịch một tác phẩm nghệ thuật thì Art Exchange sẽ giao dịch một phần của tác phẩm nghệ thuật và nó được biểu diễn bằng một chứng chỉ nghệ thuật, chứng nhận quyền sở hữu. Xây dựng Art Exchange tại Việt Nam, họ kỳ vọng rằng sẽ tạo ra một trung tâm tài chính nghệ thuật của khu vực, thu hút những dòng tài chính lớn, hình thành một kênh đầu tư mới không chỉ của giới yêu nghệ thuật mà còn giới tài chính toàn cầu. hữu.

Nhưng nỗi lo lại đến từ phía khác, không chỉ là nạn tranh giả, mà từ phía… một bộ phận công chúng thưởng thức tranh. Việc một số nghệ sỹ vô tư ký tên mình vào bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình vừa được đem ra đấu giá từ thiện đã gây phẫn nộ sâu sắc trong giới, thậm chí bị cho là hành động “bôi bẩn bức tranh”. Nhưng xét cho cùng thì, qua hành động vô tình ấy chỉ chứng tỏ rằng “văn hóa chơi tranh” của họ ở mức nào.

Tranh Việt dù được mua, bán với giá cao đến mấy mà sự am tường, lịch lãm trong sưu tầm, thưởng thức mỹ thuật không được nâng lên, thì chắc chắn thị trường tranh cũng không thể bền vững. Nhiều gia đình xây được căn nhà mới vẫn có “nhã hứng” mua tranh về treo, và đó cũng là đất sống rất tốt cho dòng tranh “souvenir”, tranh Bờ Hồ, tranh chép! Ngay cả việc săn lùng tác phẩm của một số tác giả Mỹ thuật Đông Dương, nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng cũng nhận xét rằng, đây đó có tình trạng “xem tranh bằng tai” - rất nhiều người muốn mua tác phẩm của họ, mà chẳng hiểu gì họ, chỉ nghe là như thế.

Không chỉ có tiền là có được văn hóa chơi tranh. Chơi tranh cũng lắm công phu. Chuyên đề báo Xuân bắt đầu tư góc nhìn này để bàn về thị trường mỹ thuật.

Thể thao & Văn hóa

(Thethaovanhoa.vn) - Nói người Việt có truyền thống chơi tranh, vừa đúng vừa không đúng.

Chơi tranh - đẳng cấp ở đâu?

Chơi tranh - đẳng cấp ở đâu?

Một vài khảo sát hẹp ở phương Tây cho thấy rằng số người có quan tâm thực sự đến việc chơi tranh chỉ vào khoảng 1% dân số.

Thời phong kiến, người Việt chủ yếu chỉ chơi tranh dân gian, in đồ họa khắc gỗ nhiều bản, chủ đề và hình thức lặp đi lặp lại trong nhiều năm, với hai thứ Chúc tụng và Thờ cúng. Tranh dán lên vách, rách hỏng thì vứt đi. Nếu gà lợn không béo, cũng mua tranh gà lợn dán vào chuồng gà. Tranh dân gian vui tươi, rẻ tiền, phần đông nông dân chỉ cần thế.

Tầng lớp quý tộc, địa chủ, nhà giầu cũng chơi nghệ thuật ở mức độ nhất định. Sập gụ, tủ chè có tranh khảm ở hai cánh cửa, bình phong có tranh trừu tượng mặt đá, hoặc lục bình lớn có vẽ tranh trang trí theo để tài truyện sử... tức là nghệ thuật ứng dụng có tính mỹ thuật, nghệ thuật gắn với đồ dùng, mặc dù, như vậy thì công năng đồ dùng cũng không quan trọng.

Chú thích ảnh
Họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng

Chỉ đến đầu thế kỷ 20, khi thị dân ở một số đô thị hình thành, nhất là trong lớp trí thức trung lưu, thì việc chơi tranh (hội họa) mới thực sự bắt đầu, trong khi ở châu Âu truyền thống này đã có 500 năm, gắn liền với sự hình thành của giai cấp tư sản, còn ở Trung Hoa, thì truyền thống chơi tranh trụ quyền (cuốn dọc và ngang) của các họa sỹ có tên tuổi đã có từ rất lâu. Thế nhưng, cái tâm lý thực dụng, khi chơi nghệ thuật vẫn tồn tại dai dẳng trong những người Việt chơi tranh cho đến tận bây giờ.

Người ta bảo rằng chơi tranh là thú tao nhã, giống như thưởng thơ, ngắm hoa, chơi cây cảnh. Thế nhưng, thưởng thơ, ngắm hoa, cây cảnh không đòi hỏi quá nhiều kiến thức như chơi tranh. Tranh – hội họa là một thứ ám thị, có ma lực mạnh hơn tất cả các hình thức thị giác, nhưng khi tiếp xúc ban đầu, bức tranh lại có vẻ rất ít cởi mở với người xem, và đòi hỏi người xem phải tự xâm nhập, không dễ dàng vào nó.

Giai tầng trí thức trung lưu nổi bật lên, không chỉ là người thưởng ngoạn tranh như một khán giả thông thường, mà còn có tiền mua tranh. Đối với nghệ thuật, họ chính là khách hàng thường xuyên, chứ không phải giới triệu phú, tỷ phú, nếu giới tài phiệt muốn mua tranh họ sẽ thuê chuyên gia, chứ không trực tiếp làm. Giới trí thức trung lưu tự làm lấy điều này, họ xem kịch, nghe nhạc cổ điển, mua tranh, mua sách tùy theo túi tiền và sở thích như món ăn tinh thần thường xuyên, riêng mua tranh mang tính hàng năm, vì không phải lúc nào cũng làm được điều đó, phim kịch thì có thể xem một hai bận trong tuần.

Sự hình thành giới nghệ sỹ - họa sỹ thành danh, thời Pháp thuộc, từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, song hành với sự hình thành giai tầng trí thức trung lưu đương thời, đã dẫn đến thị trường tranh Đông Dương đương thời, mà nổi bật là ông Đức Minh, một doanh nhân có ý thức văn hóa dân tộc thời đó. Những cuộc di tản do chiến tranh, với sự ra đi của nhiều trí thức trung lưu cũng làm phát tán tranh thời Đông Dương vào Nam bộ và châu Âu.

Chú thích ảnh
Tranh “Ngũ hổ” - Tranh Hàng Trống - vốn rất gắn bó với người Hà Nội xưa

Chính thị trường tranh và giới trí thức trung lưu thời đó, đã phần nào xác nhận những tên tuổi họa sỹ, như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Lê Thị Lưu, Vũ Cao Đàm, Trần Phúc Duyên...

Lớp họa sỹ cuối của trường Mỹ thuật Đông Dương như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng... lại được đánh giá từ trong kháng chiến chống Pháp, cho đến sau này, trước tiên không phải bởi thị trường, mà bởi vai trò văn hóa trong xã hội của họ, yếu tố thị trường của họ chỉ thực sự xuất hiện vào những năm 1980, lúc dường như họ đã hoàn thành xong sự nghiệp.

Lớp trên và lớp sau cùng đã làm nên một thị trường có thực ở nước ngoài và trong nước, cũng kéo theo tất cả những người còn lại học từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đều có thể bán được, theo các thang giá trị khác nhau. Mặt khác, tranh Đông Dương trở thành một định hình giá trị, mua không sợ lỗ, tất nhiên sợ nhất là tranh giả, nên khu vực này sôi nổi với tinh thần “xem tranh bằng tai” – rất nhiều người muốn mua họ, mà chẳng hiểu gì họ, chỉ nghe là như thế.

Khi giai tầng trí thức trung lưu (thời Pháp thuộc) suy thoái, trí thức sau Hòa bình, 1954, lại rất nghèo, thị trường tranh suy giảm tới mức gần bằng không trong nội địa.

Những năm 1960 – 1980, Hà Nội chỉ có một gallery số 7 Hàng Khay, thuộc công ty Mỹ thuật Trung ương và một cửa hàng được phép bán tranh của Sunhaxaba (Cơ quan Xuất nhập khẩu sách báo ngoại văn). Nhưng các họa sỹ danh tiếng vẫn bán được tranh cho Bảo tàng Mỹ thuật và ít nhiều bán rẻ, đổi gạo mỳ cho sưu tập tư nhân. Nhiều bộ sưu tập tư nhân vớ bở khi sau này người vẽ thành danh họa.

Chú thích ảnh
Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu sưu tầm được rất nhiều tranh Bùi Xuân Phái. Trong ảnh là anh Nghĩa, con trai Trần Văn Lưu, kiểm kê lại “gia tài” sưu tập của cha. Ảnh tư liệu (chụp năm 2003)

Đến thời Đổi mới, nhất là từ 1988, thị trường tranh có cơ hội lớn, khi đất nước mở cửa và chuyển đổi nền kinh tế bao cấp sang thị trường. Ban đầu thì thị trường tranh vẫn là cho Tây (theo cách nói thông thường), tức người nước ngoài sang Việt Nam và ở Việt Nam mua tranh. Thị trường này đạt đến cực thịnh những năm 1990 – 1996, trong nước có tới 200 gallery, và họa sỹ hầu như ai cũng bán được tranh. Sau đó lại suy thoái, do cái gì hay rồi cũng chán, họa sỹ lặp lại chính mình, chạy theo thị trường, nạn tranh giả không thể kiểm soát.

Sự suy thoái kéo dài khoảng 10 năm sau, thì cơ hội khác lại nổi lên, trí thức trung lưu hình thành lại, dù manh mún, các đại gia, doanh nhân, chính khách ít nhiều mua tranh và nghệ thuật nói chung. Các họa sỹ Đương đại cũng có phần, trong khi các họa sỹ Đông Dương được đấy giá lên đến hàng trăm ngàn đô.

Hiện có rất nhiều bộ sưu tập của cá nhân, công ty. Bộ sưu tập ký họa Kháng chiến của Tô Ngọc Vân, vốn đã được bán sang Thái, nay được một doanh nhân mua lại, bộ sưu tập ký họa của Nguyễn Thụ cũng vậy, được một công ty mua lại. Các sàn đấu giá tranh cũng khởi động mấy năm nay, dù sản phẩm đôi lúc thật giả lẫn lộn.

Cái thị trường này vẫn cần nhiều động lực để phát triển lành mạnh, mà vẫn giữ được nền tảng của văn hóa Việt Nam, hiện thì nó thiếu sự kết hợp giữa kinh phí và chính sách của nhà nước với bản thân cá nhân nghệ sỹ, để đẩy nền nghệ thuật lên cao và lên tầm quốc tế.

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm