21/04/2025 11:10 GMT+7 | Tin tức 24h
Những ngày tháng Tư năm 2025, mỗi người con đất Việt đều cảm nhận giá trị thiêng liêng của non sông một dải. Đất nước đẹp vô cùng, từ cao nguyên đá Đồng Văn qua đôi bờ Bến Hải tới Đất Mũi Cà Mau, từ dãy Trường Sơn hùng vĩ mở ra vùng biển bao la của Tổ quốc với Hoàng Sa, Trường Sa…
Trân quý cuộc sống hòa bình lại càng cảm nhận sâu sắc: Chỉ có thống nhất, nhân dân mới có cuộc sống Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Chỉ có thống nhất, Việt Nam mới giàu mạnh,“đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, mới bước vào kỷ nguyên sánh vai với các cường quốc năm châu.
Những ngày cuối tháng Tư ở Côn Đảo nơi từng là “địa ngục trần gian”. Vùng đất thiêng này có Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Keo, Nghĩa trang Hàng Dương chôn cất hàng vạn chiến sĩ cách mạng, người yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đày. 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, Côn Đảo đã không ngừng đổi thay, một diện mạo mới đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Không chỉ có tốc độ phát triển khá nhanh, ưu tiên du lịch và kinh tế biển, ở Côn Đảo, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan được đầu tư xây dựng. Hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ ngày càng hoàn thiện, đa dạng phương thức giao thông kết nối như các tuyến bay từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đến Côn Đảo, tuyến trực thăng Vũng Tàu - Côn Đảo, các tuyến vận tải tàu cao tốc từ Vũng Tàu và Sóc Trăng.
Bà Nguyễn Thị Nè, xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh), thành viên đơn vị A20 của Quân giải phóng có nhiệm vụ tiếp quản nguỵ quân đầu hàng vào ngày 30/4/1975. Ảnh: Việt Đức – TTXVN
Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính, giữa tháng Tư vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thống nhất phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, trong đó Côn Đảo sẽ trở thành một đơn vị đặc khu.
Nói về mảnh đất thiêng ngoài trùng khơi này, bà Phan Thị Bé Tư ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh kể năm nào bà cũng cùng nhiều cựu tù Côn Đảo trở lại “để thắp nén hương thơm cho đồng đội, đồng chí”. Và bà rất vui trước sự đổi thay của Côn Đảo trong sự phát triển kỳ diệu của đất nước. “Đó là sự đánh đổi bằng xương máu của bao thế hệ chiến sỹ cách mạng đi trước”, bà Bé Tư chia sẻ.
Cách Côn Đảo hơn 230km theo tuyến đường bộ và đường biển là Củ Chi. “Đất thép” từng là vùng trắng, “không còn nơi nào lành lặn” nhưng là huyện đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2010.
Tương lai, nơi đây sẽ có 4 tuyến metro quan trọng, cảng du thuyền phục vụ du lịch gắn với các điểm du lịch lịch sử; bến xe buýt quy mô 12 ha, cảng thủy nội địa rộng 15 ha và Cảng cạn Củ Chi nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng.
Ngắm mảnh đất trù phú với nhà cửa đàng hoàng, khang trang, hiện đại hơn trước rất nhiều, bà Nguyễn Thị Nè (sinh năm 1945, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh), người cựu tù chính trị Côn Đảo lại nhớ ngôi nhà của gia đình trên mảnh đất này. “Máy bay Mỹ nó thả mấy trái bom liền. Nhà tan hoang không còn cái gì. Sau giải phóng, ba tôi phải lấp đất lại mới xây được cái nhà”, bà Nguyễn Thị Nè hồi tưởng.
“Kết quả này cho thấy, người dân đặt niềm tin sâu sắc vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng nên ý chí, nghị lực và sức mạnh đồng thuận của con người Củ Chi mới được phát huy mạnh mẽ”, bà Nguyễn Thị Nè nhấn mạnh từng câu, từng chữ.
Sự đổi thay của Côn Đảo, Củ Chi nằm trong bức tranh tươi tắn của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Nam Bộ sau 50 năm đất nước thống nhất. Thành phố mang tên Bác luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu cả nước, là đầu tàu kinh tế và trung tâm phát triển công nghiệp - du lịch - dịch vụ lớn nhất cả nước. Năm 2025 là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Thành phố đang kỳ vọng vào sự bứt phá về mọi mặt, đặc biệt là đạt chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số để vững chắc vai trò, vị trí đầu tàu của cả nước, để chất lượng cuộc sống nhân dân ngày càng cao.
Tiếp thêm động lực, ngày 30/12/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong mục tiêu đề ra, 20 năm nữa, Thành phố mang tên Bác phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu…
Và gần đây nhất ngày 12/4/2025, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo danh sách dự kiến các đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sáp nhập, hợp nhất ban hành kèm theo Nghị quyết sẽ là: "hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, lấy tên là Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay".
Từ Thành phố Hồ Chí Minh ra miền Bắc, qua thành phố Đông Hà (Quảng Trị) khoảng mười cây số là đến sông Bến Hải, cầu Hiền Lương. Nơi đây từng như “cái rốn” của bom đạn, khói lửa trải dài từ Cửa Việt qua Đông Hà đến bờ đông sông Mekong ở Lào. Chiến tranh từng len sâu vào tận ngõ ngách, từng ngôi nhà và từng thân phận con người.
Nhưng "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây", 50 năm qua, Quảng Trị từng bước tái thiết, phát triển và hôm nay đang trỗi dậy trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những hố bom đạn nham nhở ở Vĩnh Linh, Gio Linh ngày nào, giờ là nhà cao tầng bên những vườn cây trĩu quả. Phía biển Cửa Việt, Cửa Tùng trở thành nơi nghỉ dưỡng với nhiều khu du lịch, dịch vụ, bãi tắm đẹp và nhộn nhịp tàu vào ra vươn khơi, bám bể.
Ông Hà Sỹ Đồng, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từng chia sẻ, địa phương đang có nhiều lợi thế đặc thù và những cơ hội phát triển rất lớn. Quảng Trị là điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) về phía Việt Nam, nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến cảng biển Cửa Việt, cảng Mỹ Thủy và là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của các nước liên quan trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng.
Đây là điều kiện rất thuận lợi để Việt Nam cũng như Quảng Trị nói riêng mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch với các nước trong khu vực. EWEC đem lại cơ hội cho các quốc gia trên tuyến đẩy mạnh hợp tác khu vực và nâng cao mức sống cho nhân dân.
Vậy là đã tròn nửa thế kỷ - 50 năm sau ngày 30/4/1975, tiếng vọng từ lịch sử đang giao hòa với cuộc sống hiện tại, trở thành niềm tự hào và hành trang quý giá để nhân dân cả nước tiếp tục tiến vào kỷ nguyên mới. Không chỉ xây dựng lại Tổ quốc “bằng mười, xây lại đẹp hơn”, cả dân tộc đang quyết hiện thực hoài bão ngàn đời là đất nước hùng cường, thịnh vượng. Đó cũng là hiện thực di nguyện, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ một quốc gia nghèo khó, lạc hậu, gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh kéo dài và từng bị cô lập, Việt Nam đã vươn mình trở thành một quốc gia đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong hội nhập quốc tế, Việt Nam chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ; đảm nhận nhiều vai trò quan trọng trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào hoạt động của nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương có tầm ảnh hưởng. Việt Nam đã xác lập một vị thế mới, một tầm cao mới trên bản đồ chính trị thế giới. Chúng ta đã thực sự hòa nhập vào dòng chảy của chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại.
Và như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, lịch sử đã chứng minh, tương lai thuộc về những quốc gia biết nuôi dưỡng khát vọng lớn lao và đồng lòng hành động vì lợi ích chung. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết, chung tay tạo nên những "kỳ tích phi thường" trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúng ta nhất định sẽ tiếp nối và phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông, không ngừng nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tựu vĩ đại hơn nữa trong tương lai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất