Chờ "thước đo" mới cho di sản

08/12/2022 14:00 GMT+7 | Văn hoá

Tháng 11 vừa qua, chúng ta liên tục đón những tin vui từ lĩnh vực di sản. Ở đó, lần lượt 2 di sản tư liệu và 1 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh trong sự háo hức của cộng đồng.

Thế nhưng, vẫn còn một thông tin đặc biệt cần được chú ý: Trong phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của tháng 11, Chính phủ đã  xem xét, thảo luận, cho ý kiến về đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Và, theo kết quả thảo luận, việc xây dựng này là vừa đúng, vừa trúng, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, sau hơn 20 năm luật này được ban hành.

***

Ra đời năm 2001 (và được sửa đổi bổ sung năm 2009), Luật Di sản văn hóa gắn với một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, khi nhận thức và điều kiện để bảo tồn, phát huy di sản của chúng ta đã được nâng lên rất nhiều so với trước.

Chờ "thước đo" mới cho di sản - Ảnh 1.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Và thực tế, hầu hết những thành quả mà lĩnh vực di sản nhận về trong 20 năm qua đều có mối liên hệ mật thiết với việc thực thi luật này. Nhưng không thể phủ nhận, sự thay đổi của thực tế đời sống - đặc biệt là trong thời đại 4.0 - cũng khiến Luật Di sản văn hóa dần bộc lộ những hạn chế cần sửa đổi.

Đơn cử, với 2 di sản tư liệu vừa được ghi danh, Việt Nam đã có tới 9 di sản tư liệu thế giới sau 15 năm tham gia chương trình "Ký ức thế giới" của UNESCO từ 2007. Nhưng, trong khi loại hình này được quy định trong Luật Di sản văn hóa của nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, di sản tư liệu vẫn chưa được tạo một hành lang pháp lý tại Việt Nam.

Như khẳng định từ các chuyên gia, sự thiếu vắng này đã gây lúng túng với khá nhiều địa phương trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử di sản, cũng như lên kế hoạch bảo tồn, kiểm kê các di sản tư liệu hiện có. Và, việc bổ sung quy định mới về loại hình Di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sắp tới rõ ràng là vô cùng cần thiết để nhận diện, quản lý cũng như phát huy giá trị của loại hình còn rất nhiều tiềm năng này.

Hoặc, nhiều năm qua, việc số hóa các tư liệu, di sản đã được triển khai tại nhiều đơn vị khác nhau. Thậm chí, từ năm 2013, UNESCO đã  thông qua Hiến chương về Di sản số nhằm khuyến khích các quốc gia xây dựng cơ sở dữ liệu số để cùng chia sẻ, bảo vệ và phát huy di sản trong thời đại hiện nay. 

Dù vậy, Luật Di sản văn hóa hiện cũng chưa cập nhật được những vấn đề về quản lý, hoạt động, bản quyền, quyền khai thác, sử dụng, lưu trữ… liên quan tới lĩnh vực đang trở thành xu hướng tất yếu này.

Đó là chưa kể tới nhiều thay đổi và bổ sung dự kiến sẽ được đưa vào Luật Di sản văn hóa tới đây, như các chính sách khuyến khích "hồi hương" di sản - điều vốn đang được dư luận đặc biệt chú ý sau câu chuyện của chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tại Pháp - hoặc các quy định về hoạt động kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận di sản; các chính sách để đưa nội dung về di sản vào hệ thống giáo dục…

Bởi thế, sẽ không sai khi nói rằng chúng ta đang trông đợi Luật Di sản văn hóa sửa đổi lần này sẽ là một "thước đo" mới cần thiết và hữu hiệu trong đời sống.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm