Nên giảm thuế để kiềm giá xăng

25/02/2013 08:20 GMT+7 | Thế giới

Giá cơ sở cao hơn giá bán 1.800 đồng/lít xăng, cùng với Quỹ bình ổn giá còn quá “mỏng” khiến hy vọng giữ giá xăng đang trở nên hết sức khó khăn.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, Liên bộ Tài chính - Công thương nên giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống một phần để hạn chế mức tăng quá cao.     

DN lỗ 800 đồng/lít xăng sau trích quỹ

Trao đổi với PV chiều qua (24.2), Phó cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Cục này đã trình 4 kịch bản điều hành giá xăng ở thời điểm hiện tại lên lãnh đạo Bộ Tài chính. Các phương án đều được tính tới các công cụ như giảm thuế, tăng giá, và Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Trước câu hỏi: Phương án điều hành có tính tới giá tiêu dùng (CPI 2) tháng đã tăng ở mức 2,59% và áp lực lạm phát hay chưa, ông Tuấn cho biết, ngay khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo chỉ số giá tháng 2 tăng ở mức 1,3-1,4%, Cục Quản lý giá đã sử dụng số liệu này để làm căn cứ đưa ra kịch bản điều hành giá xăng. Lãnh đạo này cũng khẳng định, hiện tại nếu chưa bù lỗ (tức cho trích quỹ bình ổn) thì mỗi lít xăng doanh nghiệp (DN) bán ra đang thấp hơn giá cơ sở 1.800 đồng/lít, nếu trừ mức trích quỹ bình ổn 1.000 đồng/lít, DN còn lỗ 800 đồng/lít. Căn cứ vào các số liệu này và tác động tới chỉ số giá, Cục đưa ra nhiều phương án tính toán, tuy nhiên ông cũng từ chối cho biết Cục nghiêng về phương án nào “Vì tính chất nhạy cảm và phức tạp của tình hình, và để tránh tình trạng găm hàng đầu cơ nên chúng tôi chưa thể công bố được các phương án. Hiện có tăng giá hay không cần phải chờ quyết định của liên bộ” - ông Tuấn cho biết.  

Còn có thể giảm thuế

Với mức lỗ 800 đồng/lít xăng, cùng với khẳng định của ông Tuấn sau nhiều lần cho xả quỹ, hiện Quỹ bình ổn giá đang sắp cạn thì việc tăng giá xăng là điều khó tránh trong vài ngày tới. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long nhận định, chỉ số tiêu dùng sau 2 tháng tăng 2,59%, trong khi mục tiêu của Chính phủ năm nay giữ thấp hơn năm ngoái tức ở mức dưới 6,8%, thì việc tăng giá xăng ở thời điểm này cần phải được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. “Có thể việc tăng giá xăng chỉ khiến CPI tăng chút ít, nhưng phải tính đến tâm lý của thị trường, khi nhiều mặt hàng cũng có thể từ đó mà tăng theo” - TS Long cảnh báo. Cũng theo chuyên gia này, một thách thức không nhỏ nữa hiện nay là các DN đang quá khó khăn, nếu tăng giá xăng kéo theo chi phí đầu vào tăng theo. “Chống lạm phát là mục tiêu hàng đầu, cho nên tăng giá xăng ở thời điểm này càng phải tính toán cho đủ hết các tác động, kể cả việc làm sản xuất kinh doanh đình đốn, ảnh hưởng tới tăng trưởng” - ông nói.



Giảm 2% thuế nhập khẩu có thể kéo giá xăng giảm được khoảng 300 đồng/lít - Ảnh: Ngọc Thắng

Đồng quan điểm trên, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ cũng đề nghị, liên bộ Tài chính - Công thương nên bằng mọi cách kiềm chế giá xăng, hoặc không được tăng ở mức cao. Ngoài những lý do được TS Long đã nêu, theo TS Kiêm, thời gian tới đây có thể giá điện sẽ tăng, rồi giá lương thực, thực phẩm cũng chưa thể lường hết được những biến động do thiên tai, bão lũ... Do vậy, nếu tăng giá xăng sớm dịp đầu năm dễ gây ra áp lực, tác động tới mặt hàng khác ồ ạt tăng theo.

Hiện nay Quỹ bình ổn giá không còn, nhưng liên bộ còn công cụ là thuế suất thuế nhập khẩu xăng hiện đang ở mức 12%, mức này đã được giữ trong một thời gian khá dài gần 1 năm. Tính toán cho thấy, việc giảm chừng 2% thuế nhập khẩu cũng có thể kéo giá xăng giảm được khoảng 300 đồng/lít. “Trước mắt có lẽ giá xăng khó giữ vì phải phụ thuộc vào giá thế giới. Nhưng cân nhắc thiệt hơn, theo tôi nên giảm bớt thuế suất nhập khẩu để hãm không cho giá xăng tăng quá cao. Như vậy thì sẽ hài hòa lợi ích của các bên hơn cả” - TS Kiêm đề xuất.

Theo chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, điều hành giá xăng luôn ẩn chứa sự nhạy cảm và phức tạp, nhưng chính vì vậy càng cần phải có sự công khai, minh bạch và dứt khoát. Việc công bố quyết định dù là thế nào nếu để quá lâu sẽ gây bất ổn cho thị trường.

Theo Thanh Niên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm