04/06/2011 14:26 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Khi người chồng 85 tuổi cần phẫu thuật gấp nhưng các bác sĩ nói rằng họ đã hết lượng máu dự trữ cần thiết, Slavka Petrova đã phải ngậm đắng nuốt cay ôm tiền tìm tới thị trường máu “chợ đen”. Điều trớ trêu là khu “chợ” này lại nằm ngay bên ngoài Trung tâm huyết học và truyền máu quốc gia.
Thiếu máu là một thực tế phũ phàng mà nhiều bệnh nhân và gia đình họ phải đối mặt tại Bulgaria, một thành viên nghèo khó của Liên minh châu Âu. Nơi đây rất hiếm người tình nguyện cho máu, trong khi các bệnh viện lại cạn kiệt ngân sách để mua máu tích trữ. Nhờ đó những người bán máu chuyên nghiệp đã có cơ hội kiếm tiền.
Một tháng lương hưu cho một lần truyền máu chợ đen
Trong các con phố nằm quanh Trung tâm huyết học và truyền máu quốc gia Bulgaria, người ta có thể dễ dàng thấy nhiều nam giới đứng quanh hoặc ngồi cạnh ghế đá hút thuốc, ngồi trong quán nhâm nhi cà phê. Tất cả đều ngóng cổ ra đường để tìm khách hàng và họ không phải chờ lâu.
“Ngay trước khi tôi quyết định mình phải làm gì thì có 3 người đàn ông đã tiếp cận tôi và hỏi xem tôi đang tìm nhóm máu gì” - bà Petrova kể với hãng tin AP. Nhưng mức giá có thể khiến người dân nghèo như bà bị choáng. “Khi họ nói với tôi rằng mỗi lần truyền máu có giá 355 USD, tôi đã nghĩ “Chúa ơi, đây là toàn bộ khoản tiền lương hưu của mình rồi”. Tôi gần như câm lặng một lúc, trước khi họ giảm giá xuống còn 285 USD” - bà kể.
Đội quân hiến máu đông đảo đứng ngoài cổng Viện huyết học và
truyền máu Bulgaria, sẵn sàng bán cho bất kỳ ai có nhu cầu
Khi thỏa thuận giữa đôi bên được thông qua, một người bán máu ở gần đó sẽ được gọi tới, hoặc có ai đó sẽ bốc điện thoại và gọi đến người có nhóm máu phù hợp. Kế tiếp, người này sẽ đi vào trung tâm huyết học, giả vờ làm họ hàng thân thích của gia đình cần mua máu. Nhờ đó anh ta sẽ có giấy chứng nhận truyền máu và dựa vào nó để bán máu cho gia đình đang cần.
Vậy những người bán máu này là kẻ cứu mạng hay thực chất là hút máu người khác. Chuyện này còn tùy thuộc quan điểm mỗi người. Nhưng Mariana Shipkovenska thích lựa chọn đầu tiên. Nữ cựu phóng viên này đã phải dựa hoàn toàn vào máu chợ đen khi người mẹ 89 tuổi của bà phải phẫu thuật vì gãy xương. Shipkovenska đã định hiến máu cho mẹ, nhưng sau khi kiểm tra sức khỏe, các bác sĩ đã ngăn cản bà. “Họ (những người bán máu chợ đen) là các cá nhân sẽ mang cho bạn một thứ vô giá khi bạn cần nhất và bạn không thể tìm thấy thứ ấy ở bất kỳ nơi nào khác” - bà nói với phóng viên hãng tin AP.
Các tay buôn máu cũng nói rằng họ cung cấp dịch vụ tốt, đáp ứng nhu cầu của nhiều bên.”Tôi không nghĩ việc giúp đỡ những người đang cần máu là hành động phạm pháp”- một người bán máu đề nghị giấu tên nói với phóng viên AP - “Tôi đã không thể tìm được việc trong nhiều năm và bán máu là cách duy nhất để tôi và gia đình có thể tiếp tục sống”.
Thất bại trong cuộc chiến với máu “ngoài luồng”
Buôn bán máu và các sản phẩm liên quan tới máu là chuyện bất hợp pháp ở Bulgaria và có thể bị phạt tới 7.100 USD. Nhưng các luật sư nói rằng rất khó để chứng minh một cuộc truyền máu nào là bất hợp pháp, bởi phía nhà chức trách cần có đơn kiện từ những người phải trả tiền để mua máu. Trong khi đó với các gia đình đang có thân nhân nằm viện chờ phẫu thuật như bà Petrova lại xem các tay bán máu giống ân nhân hơn là những kẻ lợi dụng khó khăn để kiếm tiền.
Các bác sĩ ở trung tâm truyền máu trên cũng đều biết về những vụ mua máu trái phép. Nhưng họ bất lực trong việc ngăn chặn. Cùng lắm họ chỉ có thể nhờ cảnh sát xua bớt những người bán máu chợ đen khỏi cổng bệnh viện. Nhưng chẳng sớm thì muộn, họ cũng sẽ quay trở lại.
Chống máu chợ đen bằng hiến máu
Cần biết rằng cho tới tận năm 1989, việc hiến máu tình nguyện là chuyện không hiếm ở Bulgaria bởi có nhiều chính sách khuyến khích việc này. Đơn cử như mỗi người lính nghĩa vụ thường được cho về phép 2 ngày nếu họ hiến máu. Nhưng việc hiến máu tự nguyện đã giảm mạnh trong 2 thập kỷ trở lại đây, khiến Bulgaria chỉ còn đứng trên mỗi Albania, Bosnia và Moldova về tỉ lệ hiến máu, khoảng 23 người/1.000 dân. Để tiện so sánh, mức trung bình ở Mỹ là 53 người/1.000 dân.
“Chỉ còn vài người tình nguyện hiến máu bởi phần lớn người ta chỉ hiến máu khi thân nhân hoặc bạn bè cần tới” - Stavri Toshkov, một chuyên gia huyết học hàng đầu cho biết - “Rất khó để vượt qua cuộc khủng hoảng hiến máu. Sự khó khăn về mặt kinh tế đã tác động làm suy giảm những giá trị quan trọng khác trong xã hội như tinh thần đoàn kết, sự sẵn sàng giúp đỡ người khác”.
Nhà chức trách Bulgaria hiện đang kêu gọi người dân thể hiện sự cảm thông với những người đang cần máu bằng cách tham gia các chiến dịch hiến máu nhân đạo. Trong lễ Tạ ơn vừa qua, Hội Chữ thập đỏ và Hội Nhà thờ Thiên Chúa giáo đã mở chiến dịch kéo dài 2 tháng với khẩu hiệu “Thắp một ngọn nến, hiến một giọt máu” để khuyến khích việc hiến máu nhân đạo. “Hiến máu là giải pháp duy nhất để dẹp loạn thị trường máu chợ đen hiện nay” - Evelina Dinkova, một nhà vận động hiến máu nói.
Gia Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất