Chính thức ban hành quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ

13/12/2021 19:47 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay 13/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. 

Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ: Có đủ mạnh để 'chấn chỉnh' hành vi lệch chuẩn?

Quy tắc ứng xử của nghệ sĩ: Có đủ mạnh để 'chấn chỉnh' hành vi lệch chuẩn?

Sau loạt ồn ào trong showbiz Việt liên quan tới phát ngôn thiếu trách nhiệm, quảng cáo sai sự thật, từ thiện thiếu minh bạch… công luận đang chờ đợi nhà quản lý “ra tay” chấn chỉnh những hành vi lệch chuẩn này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành bộ quy tắc này vào ngày 13/12, sau vài tháng xây dựng, lấy ý kiến. Đối tượng của bộ quy tắc là người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung.

Phạm vi áp dụng là những hành vi ứng xử của người hoạt động nghệ thuật trong hoạt động nghề nghiệp, đối với đồng nghiệp, công chúng, khán giả, khi tham gia các hoạt động xã hội, khi tham gia báo chí, truyền thông và không gian mạng.

Bộ quy tắc đưa ra mục tiêu xây dựng chuẩn mực hành vi ứng xử cho những người hoạt động nghệ thuật để "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu".

Cụ thể, cơ quan lãnh đạo yêu cầu mỗi nghệ sĩ tuân thủ pháp luật, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục, có khát vọng cống hiến cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật, luôn tìm tòi đổi mới.

Nghệ sĩ cần giữ gìn danh hiệu, hình ảnh thông qua việc chọn lựa trang phục, hóa trang phù hợp mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật, đồng thời đấu tranh chống lại những hành vi tiêu cực, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Quy tắc ứng xử, Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ, Ứng xử nghệ sĩ Việt, Từ thiện, nghệ sĩ Việt từ thiện, nghệ sĩ Việt ứng xử, quy tắc ứng xử nghệ sĩ Việt
Hình ảnh MC Quyền Linh giản dị trong đợt hỗ trợ người dân TP.HCM

Bên cạnh đó, họ cần tuân thủ quy định sở hữu trí tuệ; không sáng tác, lưu hành, phổ biến, biểu diễn những tác phẩm có nội dung không phù hợp với giá trị đạo đức, văn hóa và truyền thống của dân tộc. Với đồng nghiệp, mỗi người cần trân trọng thế hệ đi trước, bảo vệ uy tín đồng nghiệp, không phát ngôn gây mâu thuẫn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhau, đồng thời tôn trọng khán giả, không trục lợi từ công chúng.

Trên môi trường báo chí, truyền thông và không gian mạng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các nghệ sĩ cung cấp thông tin chính xác, tin cậy, có kiểm chứng, bình luận đúng mực, có văn hóa về những vấn đề dư luận quan tâm; không gây mâu thuẫn, phân biệt vùng, miền, giới tính, tính ngưỡng, tôn giáo hoặc sử dụng hình ảnh phản cảm.

Đặc biệt, nghệ sĩ không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật; không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phương hại đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Khi tham gia các hoạt động xã hội khác, nghệ sĩ cần phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện, phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm lo người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định pháp luật, dùng uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa đến cộng đồng.

Đặc biệt, bộ quy tắc nhấn mạnh nghệ sĩ phải công khai, minh bạch, kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân.

Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; không thực hành, ủng hộ các hoạt động mê tín dị đoan, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác thực hiện đúng, đầy đủ nội dung quy tắc này. 

Bộ VHTT&DL đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng danh nghĩa của người hoạt động nghệ thuật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; phối hợp để quy tắc ứng xử này góp phần cùng các quy định của pháp luật về hoạt động nghệ thuật và pháp luật liên quan được đảm bảo thực thi đúng, hiệu quả.

Cùng với đó, Bộ cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương tốt, cách làm hay, mô hình hiệu quả trong việc thực hiện quy tắc ứng xử này; phê phán, lên án các hành vi vi phạm quy tắc; cân nhắc sử dụng hình ảnh của người hoạt động nghệ thuật không thực hiện nội dung quy tắc ứng xử này.

Bảo Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm