04/04/2025 16:20 GMT+7 | Tin tức 24h
Ngày 3/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu đình chỉ các khoản đầu tư vào Mỹ cho đến khi có quyết định rõ ràng về các mức thuế quan mới mà Tổng thống Donald Trump áp dụng đối với các đối tác thương mại, trong đó có mức thuế đối ứng 20% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu tại cuộc họp với các doanh nghiệp Pháp, ông Macron cho rằng nên tạm dừng các khoản đầu tư tương lai và các dự án đã được phê chuẩn cho đến khi khúc mắc thuế quan giữa EU và Mỹ được làm rõ. Theo nhà lãnh đạo Pháp, mức thuế quan “vô căn cứ” này sẽ gây tác động lên kinh tế châu Âu, đồng thời làm cho nền kinh tế Mỹ "yếu hơn và nghèo hơn". Ông Macron cũng kêu gọi châu Âu đoàn kết trong cách thức phản ứng và tránh những hành động đơn phương.
Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho biết đầu tư trực tiếp của Pháp vào Mỹ đạt 370 tỷ USD vào năm 2023, đưa Pháp trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại nền kinh tế số 1 thế giới. Trong khi đó, đầu tư của Mỹ vào Pháp cùng năm đạt 142 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng sắc lệnh hành pháp về thuế quan tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng ngày 2-4. Ảnh: REUTERS
Thị trường chứng khoán Paris đã phản ứng tiêu cực sau tin thuế quan của Mỹ khi giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 3/4, đánh dấu mức giảm lớn nhất trong 2 năm qua. Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng các biện pháp của ông Trump đã phá vỡ các quy tắc cơ bản của thương mại quốc tế, nhưng EU vẫn có đủ khả năng đối phó.
Tại Italy, Thủ tướng Giorgia Meloni đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng để đối phó với hậu quả từ mức thuế quan mới của Mỹ. Bà Meloni cho biết chính phủ nước này sẽ nghiên cứu tác động của thuế quan đối với từng lĩnh vực và gặp gỡ các đại diện sản xuất để tìm giải pháp. Bà cho rằng quyết định thuế quan của Mỹ là sai lầm nhưng vẫn duy trì ủng hộ đàm phán với Mỹ. Tổng thống Italy Sergio Mattarella cũng lên tiếng phản đối và kêu gọi phản ứng kiên quyết.
Tại Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã cam kết áp dụng "mọi biện pháp thích hợp" để bảo vệ các công ty và người lao động nước này trước tác động từ thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump. Tổng thống Lula nhấn mạnh Brazil ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, đồng thời sẽ đáp trả những biện pháp bảo hộ.
Quyết định của Mỹ áp thuế đối ứng 10% đối với hàng nhập khẩu từ Brazil đã buộc Quốc hội nước này thông qua dự luật tương hỗ, dựa trên các hướng dẫn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Tại châu Á, Chính phủ Hoàng gia Campuchia trấn an công chúng khi cho biết đang tích cực giải quyết những lo ngại về mức thuế 49% của Mỹ đối với hàng hóa nước này, dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4. Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Cham Nimul cho biết cơ quan này đã tham vấn ngay vớicác bộ, ngành liên quan và khu vực tư nhân để thu thập ý kiến đóng góp về việc ứng phó cũng như duy trì sự ổn định của nền kinh tế Campuchia.
Chính phủ Campuchia hiện đang theo dõi tình hình, đánh giá tác động kinh tế cũng như tìm cách duy trì khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong ngành may mặc. Trong năm 2024, thương mại giữa hai nước đạt 10,18 tỷ USD, với tổng kim ngạch xuất khẩu từ Campuchia sang Mỹ đạt 9,9 tỷ USD (tăng 11,4%), trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt 264,14 triệu USD (tăng 2,7%). Mỹ hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Campuchia.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong cũng bày tỏ sự thất vọng khi bị Mỹ áp thuế 10%, dù hai bên đã đạt được thỏa thuận thương mại tự do. Mặc dù có thể áp dụng biện pháp đối phó theo thỏa thuận năm 2004, song Singapore cho rằng thuế trả đũa chỉ làm tăng chi phí nhập khẩu. Thay vào đó, Singapore sẽ tiếp tục tiếp cận Mỹ để hiểu rõ hơn về các mối quan tâm của Tổng thống Trump.
Theo tính toán của Singapore, mặc dù nước này chịu thuế quan từ Mỹ thấp nhất trong số các nước Đông Nam Á nhưng mức độ tác động vẫn khá lớn, nhất là khi thặng dư thương mại của Mỹ với Singapore đạt 2,8 tỷ USD trong năm 2024, tăng 84,8% so với năm 2023.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, nhóm luật sư New Civil Liberties Alliance (NCLA) của Mỹ đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Florida nhằm ngăn chặn việc Tổng thống Trump áp tổng mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 54%.
Đơn kiện cáo buộc ông Trump vượt quá thẩm quyền khi viện dẫn Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) – một luật chưa từng được dùng để áp thuế – để thực hiện chính sách thương mại mang tính bảo hộ. Theo nguyên đơn, luật chỉ cho phép hành động trong các tình huống khẩn cấp cụ thể, không phải để đơn phương điều chỉnh thuế quan. Phía NCLA yêu cầu tòa án hủy bỏ các mức thuế và ngăn chặn việc thi hành chính sách mới đối với Trung Quốc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất