(TT&VH) - Năm 1921, viên quan ba người Pháp, Tổng đốc Vi Văn Định, ông Hoàng Huy Giao và đoàn tùy tùng sau khi đi thăm thác Bản Giốc đã phát hiện, khám phá động Ngườm Ngao (tiếng Tày cổ là “hang hổ”), bia đá nay còn đó. Là người từng đặt chân đến nhiều hang động, nhưng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của hang động này có sức cuốn hút đặc biệt với KTS Đoàn Đức Thành. TT&VH xin giới thiệu bài viết của ông về hang động này.
Tinh xảo từng centimetTôi đã nhiều lần đến các hang động ở nước ta và cả ở nước ngoài. Động Phong Nha có vẻ đẹp bởi hoành tráng, sông suối mênh mông, thạch nhũ phong phú, chiều dài hiếm có. Trong khi đó ở một số thắng cảnh khác, dù có tầm cỡ thế giới hẳn hoi, nhưng sau một thời gian khai thác du lịch thì nay bày đặt thêm thắt quá nhiều: Măng đá được đắp thêm bằng xi măng không có cơ sở khoa học, đèn màu xanh đỏ tím vàng lòe loẹt rọi chiếu khắp nơi... Chính vì vậy, tôi càng yêu thích vẻ hoang sơ của động Ngườm Ngao ở huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng hơn cả. Tạo hóa đã hoàn thiện hang động này một cách kỳ diệu, huyền ảo như cõi bồng lai tiên cảnh, một tuyệt tác hoàn chỉnh hiếm có.
Khách du lịch trong “hang hổ” Ngườm Ngao
Tôi đã đến hang động này lần đầu cách đây đã 56 năm (1954). Những lần tham quan sau này tôi quan sát với một sự tỉnh táo, so sánh với các hang động tôi từng được chiêm ngưỡng thì thấy động Ngườm Ngao đẹp và cuốn hút lòng người hơn cả. Đẹp đến choáng ngợp, mê hồn, đẹp đến độ tinh xảo hoàn chỉnh từng centimet, đúng là tuyệt tác nghệ thuật hiếm có. Tôi cứ tần ngần luyến tiếc khi trông thấy nhiều nhũ đá, măng đá đã bị đập phá nham nhở, hỏi ra mới biết trong chiến tranh biên giới năm 1979, bà con những bản xung quanh đã trốn vào trong hang, sống cả tháng trời trong đó, một số nhũ đá và măng đá phải đập đi để bà con đi lại an toàn. Chiến tranh, giữa sự sống và cái chết có thể chấp nhận. Tuy nhiên tác động của con người vào khai thác du lịch cũng còn nhiều vấn đề cần bàn. Nhằm thuận tiện cho đi lại tham quan, đường đi lại, bậc lên xuống đã xây đắp vữa xi măng quá mức phẳng phiu khô cứng, không ăn nhập và hài hòa với cảnh quan vốn có. Nền hang có chỗ đã đổ vữa bằng phẳng, làm mất đi lớp sóng đá vốn rất mềm mại như những thửa ruộng bậc thang, như những dải lụa mềm mại chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp rất nên thơ. Đặc điểm này không phải hang động nào cũng có. Ngườm Ngao là rừng nghệ thuật, mọi tác động của con người phải từ bàn tay khéo léo của nghệ nhân, đôi mắt nhìn tinh túy của nghệ sĩ.
Coi từng nhũ đá là tài sản quốc gia Huyện Trùng Khánh được thiên nhiên ưu đãi những đặc sản và cảnh đẹp thiên nhiên độc nhất vô nhị. Đó là hạt dẻ Trùng Khánh hợp với thổ nhưỡng xã Chí Viễn nên ngọt bùi thơm ngon nổi tiếng, được bà con dân tộc trong vùng trồng nhiều, thu hoạch hạt vào tháng 8 Âm lịch. Con sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc qua cửa khẩu Pò Peo xã Ngọc Khê, nơi có nhiều cây gỗ trầm hương mọc ven hai bờ sông đã sản sinh ra giống cá trầm hương thơm ngon vị trầm, độc đáo không đâu có. Con sông này đã tạo nên hai thác nước tuyệt đẹp cho tỉnh Cao Bằng là Thoong Goọt (xã Chí Viễn) và thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy). Động Ngườm Ngao đẹp kỳ diệu, cách thác Bản Giốc chừng 4 cây số. Từ thị xã Cao Bằng xuyên qua đồi đất, núi đá, vượt qua đèo Mã Phục, đèo Khau Liêu đến thị trấn Trùng Khánh, chặng đường dài 62 cây số, đi thêm 26 cây số nữa đến Bản Giốc. Xe cộ đường sá đi lại và nơi ăn chốn nghỉ ngày một dễ dàng, thuận tiện. Theo số liệu nghiên cứu của Đội khảo sát Hoàng gia Anh năm 1995 thì nhiệt độ trong động từ 18 đến 25 độ C, mùa Hè vào động cho cảm giác mát mẻ, mùa Đông ấm áp. Động có chiều dài 2.144m, gồm 3 cửa chính: Ngườm Ngao, Ngườm Lồm (hang gió) và Ngườm Bản Thuôn. Hiện nay ra vào qua cửa Ngườm Ngao gần bản Gun. Khách tham quan có thể vào sâu đến 800m, trong hang hiện nay đã có điện chiếu sáng. Tuy nhiên, có một điều mà những ai đến đây đều mong muốn, ngành du lịch Cao Bằng đừng nên dùng các loại đèn màu chiếu rọi khắp nơi, làm lệch lạc tất cả màu sắc vốn đã rất đẹp, rất kỳ diệu. Đồng thời, nhân dân địa phương và du khách phải coi trọng từng nhũ đá, măng đá, vách đá, coi đó là tài sản quốc gia. Cấm buôn bán nhũ đá trong khu vực có hang động, kể cả ở khu vực xung quanh thác Bản Giốc. Đến Ngườm Ngao mới thấy, thạch nhũ thật nhiều hình tượng, hãy cứ để óc tưởng tượng của du khách tự nhận thức. Không nên thêu dệt thêm những câu chuyện chung quanh những hình tượng rồi coi đó là truyền thuyết, sự tích mang tính chất hoang đường. Thực chất, đây là một hang động hoang sơ mới phát hiện không lâu, bản thân nó đã vốn tuyệt vời lắm rồi.
Bài và ảnh: KTS Đoàn Đức Thành