28/11/2012 15:00 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thật là phiền toái, khi bạn phải đi xe không chính chủ, và vì thế, bạn cảm thấy hơi bực bội hoặc ghen tị với cái gã đứng tên chính chủ trên giấy tờ xe mình. Vì cái tên gã đó mà bạn sẽ phải bỏ ra cỡ vài trăm ngàn đến dăm bảy chục triệu, kèm theo một chuỗi các thủ tục hành chính rắc rối khác để được thay thế hắn trong ngôi “chính chủ”.
Thế nhưng, bạn có bao giờ tự hỏi, có thể ở đâu đó, một người đi xe không chính chủ khác cũng đang bực mình vì cái tên của bạn cũng chình ình trên giấy tờ xe của người đó. Bạn đã đứng tên bao nhiêu cái xe, và giờ nó đang ở đâu, liệu có một mối liên hệ gì giữa nó với bạn không?
1. Người xưa có câu “Khuyển mã tri tình”. Con chó mình nuôi, con ngựa mình cưỡi, qua bao nhiêu lần đổi chủ, nhưng nếu vô tình gặp lại, rất có thể chúng vẫn nhận ra chủ cũ, và rỏ nước mắt trước cố nhân.
Người hiện đại không cưỡi ngựa nữa, mà cưỡi xe. Sau vài lần đổi xe, theo chiều hướng đi lên (tức lên đời xe), tôi nghiệm ra rằng, khi mình cưỡi xe thì ân cần với nó, nhưng khi đổi xe rồi thì quên phắt nó đi ngay. Có mới nới cũ mà. Nếu bạn có nhu cầu mua xe cũ, thì hời nhất là tìm được anh nào có xe cũ muốn bán để lên đời xe mới, và anh ta đã tìm được cái xe mới ưng ý rồi. Lúc đó, tâm lý của anh ta là chỉ muốn bán tống bán táng cái xe cũ đi cho khuất mắt.
Những biển xe đang đi tìm chủ? |
Tôi nhớ hồi anh trai tôi, đi cái xe Cub 79 suốt 4 năm liền, từ năm 1995 (thời kỳ rộ lên xe bãi của Nhật nhập về) đến 1999. Quãng thời gian đó, anh giữ cái xe như vàng, đến tôi mượn đi đón bạn gái một tí cũng khó. Nhưng đến khi anh gom đủ tiền, sang nhà bạn chơi, trông thấy con DD đỏ đẹp long lanh của bạn đang cần bán, anh thậm chí vứt ngay con Cub 79 “cóc ghẻ” của mình lại nhà bạn, cưỡi con DD đỏ về luôn. Hôm sau anh cũng không tự đi lấy con Cub 79 về, mà vứt trong ví ra cái Giấy đăng ký xe, sai tôi đi lấy, rồi bảo “gán” nợ luôn cho mày (anh vay tôi số tiền chỉ bằng 2/3 giá trị của chiếc xe). Tất nhiên, vì là anh em ruột, nên giấy tờ chẳng phải sang tên đổi chủ, mà nếu có phải thì lúc đó làm gì đã có Nghị định 71 đâu mà... sợ.
Cũng như anh trai tôi sau con Cub 79, chúng tôi đã thay rất nhiều đời xe. Nếu tình cờ gợi lại con Cub 79, có lẽ rất lâu anh tôi mới có thể nhớ ra, giống như nhớ ra một chuyện từ... kiếp trước (thì mỗi lần lên đời xe, khác gì đổi đời đâu). Giữa chúng tôi với con Cub 79, chẳng còn bất cứ mối liên hệ gì với nhau. Cho đến lúc này, nhân cơn sốt xe chính chủ, có lẽ ở đâu đó, chẳng biết ở nông thôn, thành thị hay miền núi cao, một người buôn gà hay buôn chó nào đó, mới tình cờ giở cái đăng ký xe ra và lẩm nhẩm đọc tên của anh trai tôi trên giấy đăng ký. Người đó chắc sẽ phải thở dài đánh sượt mấy cái.
2. Nhân nói đến xe chính chủ, tôi lại nhớ đến chiếc xe đầu tiên mang tên mình, đó là một con Viva liên doanh, mua ở cửa hàng xe Toàn Thắng trên phố Nguyễn Lương Bằng cách đây đã... thập kỷ rưỡi rồi. Tôi có một ông anh họ bị thương tật ở quê nhà, rất chăm chỉ ghi “lịch sử’ của dòng họ. Lần đó, anh hớn hở thông báo: Tao đã ghi vào lịch sử dòng họ rằng mày là người đầu tiên của dòng họ mua xe máy mới, đăng ký tên mình!
Ôi chao, anh ghi thật. Ghi vào cuốn sổ của mình cùng với biết bao nhiêu “sự kiện” khác của dòng họ, từ ngày người nọ người kia lấy vợ, gả chồng, sinh con, xây nhà mới... đến chuyện người đầu tiên trong họ được đi... máy bay. Với dòng họ tôi trong quãng thời gian đó, sắm được một chiếc xe Nhật “xịn” đập hộp mang tên mình đúng là một “sự kiện” chưa từng có.
Sau 15 năm, chiếc xe Viva ấy vẫn giữ được “gia phả” khi nhượng lại cho ông bạn bố tôi ở đầu làng. Tôi nghĩ giữa mình với cái xe Viva còn nhiều duyên nợ, chứng cớ là hãn hữu mới về làng, nhưng tôi rất thường xuyên bắt gặp chiếc xe Viva đó để ở sân nhà ông, nước sơn vẫn long lanh như hồi tôi đi đăng ký... Rất có thể, tối nay, hay tối mai, tôi sẽ nhận được một cú điện thoại của ông để nhờ... ký giấy sang tên đổi chủ. Tôi luôn sẵn sàng.
Chính chủ - trò đùa trên mạng xã hội |
3. Thực ra tôi sẵn sàng còn có một ý khác. Cách đây khoảng nửa năm, về quê, tôi tình cờ biết đứa con trai lêu lổng của ông thường lấy con xe Viva ấy đi tụ tập. Tôi gặp nó một vài lần, đầu cắt cua, xăm trổ đầy người, phóng xe bốc đầu đi như ăn cướp. Máy con xe Viva tôi mua khỏe thật!
Một ngày nào đó, rất có thể sẽ có một cuộc gọi đến số máy của tôi, vào giữa đêm, không phải là bố nó muốn nhờ tôi sang tên đổi chủ cho chiếc xe, mà có thể là... các chú công an. Tôi thoáng lo. Chiếc xe Viva do nó điều khiển có thể gây ra một chuyện gì đó dính dáng đến pháp luật, và người ta có thể không biết nó là ai, nhưng người ta đọc được biển kiểm soát chiếc xe đó. Và từ biển kiểm soát, đương nhiên họ sẽ liên hệ với tôi. Biết đâu đấy. Cầu trời cho chuyện rắc rối đó đừng xảy ra...
Thế nhưng, nếu có một chuyện gì đó, rất có thể tôi sẽ phải đến để chứng minh là tôi đã bán nó đi rồi, và giữa tôi - người mang tên chính chủ chiếc xe - với người sử dụng nó hoàn toàn không có mối liên hệ nào nữa, từ nhiều năm rồi.
Viết đến đây tôi lại nhớ chuyện “Tôi bị mất tay” của một nhà văn Ấn Độ. Chứng minh rằng mình vốn có một cái tay và cái tay đó bỗng dưng bị mất cũng khó khăn vô cùng, không thể đùa được. Huống chi là chứng minh “chứng cớ ngoại phạm” của mình liên quan đến chiếc xe máy, không hề thân thiết như cái tay, nhỡ người ta không tin thì sao?
4. Thưa các bạn, chính chủ là ai? Chính chủ cũng là các bạn thôi, kể cả những người đang đi xe chính chủ hay không chính chủ. Ta không chính chủ ở chiếc xe này thì lại là chính chủ ở chiếc khác...
Có thể quy định phạt xe không chính chủ sẽ bị tạm hoãn lại, hoặc được áp dụng một cách chính xác hơn, hay thậm chí có thể bị đưa ra khỏi Nghị định 71 như một số ý kiến đề xuất. Nhưng nếu bạn vẫn là chính chủ của một chiếc xe mà bạn đã bán/tặng rồi, thì rất có thể một ngày nào đó phiền toái sẽ xảy ra với bạn vì chiếc xe đó.
Vì thế trách nhiệm sang tên đổi chủ không chỉ là của người mua, mà cả người bán nữa. Hãy thông báo với cơ quan chức năng ngay khi bạn đã bán xe và hãy giúp đỡ người mua xe của bạn được sang tên đổi chủ, làm như thế không chỉ để giúp các cơ quan chức năng dễ bề kiểm soát phương tiện giao thông, mà còn vì chính bạn: Bạn trao được cái gánh nặng “chính chủ” của mình cho họ, kể từ giờ phút đó.
Thiết nghĩ, cho dù việc sang tên đổi chủ hoàn toàn là trách nhiệm dân sự, tức là CSGT không có quyền kiểm tra xem xe có chính chủ hay không, thì các cơ quan chức năng cũng cần ràng buộc nhiều hơn nữa trách nhiệm của người bán xe. Nếu người bán xe không thông báo với cơ quan chức năng, không thực hiện “nghĩa vụ” sang tên đổi chủ, thì khi xảy ra bất kỳ chuyện gì liên quan đến chiếc xe, thì chính chủ của chiếc xe cũng phải có nghĩa vụ đến để giải quyết. Cho dù chỉ là đến để chứng minh, mình đã... bán xe rồi. Khi buộc được trách nhiệm đó, thì có lẽ, bất kỳ người bán nào cũng sẽ muốn rũ trách nhiệm bằng cách bắt người mua phải sang tên đổi chủ ngay.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất