Chim nhại không bao giờ chết

28/02/2016 08:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Giống như bắn một chim nhại, phải không bố?” - cô bé Scout trong Giết con chim nhại đã nói với bố mình, luật sư Atticus. Giết chóc vốn là tội ác, nhưng “giết con chim nhại” là tội ác lớn gấp nhiều lần.

Trong cuốn tiểu thuyết của mình, Harper Lee - tác gia vừa qua đời, đã tạo nên hình tượng con chim nhại lừng danh, đại diện cho những người vô tội: “Con chim nhại chẳng làm gì ngoài việc cất tiếng hót từ trái tim. Đó là lý do tại sao thật tội lỗi khi giết một con chim nhại”.

Trong cuốn sách, có “con chim nhại” phải ngã xuống vì bất công chủng tộc, lại có “con chim nhại” được cứu sống vì niềm tin vào công lý. Trong phần cuối của tiểu thuyết, cô bé Scout và người anh trai Jem bị người đàn ông nghiện ngập Bob tấn công vì một hiềm thù trước đó. Hai đứa trẻ may mắn được cứu thoát. Sau đó, Bob được tìm thấy, đã chết do bị đâm vào bụng.


Cô bé Scout và người cha Atticus trong phim chuyển thể từ tiểu thuyết “Giết con chim nhại”.

Cái chết này do ai gây ra? Người cha Atticus, một luật sư, nhanh chóng đi đến kết luận: chính Jem, con trai ông, đã đâm Bob. Nhưng theo điều tra, cảnh sát trưởng Tate cho rằng Boo, người da đen lương thiện cứu sống hai đứa trẻ, mới là người đã đâm Bob.

Mặc dù vậy, trước con mắt kinh ngạc của người cha, viên cảnh sát quyết định đưa ra một kết luận khác để không làm ảnh hưởng đến những người lương thiện: Bob - kẻ tấn công xấu xa - đã ngã trúng con dao của hắn và tự kết liễu đời mình.

Hai người đàn ông tranh luận gay gắt. Người cha tin vào sự trung thực (nếu không, ông sẽ không bao giờ dám nhìn thẳng vào mắt con mình). Còn cảnh sát trưởng Tate, ông hành động như vậy vì “kẻ ác (Bob) phải trả giá vì trước đó đã hại người”.

Một cuộc tranh luận giằng xé giữa nhiều thứ: công lý, tình cảm, phương pháp giáo dục. Cuối cùng, họ thống nhất kết luận theo ý viên cảnh sát. Boo, người da đen vô hại như một con chim nhại, không bị kết tội.

Dù thế nào, người bố luôn phải trở về nhà và nhìn thẳng vào mắt con mình. Vì thế, sau khi thống nhất với viên cảnh sát, luật sư Atticus quay lại nhìn cô con gái Scout. “Scout” - ông nói - “ông (Bob) Ewell ngã trúng con dao của ông ta, con hiểu chứ?”.

Và Scout, 6 tuổi, nói: “Vâng, thưa bố, con hiểu, ông Tate nói đúng. Giống như bắn một con chim nhại vậy, phải không bố?”.

Harper Lee đã tạo ra một tình huống rất hay, đáng bàn luận đến nhiều thế kỷ sau. Cách xử sự của viên cảnh sát tốt bụng có thể đúng hoặc sai, nhìn từ nhiều góc độ. Nhưng điều tuyệt vời là luật sư Atticus, người luôn tin vào sự trung thực, nhận được thái độ thấu hiểu từ cô con gái thông minh của ông.

Atticus là người sống với nhiều quy tắc, nhưng quy tắc cao quý nhất của ông là luôn hành xử sao cho không hổ thẹn với các con mình, để luôn có thể “nhìn thẳng vào mắt các con mình”. Đó là bài học làm cha, làm mẹ quý giá. Cũng là một bài học làm người.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm