05h15 ngày 5/7, Uruguay - Peru: Sự bình ổn giả tạo

04/07/2011 13:18 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Sau Brazil và Argentina, thì Uruguay chính là ứng cử viên số ba của Copa America lần này, nhưng sự suy thoái của họ kể từ sau kỳ World Cup 2010 rất thành công đang đặt một dấu hỏi lớn trước mắt thầy trò Oscar Tabarez, và Peru, đội tuyển đã không thể bén mảng đến World Cup từ năm 1982 đến nay, sẽ là thuốc thử.

ĐT Uruguay, không khác gì Argentina, giành phần lớn số Cúp vô địch Nam Mỹ trong giai đoạn trước khi giải mang tên Copa America (13 trong số 14 Cúp VĐ của Uruguay đến từ năm 1975 đến nay), khi bóng đá còn chưa được mở rộng và giải Copa còn chưa giàu tính cạnh tranh như thời điểm hiện tại. Nhưng lần này, họ mang đến Argentina một đội ngũ đủ sức làm nên một chiến tích lớn, thậm chí, là lớn hơn cả thành tích lọt vào bán kết ở kỳ Copa 2007.

Uruguay liệu có chứng minh được sự ổn định - Ảnh Getty

Hàng công là một điểm mạnh không thế chối cãi của đội tuyển Uruguay, với hai tiền đạo dạng xuất sắc của châu Âu là Forlan và Suarez, một người khác đang "tiệm cận" trình độ ấy là Edinson Cavani, một ngôi sao trẻ khác được cho là cũng sẽ đạt đến đẳng cấp ấy khi bằng tuổi các đàn anh (Abel Hernandez), và một lão tướng có tính cách kỳ dị (thậm chí bị coi là hơi "điên"), nhưng bản năng ghi bàn thì chưa bao giờ bị coi thường (Abreu).

Nhưng sự khủng khiếp của hàng công chưa thế so sánh với việc Uruguay đã tạo được một sự nhất quán và ổn định về mặt đội ngũ trong nửa thập kỷ qua: Uruguay là một trong những đội hiếm hoi có 5 cầu thủ đạt đến cột mốc 50 lần khoác áo ĐTQG, và đội ngũ đã từng vào đến bán kết World Cup một năm trước gần như vẫn được giữ nguyên vẹn cho kỳ Copa lần này. HLV Oscar Tabarez gắn bó với đội từ năm 2006, và ông đã rất thành công trong việc duy trì sự ổn định cho đội tuyển này từ đó đến nay.

Thuốc thử cho sự ổn định

Nhưng sự ổn định bề mặt ấy cũng sẽ làm nảy sinh những băn khoăn về động lực thi đấu và sức sáng tạo. Những vấn đề ấy đã bộc lộ rõ rệt trong các trận giao hữu suốt một năm qua, và qua cả phong độ tồi tệ của chân sút tốt nhất đội Uruguay có vào thời điểm này là Diego Forlan. Nói cách khác, Uruguay hiện tại không có nhiều sức bật, dù như đã nói, ngoài bề mặt, họ là đội bóng ổn định bậc nhất Nam Mỹ trong nửa thập kỷ qua, cả về nhân sự lẫn băng ghế chỉ đạo, và triết lý bóng đá (lối chơi của Uruguay dưới kỷ nguyên Tabarez tôn trọng sự chắc chắn, giản đơn, và dựa dẫm rất nhiều vào các ngôi sao trên hàng công).

Peru ước gì họ có được sự ổn định ấy của Uruguay. Trước khi giải lần này diễn ra, HLV Sergio Markarian đã phải kêu trời vì mất đi các cầu thủ quan trọng nhất. Jefferson Farfan dính phải một vết đau bắp chân, và rời đội hôm 25/6. Trước đó một tuần, Claudio Pizarro cũng chia tay Copa vì lý do tương tự, còn tiền vệ trái Juan Vargas chỉ có thể đến Argentina vào phút chót, khi các bác sĩ của đội tuyển Peru xác nhận anh có thể kịp bình phục.

Nói vui, trong chưa đầy một tháng, Peru chịu sự xáo trộn mà trong nửa thập kỷ, Uruguay không mấy khi trải qua (thậm chí là chưa từng). Nhưng đó cũng không phải là điều khiến Peru phải quá nhíu mày, bởi sự ổn định của họ nằm ở khía cạnh khác. Không phải là tính ổn định được xác lập dựa trên một đội ngũ sát cánh với nhau nhiều năm, mà được tạo ra từ tính thích ứng và sự linh hoạt.

Những tổn thất về nhân sự là điều mà Peru đã từng phải đối mặt cách đây bốn năm, khi cầu thủ hay nhất của họ vào thời điểm ấy là Noberto Solano bất ngờ bị gạt ra khỏi ĐTQG vì sự đỏng đảnh. Lối chơi của Peru phụ thuộc rất nhiều vào cựu cầu thủ Newcastle, nhưng rốt cục, họ vẫn tiến vào tứ kết của kỳ Copa 4 năm về trước (thua Argentina 0-4). Trong hai thập kỷ qua, Peru là một trong những đội tuyển ổn định nhất của Copa America, với 4 lần vào tứ kết liên tục từ năm 1999 (trước đó, họ đứng thứ Tư ở Copa America 1997), dù đội ngũ thường không duy trì được sự liền mạch.

Sự ổn định "kiểu Peru" ấy có lẽ sẽ là một thuốc thử đủ mạnh cho Uruguay, một đội tuyển vẫn đang tạo ra những băn khoăn lớn về tính liền mạch về phong độ từ sau World Cup 2011. Chính khó khăn đã tạo ra tính "ổn định" độc đáo của Peru, và phẩm chất có thể tạo ra trở ngại lớn cho sự ổn định bề mặt, và đang không tìm thấy động lực sáng tạo của Uruguay.

Dự đoán: 1-1

Phạm An

Đội hình dự kiến

Uruguay: Muslera - Pereira, Lugano, Godin, Scotti - Gargano, Lodeiro, Pereira - Forlan, Suarez, Cavani

Peru: Butron - Acasieste, Vilchez, Rodriguez, Ramos - Cruzado, Ballon, Vargas, Lobaton - Guerrero, Advincula

4 Peru đã lọt vào tứ kết Copa America 4 lần liên tiếp từ năm 1999 tới nay. Tại Copa America 2007, đội tuyển này còn lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất

14 Cùng với Argentina, Uruguay là đội giàu thành tích nhất giải VĐ các quốc gia Nam Mỹ, với tổng cộng 14 lần đăng quang, nhưng trong kỷ nguyên giải mang tên Copa America, Uruguay chỉ vô địch một lần vào năm 1995

59 Bộ ba tiền đạo Cavani - Suarez - Forlan đã nổ súng tổng cộng 59 lần cho CLB của họ mùa giải vừa qua, với 33 bàn của Cavani, 10 bàn của Forlan và 16 bàn của Suarez


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm