Quân nổi dậy Libya tranh nhau làm… tướng!

21/04/2011 13:43 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Hôm 20/4, Pháp và Anh đã tuyên bố đang gửi các cố vấn quân sự tới giúp xây dựng lực lượng nổi dậy ở Libya nhằm chống lại quân đội trung thành với nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi một cách hiệu quả hơn. Nhưng giới phân tích lập tức đặt câu hỏi rằng họ sẽ giúp đỡ quân đội của ai, bởi phe nổi dậy ở Libya hiện ở thế “loạn cào cào” về người lãnh đạo.

>> Chuyên đề: Xung đột ở Libya

Người Anh và Pháp hẳn sẽ thất vọng khi thấy mình tới Libya để cố vấn cho một đạo quân nổi dậy gồm các thành phần “ô hợp”, thiếu kỷ luật và tổ chức tới mức vẫn chưa thể thống nhất ai là sĩ quan cao cấp nhất.

Ai cũng đòi “cầm cờ”

Hiện có 2 nhân vật đang tự xưng mình là chỉ huy quân nổi dậy. “Tôi kiểm soát tất cả mọi người, cả quân nổi dậy và quân chính quy (đào ngũ sang phía đối phương)” - tướng Khalifa Hifter, một trong 2 người nhận mình là chỉ huy nói trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần này với tờ New York Times - “Tôi là lãnh đạo chiến trường và tướng Abdul Fattah Younes là Tham mưu trưởng. Công việc của ông ấy là hỗ trợ chúng tôi trên chiến trường còn nhiệm vụ của tôi là lãnh đạo các cuộc chiến”.

Tuy nhiên Hội đồng Quá độ Quốc gia (TNC), cơ quan lãnh đạo dân sự của phe nổi dậy lại khẳng định ông Younes mới là Tổng tư lệnh quân đội. “Tuyên bố ấy (của tướng Hifter) không đúng sự thực” - một quan chức thân cận với TNC đề nghị giấu tên nhận xét - “Tướng Younes đứng cao hơn ông ta và điều này là chắc chắn”.

Chỉ huy quân đội nổi dậy được TNC xác nhận, ông Abdul Fattah Younes (trái) và tướng Khalifa Hifter, người đang tranh quyền với ông Younes

Tướng Hifter đã công khai xem Younes như một sĩ quan hậu cần và đã chỉ trích ông về việc nhiều lần để quân nổi dậy phải rút chạy một cách bẽ mặt tại các mặt trận như Brega và Ajdabiya. “Tất cả những thất bại đó xảy ra là kết quả từ mệnh lệnh của Abdul Fattah Younes” - Hifter nói - “Đó là lý do vì sao tôi trở lại nắm quyền và trong vài ngày tới, tôi sẽ lãnh đạo mọi đơn vị. Tôi đã sẵn sàng để lãnh đạo quân đội kể từ giờ phút này”.

Trong khi đó, lô hàng vũ khí đầu tiên gồm 400 khẩu AK-47 từ các nhà tài trợ nước ngoài đã tới tay quân nổi dậy hôm 19/4. Nhưng lô vũ khí này không được chuyển tới 1 trong 2 viên tướng trên mà lại giao cho nhân viên dân sự có tên Fawzi Bukatef. Đây là một kỹ sư dầu lửa, đã huấn luyện nhiều người dân khác tham gia chiến đấu chống quân chính phủ. Bukatef nói rằng ông đã giao súng cho các tình nguyện viên và gửi họ thẳng ra mặt trận. Ông cũng thừa nhận có biết về các tướng Hifter và Younes, nhưng nói rằng cả 2 nhân vật này khiến lính ngoài mặt trận thất vọng. “2 con người đó gây rất nhiều vấn đề cho binh lính bởi chúng tôi không biết ai là người cầm quyền” - Bukatef nói - “Họ không phối hợp với nhau và tôi không nghĩ rằng họ khoái nhau”.

Hỗn loạn về tổ chức

Trong cuộc phỏng vấn với New York Times, tướng Hifter nói rằng quyền lực chỉ huy quân đội trên chiến trường của ông là do TNC trao cho. Có tin nói rằng quyền lãnh đạo của Hifter đã bị TNC tước hồi cuối tháng 3 để trao cho Younes. Bản thân Hifter hiện vẫn chưa rõ có bị tước quyền hay không. Nhưng một nhân viên thân cận của ông nói rằng giới chức dân sự chắc chắn sẽ không dám làm điều này, bởi nếu thế, “nhân dân sẽ giết họ”.

Quả thực, Hifter rất được các chiến binh nổi dậy mến mộ bởi ông là một người hùng trong cuộc chiến xâm lăng Chad theo mệnh lệnh của Gaddafi. Sau cuộc chiến, quan hệ của Hifter với Gaddafi xấu đi và ông đã tới sống lưu vong ở Mỹ trong 20 năm. Ông mới trở về nước cách đây 1 tháng và tự phong mình là chỉ huy chiến trường. Khi người ta tuyên bố Hifter bị tước quyền lãnh đạo hồi cuối tháng 3, nhiều cuộc ẩu đả trong phe nổi dậy đã diễn ra.

Trong khi đó, tướng Younes là bạn của Gaddafi và từng nắm ghế Bộ trưởng Nội vụ cho tới khi ông chạy trốn sang phe nổi dậy vào cuối tháng 2. “Ông ấy đã có cả đời đứng sau Gaddafi” - một quan chức của Hifter nói và cho rằng Younes không xứng đáng nắm quyền lãnh đạo quân nổi dậy.

Nhưng giới lãnh đạo ở TNC lại nhìn vấn đề theo chiều hướng khác. “Nói thực thế này, Khalifa Hifter đã tới cuộc chơi hơi muộn” - một quan chức TNC đề nghị giấu tên nhận xét - “Như những gì chúng tôi được biết, ông ấy chỉ là 1 trong các chỉ huy trên chiến trường”. Các lãnh đạo khác của TNC thậm chí còn hạ Hifter xuống thấp hơn nữa. ““Khalifa Hifter là một công dân Libya” - cựu phát ngôn viên quân nổi dậy Mustafa Gheriani nói hôm 16/4 - “Ông ấy không có mặt trong danh sách tổ chức của TNC”. Một quan chức giấu tên khác nói rằng Hifter “mới chỉ được phong tướng cách nay 2 ngày, còn Younes đã là tướng lâu hơn nhiều”.

Ngay cả vai trò lãnh đạo của TNC hiện cũng không rõ ràng. Đây thực chất chỉ là một hội đồng tự xưng, gồm 31 thành viên đến từ khắp nơi trên đất Libya. TNC mới chỉ công bố tên 10 thành viên và họ thường hội họp trong bí mật. Vì thế các quyết sách của họ, nhất là liên quan tới giới lãnh đạo quân sự cấp cao, thường gây rối loạn hoạt động của quân nổi dậy.

Bài toán khó cho Anh và Pháp

Thực tế không phải từ bây giờ quân nổi dậy mới có chuyện chia rẽ nội bộ. Ngay từ đầu, các hoạt động quân sự của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bị ảnh hưởng bởi sự thiếu tổ chức, thiếu huấn luyện, trang thiết bị và kinh nghiệm chiến đấu của quân nổi dậy. Vì sự yếu kém này mà quân nổi dậy đã không thể giành lợi thế, khi quân Chính phủ bị máy bay NATO gây thiệt hại nặng. Nhiệm vụ của người Anh và Pháp là giải quyết các nhược điểm trên, trong đó chú trọng tới việc cải thiện tổ chức, hoạt động liên lạc và hậu cần của quân đội phe nổi dậy.

Trong mấy tuần trở lại đây, chiến sự tại Libya thực sự đã lâm vào bế tắc khi máy bay NATO không còn gây thêm thiệt hại nặng cho quân của ông Gaddafi. Giới quan sát chỉ ra rằng nếu tình trạng này kéo dài, danh tiếng của NATO sẽ bị tổn thương. Họ sẽ bị xem như một tổ chức yếu và hoạt động kém hiệu quả, nhất là khi mất đi sự hỗ trợ của người Mỹ.

Để giải quyết bế tắc, các nước phương Tây đã đặt hy vọng vào quân nổi dậy, tin tưởng rằng việc xây dựng họ thành một lực lượng mạnh sẽ giải quyết được tình hình. Nhưng việc quân nổi dậy tiếp tục hoạt động một cách “bát nháo” và các dấu hiệu tranh giành quyền lực nội bộ thể hiện khá rõ đã tạo nên không ít trở ngại. Ngay cả các quốc gia từng thể hiện sự ủng hộ cho mục tiêu của quân nổi dậy giờ đều phản đối việc trang bị vũ khí cho họ, một phần cũng vì lo ngại tình trạng lộn xộn đã nói ở trên. Tất cả những điều này đã khiến người ta nghi ngờ về khả năng của các cố vấn Anh và Pháp trong việc tạo nên một đạo quân nổi dậy thực sự mạnh và hiệu quả.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm