20/04/2025 09:47 GMT+7 | Văn hoá
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Xuân Lộc được đánh giá là mặt trận hết sức gay go, khốc liệt.
Với địch, còn Xuân Lộc là còn chính quyền Sài Gòn.
Với ta, chọc thủng Xuân Lộc thì mới tiến vào được Sài Gòn.
Linh hoạt cách đánh, bao vây và diệt chi viện, trong 12 ngày (từ ngày 9 đến 21/4/1975), quân Giải phóng đã chọc thủng toàn bộ tuyến phòng thủ thép cuối cùng ở Xuân Lộc, mở toang cánh cửa tiến về Sài Gòn.
Ngày 9/4/1975, quân Giải phóng thần tốc tiến về giải phóng Xuân Lộc, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng Xuân Lộc (9 - 21/4/1975) làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp, mở rộng đường cho quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn. Ảnh: Tư liệu TTXVN
*Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự phát triển tất yếu của các chiến dịch với các quy mô khác nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là sự phối hợp chặt chẽ giữa đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực với bộ đội địa phương và nổi dậy của quần chúng nhân dân, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong các chiến dịch ấy, chiến dịch Xuân Lộc là đòn tiến công của quân chủ lực vào khu vực trọng yếu trong tuyến phòng thủ Biên Hòa - Xuân Lộc - Bà Rịa -Vũng Tàu của địch. Đây là vị trí có tầm quan trọng chiến lược, được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ “thủ phủ” của chính quyền Sài Gòn; do đó, bằng mọi giá chúng phải “giữ cho được Xuân Lộc”. Đối với địch, “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”.
Xuân Lộc là một thị xã của tỉnh Long Khánh (thành phố Long Khánh, Đồng Nai hiện nay), cách Sài Gòn khoảng 80 km về phía Đông, án ngữ các trục giao thông quan trọng, như Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt và Quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu. Với vị trí chiến lược đó, địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc mà nòng cốt là Sư đoàn bộ binh 18 (thuộc Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn) để bảo vệ cho được “cánh cửa thép” rất quan trọng này ở phía Đông Sài Gòn.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng…” của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Miền đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt lực lượng địch phòng giữ phía Đông Sài Gòn, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự bảo vệ Sài Gòn của địch; cắt đứt giao thông, cô lập Sài Gòn, tạo thế có lợi mở đường cho các lực lượng của Bộ, Miền và lực lượng vũ trang địa phương trên hướng Đông nhanh chóng tiến vào giải phóng Sài Gòn -Gia Định.
Ngày 7/4/1975, Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền thông qua Kế hoạch tiến công quân sự trên mặt trận Sài Gòn, giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9) và Sư đoàn 6, chủ lực Quân khu 7 đánh chiếm thị xã Xuân Lộc, tạo thế bao vây, áp sát Sài Gòn.
Sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, sáng ngày 9/4/1975, quân ta nổ súng tiến công mở màn chiến dịch.
Từ ngày 9 đến ngày 14/4, ta tập trung lực lượng, sử dụng bộ binh, xe tăng, pháo binh... tổ chức tiến công trực diện nhiều lần vào sở chỉ huy và trung tâm thị xã nhưng không dứt điểm được mục tiêu. Trong thế đường cùng, địch chống trả mạnh mẽ, tình hình chiến sự diễn ra vô cùng quyết liệt. Trước áp lực tiến công của quân ta, địch tăng cường viện binh, đưa tổng số lực lượng phòng thủ Xuân Lộc lên 20.000 quân. Ngoài ra, lực lượng không quân địch hoạt động mạnh, sử dụng nhiều loại bom có sức hủy diệt lớn đánh vào đội hình tiến công, gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất.
Từ ngày 15 đến ngày 20/4, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 tổ chức lại lực lượng và thay đổi cách đánh. Ta ko tiến công trực diện vào thị xã (nơi tập trung đông quân địch, phòng ngự kiên cố), mà chuyển sang tiêu diệt các đơn vị địch đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài; đồng thời chiếm giữ ngã ba Dầu Giây, chặn cắt Quốc lộ 1 và các tuyến giao thông hướng về Xuân Lộc. Lực lượng pháo binh, đặc công Miền liên tục bắn phá vào sân bay Biên Hòa, hạn chế hoạt động của không quân địch. Thị xã Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây, cô lập.
Đến ngày 20/4, lực lượng đi đầu của Quân đoàn 2 ta (cánh quân duyên hải), sau khi đập tan “lá chắn thép” của địch ở Phan Rang (16/4), đã tiến đến khu vực Rừng Lá (cách Xuân Lộc gần 20km), sẵn sàng phối hợp cùng Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy (đêm 20/4). Ngày 21/4, ta hoàn toàn giải phóng Thị xã Xuân Lộc và tỉnh Long Khánh. Trong chiến dịch này, ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18 và nhiều lữ đoàn, trung đoàn quân Sài Gòn; loại khỏi vòng chiến đấu gần 5.000 tên địch, thu giữ và phá hủy 1.500 súng các loại cùng nhiều phương tiện vật chất khác.
Tạo thời cơ lịch sử, giải phóng Sài Gòn
Sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, một loạt sự kiện chính trị lớn trên chính trường Sài Gòn liên tiếp diễn ra. Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức Tổng thống Việt Nam cộng hòa, Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh khắp Sài Gòn đang ngày càng trở nên hoảng loạn bởi chiến dịch di tản của người Mỹ được xúc tiến với nhịp độ rất khẩn trương.
Ngay hôm sau, 22/4, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và chính thức phê duyệt kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Ðịnh.
Tiếp đó, ngày 23/4, phía bên kia đại dương, tại Trường đại học Tulane ở New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerold Ford tuyên bố: Cuộc chiến đã chấm dứt đối với người Mỹ.
Trong hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước".
Đặt trong bối cảnh giai đoạn cuối của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chiến thắng Xuân Lộc - Long Khánh có ý nghĩa rất to lớn. Đây là đòn giáng quyết định làm suy sụp tinh thần chiến đấu của quân địch; đập tan hy vọng cứu vãn chế độ Sài Gòn của Mỹ. Đồng thời, mở đường cho cánh quân hướng Đông và Đông Nam của ta (do Quân đoàn 4, Quân đoàn 2 làm lực lượng nòng cốt) tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26 - 30/4/1975). Trong hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân địch càng thêm suy sụp. Tin chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân cả nước".
Thắng lợi Xuân Lộc cũng để lại cho cách mạng và Quân đội ta những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhưng đồng thời có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể hoàn thành nhiệm vụ được giao; đánh giá đúng bản chất, âm mưu và hành động của địch, nhất là tại thời điểm bản lề mang tính quyết định đến vận mệnh, an nguy tồn vong của chúng; chuẩn bị chu đáo, toàn diện các mặt, lựa chọn cách đánh phù hợp nhằm phát huy tối đa sức mạnh của ta, đồng thời hạn chế ưu thế của địch; theo dõi, bám sát diễn biến chiến trường, kịp thời có chủ trương, biện pháp xử lý đúng đắn các tình huống phát sinh, bảo đảm giành thắng lợi; xây dựng bộ đội chủ lực mạnh, đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
“Đất thép” đã “nở hoa” trên mảnh đất Xuân Lộc anh hùng
Gần nửa thế kỷ sau ngày thống nhất đất nước, từ một vùng đất chằng chịt hố bom, xác pháo, Xuân Lộc đã làm nên những kỳ tích, với một diện mạo mới. Huyện Xuân Lộc đã có những bước phát triển nhanh, toàn diện và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Nếu trong chiến tranh, địa danh Xuân Lộc được cả nước biết đến như là “vùng đất lửa” thì giờ đây, mảnh đất này lại được biết đến là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Giai đoạn 2005-2010 - trước khi xây dựng nông thôn mới, huyện Xuân Lộc đã được tỉnh chọn làm điểm để phát triển nông nghiệp, xây dựng “nông thôn 4 có” gồm: có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có đời sống kinh tế được cải thiện, có đời sống văn hóa tốt, có môi trường sinh thái tốt. Từ “nông thôn 4 có”, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện dần thay đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại và hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng dần được chuyển đổi và cũng có tiêu chuẩn “4 có” như: “có năng suất cao, có chất lượng tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định và có thu nhập cao”.
Trên nền tảng của “nông thôn 4 có”, huyện Xuân Lộc nhanh chóng bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Xuyên suốt quá trình xây dựng NTM, huyện Xuân Lộc luôn giữ vững vị trí ngọn cờ đầu của cả nước khi là đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2014. Từ những kết quả đạt được, năm 2018, Xuân Lộc là 1 trong 4 huyện của cả nước được chọn xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu và là huyện duy nhất làm kiểu mẫu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025. Năm 2023, Xuân Lộc được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với thành tích ấn tượng trong xây dựng và phát triển, Xuân Lộc là huyện duy nhất ở phía Nam được Trung ương chọn điểm để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.
Ngành nông nghiệp của huyện đã từng bước chuyển dần sang đầu tư sản xuất theo chiều sâu, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào sản xuất. Hiện nay, 14/14 xã đã có ít nhất 1 mô hình sản xuất hàng hóa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và liên kết theo chuỗi giá trị; có 10/10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực được cấp chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Có 44 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng theo Bộ tiêu chí Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Đối tượng thụ hưởng nông thôn mới là người dân, thước đo hiệu quả nông thôn mới cũng chính là đời sống của người dân. Bài học này hoàn toàn đúng đắn với Xuân Lộc sau 50 năm giải phóng và hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới. Để rồi bằng chính nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân toàn huyện, Xuân Lộc đã đổi thay từng ngày, không còn là vùng đất “mưa bom, bão đạn”, mà nay “đất thép” đã “nở hoa” trên mảnh đất Xuân Lộc anh hùng.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất