Chiến dịch "điên cuồng" của Qatar

08/09/2010 11:30 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH)- Những vỉa hè và công viên ở Doha vắng người vào tháng 6, khi các cư dân thành phố trốn cái nóng như thiêu như đốt lên tới 48 độ C của mùa hè trong các trung tâm mua sắm có gắn điều hòa nhiệt độ, còn các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp thì đến châu Âu mát mẻ để tiếp tục tập luyện. Những ai muốn hạ nhiệt với một vại bia lạnh ở thủ đô Qatar sẽ phải tìm đến không nhiều các quán rượu trong những khách sạn năm sao, bởi đồ uống có cồn bị cấm ngặt nghèo ở quốc gia Hồi giáo bảo thủ này.

Nhỏ nhất nhưng giàu nhất

Bất chấp điều đó, Qatar đã gạt sang một bên những câu hỏi về thời tiết và định kiến xã hội để tiến hành một chiến dịch đầy tham vọng đăng cai World Cup 2022, với các đối thủ cạnh tranh là Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo một khía cạnh nào đó, Qatar có thể coi như được một suất đặc cách khi vào đến vòng chung khảo trong cuộc đua nói trên, trước ủy ban điều hành 24 người của FIFA. Họ là quốc gia ứng viên nhỏ nhất và là nước duy nhất chưa từng tổ chức một kỳ Olympic hay World Cup. Tuy nhiên, đất nước vùng Vịnh 1,3 triệu dân này có đủ năng lực về tài chính để đảm bảo giải đấu thành công, với thu nhập bình quân đầu người cao thứ hai thế giới nhờ vào những mỏ dầu và khí đốt khổng lồ.

“Tôi tin rằng chúng tôi có nhiều cơ hội và là độc nhất vô nhị”, Hassan al-Thawadi, người đứng đầu ủy ban vận động đăng cai World Cup của Qatar nói với AP. “Đây là lần đầu tiên ở Trung Đông, một vùng mến khách, giàu có, đa dạng về văn hóa và rất yêu bóng đá, có quốc gia muốn được đăng cai World Cup. Đưa giải đấu đến Trung Đông sẽ thật sự cho phép bóng đá và cả FIFA có một giải đấu văn hóa như mong muốn”.

Qatar đã tiến hành nhiều bước mạnh bạo để quảng cáo cho chiến dịch đăng cai của họ. Mới đây, Qatar đã đạt được thỏa thuận tài trợ cho hội nghị của LĐBĐ châu Phi vào tháng 1, đổi lại việc họ sẽ được tiếp cận riêng với các quan chức bóng đá của châu Phi. Ủy ban vận động cũng lên kế hoạch đưa hai đội tuyển Brazil và Argentina đến Qatar đá một trận trình diễn chỉ hai tuần trước khi nước chủ nhà các kỳ World Cup 2018 và 2022 được công bố vào tháng 12.

HLV Pep Guardiola của Barcelona cũng tham gia ủng hộ chiến dịch vận động đăng cai World Cup của Qatar- Ảnh Reuters
Qatar còn thuê những ngôi sao lớn của quá khứ như tuyển thủ Hà Lan Ronald de Boer hay HLV Barcelona Pep Guardiola đứng ra quảng cáo cho chiến dịch của họ, đồng thời mời Mike Lee, người đã giúp London giành quyền đăng cai Olympic 2012 và Rio làm chủ nhà Olympic 2016, làm cố vấn đặc biệt.


Họ có tiền và sẽ tiêu không tiếc tay”, Abdul-Khaleq Abdulla, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Emirates ở Abu Dhabi, nhận định. “Không hề có giới hạn đối với việc họ có thể chi bao nhiêu. Và tiền bạc thực sự có tiếng nói trong những sự kiện như thế này. Điều đó đã được chứng minh nhiều lần. Nếu bạn nghiêm túc, bạn sẽ phải đầu tư thêm”.

Những kế hoạch tỉ đô


Al-Thawadi nói Qatar đang đầu tư cho “công nghệ làm lạnh thế hế thứ hai” sẽ giúp các sân bóng, cơ sở tập luyện và khu vực dành cho CĐV luôn ở mức 27 độ C, thấp hơn nhiều so với mức bình quân 41 độ C ở Qatar vào các tháng 6, 7 và 8. Nhà chức trách cũng dự kiến cho phép sử dụng đồ uống có cồn tại các công viên cho CĐV và cho phép mặc đồ tắm ở bể bơi các khách sạn.

Al-Thawadi, cũng là một CĐV bóng đá và được đào tạo tại Anh, hiểu rằng thời tiết sẽ là một vấn đề lớn với Qatar khi ông đến thăm Nam Phi ở kỳ World Cup gần đây. Nhưng ông khẳng định rằng với công nghệ mới, hầu hết các du khách đến Qatar sẽ không phải chịu cái nóng như thiêu đốt vào mùa hè, mùa World Cup. “Tôi sẽ nói những ai quan ngại về thời tiết nóng đến thăm Qatar và xem đất nước chúng tôi có thể thay đổi ra sao”, Al-Thawadi nói.

Để khẳng định kế hoạch đó, chính quyền công bố dự án trị giá 4 tỉ USD xây mới chín sân bóng và cải tạo ba sân khác, tất cả đều có hệ thống làm mát riêng biệt. Một sân mẫu để chơi bóng đá năm người đã được lên kế hoạch mở cửa cho đoàn kiểm tra của FIFA vào ngày 13/9 và công nghệ mới sẽ được cập nhật liên tục để đảm bảo điều kiện lý tưởng tương tự ở các sân tập của 32 đội tham dự giải cũng như ở khu vực cho các CĐV, theo lời Al-Thawadi.

Chính quyền cũng dự chi 42,9 tỉ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng bao gồm một sân bay mới toanh và hệ thống giao thông công cộng có gắn điều hòa không khí. Mọi cơ sở cho kỳ World Cup thành công sẽ sẵn sàng vào năm 2017. Các sân bóng đều được thiết kế rất mãn nhãn, với một sân được thiết kế theo hình một chiến thuyền buồm kiểu A-rập, trong khi một sân khác có hình vỏ sò không đối xứng.

Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cũng bày tỏ sự ủng hộ Qatar vào đầu năm nay khi bóng gió rằng thế giới A-rập xứng đáng làm chủ nhà một kỳ World Cup. Ông cũng chính là người cương quyết bảo vệ ý tưởng đưa World Cup tới Nam Phi, kỳ giải đầu tiên ở lục địa Đen. Blatter còn cho rằng việc Qatar làm chủ nhà Á Vận hội 2006 thành công cho thấy họ đủ sức tổ chức các sự kiện quốc tế lớn.

Còn nhiều nghi ngại

Tuy nhiên, vẫn có những người nghi ngờ. Nhiều người lo ngại hệ thống làm mát còn chưa được thử nghiệm trên diện rộng của Qatar liệu có gặp trục trặc gì không, trong khi nhiều du khách phương tây nghi ngại liệu chính quyền Hồi giáo có thực sự từ bỏ các quan điểm xã hội bảo thủ và cho phép CĐV thoải mái nhậu nhẹt và nhảy múa trên đường phố, điều hết sức bình thường ở các kỳ World Cup.

Để Qatar đăng cai World Cup 2022 không phải là điều tốt nhất cho FIFA”, chuyên gia tiếp thị thể thao người Áo Erwin Roth, người đã thất bại trong việc giúp Salzburg đăng cai Olympic mùa đông 2014, nói. “Rất nhiều vấn đề. Các CĐV sẽ ra sao khi trận đấu kết  thúc. Họ sẽ phải chen chúc nhau trong một thành phố tí hon với thời tiết 40 độ C. Ngoài ra, phải đảm bảo các nữ du khách cũng được phép làm những gì mà nam giới được làm”.

Simon Chadwick, chuyên gia tiếp thị thể thao ở Đại học Coventry, Anh, cho rằng hy vọng của Qatar sáng sủa hơn sau giải đấu thành công của Nam Phi, cho thấy một nước đang phát triển với nhiều vấn đề nội tại cũng có thể tổ chức thành công World Cup. “Có những lo lắng về văn hóa ở Qatar”, Chadwick nói. “Khi xem bóng đá, liệu bạn có được phép say sưa bù khú, ăn bánh pizza, lang thang trên đường, ca hát và nhảy múa thỏa thích. Nhiều người lo ngại vì ở một quốc gia Hồi giáo, nhưng điều đó bị cấm”.

Những mối lo khác bao gồm các vấn đề đối ngoại, liên quan đến Israel và Trung Quốc. Bởi Qatar không có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel, World Cup có thể gặp trục trặc lớn nếu Israel giành quyền đá ở vòng chung kết, hay nếu các trọng tài của nước này được mời, hoặc đơn giản hơn là các CĐV Israel muốn tham gia. Nhà chức trách Qatar, để làm yên lòng FIFA, đã khẳng định rằng mọi quốc gia vượt qua vòng loại sẽ được chào đón. Một vấn đề khác là khả năng Trung Quốc tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2026. Một đề nghị từ cường quốc 1,2 tỉ dân sẽ rất có sức nặng với FIFA và bởi khó có thể tổ chức hai kỳ World Cup liên tiếp tại châu Á, họ sẽ phải cân nhắc giữa Qatar 2022 và Trung Quốc 2026.

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm