Mikhail Simonov - Cha đẻ của Su-27 qua đời

05/03/2011 11:07 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Mikhail Simonov, một trong những nhà thiết kế máy bay quân sự hàng đầu của Nga và là cha đẻ những chiếc máy bay Sukhoi hiện đại, gồm cả loại Su-27 nổi tiếng, đã qua đời, hưởng thọ 81 tuổi.

Hãng Sukhoi nói rằng Mikhail Simonov trút hơi thở cuối cùng ở Moskva vào ngày 4/3. Thông báo không nói rõ nguyên nhân vì sao .Cha đẻ các chiến đấu cơ phản lực

Sukhoi hiện đại

Cha đẻ chiếc Su-27 hiện đại Mikhail Simonov

Sự nghiệp của Simonov bắt đầu từ những năm 1950, trong vai trò một kỹ sư hàng không. Năm 1970, ông gia nhập Cục thiết kế Sukhoi với vai trò Phó tổng công trình sư. Suốt 9 năm sau đó, ông đã lãnh đạo việc phát triển những chiếc máy bay chiến đấu Su-24, Su-25 và loại Su-27 nổi tiếng.

Sau một thời gian nắm ghế Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Máy bay trong giai đoạn 1979-1983, ông trở thành Tổng công trình sư ở Cục thiết kế Sukhoi và tiếp tục hoàn thiện mẫu Su-27, biến nó thành chiến đấu cơ ưu việt nhất của quân đội Liên Xô.

Giống như khẩu Ak-47 của Mikhail Kalashnikov, chiếc Su-27 của Simonov đã được xem là một trong những vũ khí tiêu biểu cho sức mạnh quân sự Nga. Trong sinh nhật thứ 80 diễn ra hồi năm ngoái. Simonov đã lần đầu tiên có cuộc trả lời phỏng vấn tờ Telegraph của Anh.

Tờ báo đã thể hiện sự khâm phục tài năng của Simonov và đánh giá rất nhiều người sẽ phải “cần tới 2 cuộc đời mới có thể đạt được những điều Simonov đã làm được”. Chính tại cuộc phỏng vấn này Simonov đã hé lộ vai trò của ông trong việc biến Su-27 thành chiếc máy bay hoàn hảo.

“Vũ khí của chúng tôi tới cuộc chơi muộn” - Simonov kể lại - “Chiếc F-15 của Mỹ đã đi vào hoạt động khi cỗ máy của chúng tôi mới chỉ trong giai đoạn thiết kế”. Ngày 20/5/1977, chiếc T-10, phiên bản thử nghiệm đầu tiên của mẫu Su-27, đã cất cánh. Chiếc máy bay này có cánh tam giác lớn, rút ngắn, với hai động cơ tách rời và một cánh đuôi kép. Khoảng 'rỗng' giữa hai động cơ, tương tự loại F-14 Tomcat, vừa có tác dụng như một bề mặt tạo lực nâng phụ vừa có tác dụng che chắn vũ khí khỏi sự phát hiện của radar.

Nhưng bất chấp nỗ lực của các nhà thiết kế và các kỹ sư của Sukhoi, chiếc máy bay này vẫn kém cỏi hơn máy bay Mỹ. Sự phát triển T-10 bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề nghiêm trọng, ví dụ như tai nạn rơi máy bay gây chết người ngày 7/5/1978. Những thiết kế khác được đưa ra thay thế, và một phiên bản đã được sửa đổi rất nhiều có tên gọi là T-10S, cất cánh lần đầu ngày 20/4/1981. Song cả phiên bản này cũng gặp phải nhiều vấn đề kỹ thuật dẫn tới một vụ tai nạn chết người khác vào ngày 23/12/1981.

Người hoàn thiện mẫu Su-27

“Đó là một vụ bê bối thực sự - Simonov kể - Tôi tới cuộc họp của bộ công nghiệp hàng không. Tôi bắt đầu trình bày các báo cáo của mình và giải thích rằng để cải thiện các đặc tính bay của chiếc chiến đấu cơ, chúng tôi sẽ phải chuyển một khoang chứa thiết bị ở bụng lên phần “lưng” máy bay. Khi nghe tới đó, nhà thiết kế máy bay Arkhil Lyulka, con người có bản tính vui vẻ và dễ mến, đột nhiên đứng phắt dậy và hét tướng vào mặt tôi, chửi tôi bằng tiếng Ukraina. ‘Sao anh, Mikhail Petrovich, không về nhà với vợ và bảo bà ấy thử đưa bộ ngực của mình ra đằng sau lưng. Tới lúc đó chúng ta sẽ thấy bà ấy hữu dụng ra sao’”.

Xung đột với các nhà thiết kế chỉ là khởi đầu của mọi chuyện.

Máy bay Su-27

Việc chuyển đổi vị trí của khoang chứa thiết bị có nghĩa toàn bộ phần thân máy bay phải làm lại và chuyện này có thể gây nên một vụ bê bối nghiêm trọng nữa với Viện nghiên cứu khí động lực học/thủy động lực học trung ương liên bang Xô Viết (TsAGI), cơ quan chịu trách nhiệm thử nghiệm mô hình máy bay.

Kết quả là Simonov phải tới làm việc ở TsAGI một cách bí mật, vào các đêm khuya, để các cấp lãnh đạo ở đây không biết ông đang thiết kế và thử nghiệm một bộ khung máy bay mới. Simonov kể rằng ông và cộng sự đã làm việc rất vội vã để cho ra một mô hình máy bay Su-27 cải tiến trông có vẻ chấp nhận được. Điều tuyệt vời là mô hình này đã chứng minh nó chính là mô hình ưu việt nhất.

Simonov đánh giá thời kỳ cải tổ của Liên Xô đã vô tình khiến chiếc Su-27 trở thành chiến đấu cơ hoàn hảo. Việc thiếu tiền trong những năm 1990 đã buộc Sukhoi phải có các động thái tuyệt vọng là bán máy bay ra nước ngoài. Địa chỉ đầu tiên người Nga tìm tới chào hàng là Các tiểu vương Quốc Arab thống nhất (UAE). “Thời điểm đó, không quân của họ do Đại tá Khalid chỉ huy” - Simonov kể - “Ông ta không phải tuýp người mềm dẻo. Sau khi đã nhìn ngắm và lái chán chê chiếc máy bay của chúng tôi, ông ta mới buông lời: “Cũng không tệ, nhưng món đồ chơi này có đánh chìm được một tàu khu trục không”? Đó là một câu hỏi khó bởi để thực hiện một trận không chiến là một chuyện và phá hủy các mục tiêu dưới mặt đất hay dưới nước lại là chuyện khác hẳn.”

Tưởng như câu chuyện tới đó là hết nhưng Simonov đã đề nghị UAE đưa ra các tiêu chí cho chiếc máy bay của họ: “Nếu các anh muốn chiếc máy bay có thể tiêu diệt một mục tiêu ở cự ly 100km, nó sẽ đáp ứng yêu cầu ấy. Nếu các anh muốn nó đánh chìm tàu khu trục, nó cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ”.

Vậy là từ đấy, Su-27 được biến đổi để trở thành một chiến đấu cơ đa nhiệm. Dù người Arab không mua Su-27 bởi chịu sức ép từ phía Mỹ, chiếc máy bay đã được Nga bán cho rất nhiều nước, thu về hàng tỉ USD và Simonov là nhân vật đóng vai trò chính yếu, đã tích cực vận động giúp Sukhoi giành được nhiều hợp đồng xuất khẩu. Được biết trước khi qua đời, Simonov đã từng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga (1999), giải thưởng Lenin (1974) và Huân chương Cờ đỏ.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm