(Bài dự thi) -
Tôi là một người yêu quý gia đình. vì quý gia đình cho nên tôi sinh ra quý cái mâm. bởi vì cái mâm tuy là một vật dụng bình thường trong gia đình, thế nhưng nó lại có vai trò gắn kết các thành viên trong gia đình chí ít mỗi ngày hai, ba lần, mỗi tháng hàng trăm lần, mỗi năm hàng nghìn lần, không khi nào quên, không khi nào bị đứt đoạn.
Khi ta ngồi xuống cái mâm là ta nghĩ ngay đến gia đình, ta nghĩ ngay đến những người thân yêu của ta. Vì yêu quý những người thân của ta, cho nên ta phải luôn luôn để ý chăm sóc cho cái mâm lúc nào cũng được sạch sẽ, thơm tho và hấp dẫn. Ta phải cố gắng làm lụng quanh năm suốt đời, phải đổ nhiều mồ hôi công sức, có khi phải đầu tắt mặt tối, có khi phải xuống bể lên rừng, có khi phải chèo đò lội sông… để lo sao cho trong cái mâm nhà mình ngày nào, bữa nào cũng có cơm dẻo, canh ngọt.
Sau mười năm chiến đấu trở về, ngay từ những ngày đầu tiên, vợ chồng tôi đã ra cửa hàng bách hoá tổng hợp mua một cái mâm nhôm Hải Phòng. (Rất may vợ tôi được công đoàn xí nghiệp quan tâm phân phối cho được mua cái mâm).
Thế là từ hôm đó, mối tình của vợ chồng tôi có một người bạn chân tình chứng kiến. Đó là cái mâm. thế rồi chúng tôi sinh bé Thuỷ, bé Sơn. gia đình nhỏ bốn người của chúng tôi bữa nào cũng quây quần quanh chiếc mâm nhôm Hải Phòng thân thiết ấy. Chiếc mâm nhôm tròn trĩnh, có nước mạ rất bóng. Các con tôi cứ gọi đùa chiếc mâm là chị.,bởi vì chiếc mâm nhôm Hải Phòng có trước rồi mới đến hai con tôi ra đời. Từ bấy giờ đến nay, đã ba mươi lăm năm trời, chiếc mâm nhôm Hải Phòng là chứng nhân bao nhiêu nỗi buồn, niềm vui của gia đình chúng tôi.
Những năm đầu tiên, trong các bữa ăn hàng ngày, trên chiếc mâm hải phòng chỉ có rau dền, mồng tơi, rau muống luộc chấm với nước cua, nước cáy, hoạ hoằn mới có tí thịt, tí cá vụn nấu dưa. nhất là đến thời kỳ khó khăn đói kém, trên mâm chiếc mâm nhôm ấy có hôm chỉ có rau khoai lang và khoai rãi… Nhiều hôm, vợ chồng tôi vừa ăn vừa nuốt nước mắt vào trong, thương các con chẳng có gì bồi dưỡng. những năm ấy là những năm xí nghiệp vợ tôi thua lỗ, còn cơ quan tôi thì đang giảm biên chế. Muời năm quân ngũ đã đào tạo tôi thành một anh chỉ biết có súng và pháo, chẳng biết gì về kinh tế. Đến giai đoạn này, cái yếu kém ấy nó đánh ngay vào cái dạ dày của tôi và của các con tôi. thế rồi đến thời kỳ tôi được cơ quan cử đi học đại học ở Hà Nội. Vợ con tôi lại phải thắt lưng buộc bụng. Lắm hôm tôi về thấy con ngồi bên mâm cơm với bát cơm dưa muối, chân lại đau, nợ lại đuổi, thật đau lòng! Chiếc mâm nhôm Hải Phòng đã chứng kiến bao nhiêu lần lận đận của gia đình tôi.
Nhưng rồi, công cuộc đổi mới của đất nước đã mang lại nhiều đổi thay cho đời sống nhân dân. Một phần vì các con tôi lớn dần, vợ chồng tôi chịu khó lao động chắt chiu, bữa cơm của gia đình dần dần được cải thiện. Bên cạnh chiếc mâm nhôm Hải Phòng, cái nồi đã nở nụ cười tươi tắn. Gạo được nấu trong nồi trước kia là gạo mậu dịch, dần dần được thay thế bằng các loại gạo dẻo thơm hơn, gạo mới có nhiều nhựa. trong chiếc mâm ấy, các món rau lang, rau má, cá vụn nấu dưa, nước cáy pha loãng đã được thay thế dần bằng các món su hào, cải bắp xào mỡ, xào thịt, món trứng, món cá trôi, cá chép, thỉnh thoảng còn có thịt gà, thịt bò nữa… Nụ cười đã dần dần nở rộ thắm tươi quanh mâm cơm gia đình tôi. Không khí gia đình ngày càng đầm ấm, vui vẻ quanh chiếc mâm nhôm Hải Phòng ấy.
Đã ba mươi lăm năm trời rồi, bao nhiêu lần thay bát thay đĩa, thậm chí thay cả nồi nấu cơm, từ nồi đồng, nồi đất, nồi nhôm, nồi áp suất cho đến nồi cơm điện… thế nhưng chiếc mâm nhôm Hải Phòng vẫn còn tròn trặn, sạch sẽ, thơm tho có mặt ngày ngày trong bữa cơm của gia đình chúng tôi. Con gái lớn của vợ chồng tôi giờ đã là cán bộ kỹ thuật của một xí nghiệp, có gia đình và hai con. Con trai thứ của chúng tôi đã là một chàng sinh viên đại học, cán bộ đoàn. Thế mà mỗi khi ngồi vào mâm cơm gia đình, chúng vẫn gọi đùa chiếc mâm nhôm Hải Phòng là “chị mâm” một cách trìu mến.
Ôi, chiếc mâm nhôm Hải Phòng thân thiết làm sao!
Tôi có thể nói không ngoa rằng: Hai trái tim vàng và một cái mâm là khởi đầu của một gia đình. Hai trái tim vàng của chúng tôi và chiếc mâm nhôm từ ngày miền nam hoàn toàn giải phóng đã mở đầu cho gia đình hạnh phúc của chúng tôi.
Ngày ngày mỗi khi ngồi trước chiếc mâm thân thuộc, mỗi thành viên trong gia đình tôi luôn luôn tự nhắc mình phải làm việc hết mình, phải sống thế nào để chiếc mâm thân thuộc không bao giờ phải chứng kiến cảnh người ăn phải nghẹn, phải chan húp những dòng nước mắt...
Ngày mai, những ngày mai, đời sống kinh tế và đời sống văn hoá có nâng lên đến đâu thì gia đình tôi vẫn sẽ giữ mãi chiếc mâm nhôm hải phòng này. chiếc mâm – “chị mâm” đã là một thành viên của gia đình tôi từ ba mươi lăm năm trước.
Phạm Xuân Lâm