Chiếc kén cứu sinh cho các thợ mỏ Chile

16/09/2010 11:02 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 16/9, nhà chức trách Chile đã thông qua mẫu thiết kế một khoang cứu hộ với đường kính 53cm sẽ được dùng để chuyển từng người trong nhóm 33 thợ mỏ bị mắc kẹt ở độ sâu 700m dưới lòng đất lên bề mặt. Đây là tín hiệu vui trong bối cảnh hoạt động cứu hộ vừa gặp sự cố, do một máy khoan siêu tốc dùng để giải cứu các thợ mỏ bất ngờ bị hỏng.

Sau khi trải qua từ 3-4 tháng bị kẹt dưới lòng mỏ than San Jose, 33 thợ mỏ ở Chile sẽ được kéo lên mặt đất thông qua một chiếc “kén” hình trụ khá chật hẹp và mỗi người sẽ chỉ bước lên mặt đất sau một giờ đồng hồ.

Chiếc kén cứu sinh

Đó là những gì người ta đã dự báo về phương tiện giúp giải cứu các thợ mỏ. Một đội kỹ thuật viên từ Hải quân Chile đã bắt tay vào việc xây dựng khoang chở người có hình viên đạn, ở xưởng đóng tàu Maestranzas. Đơn đặt hàng do chính Tổng thống Sebastian Pinera gửi tới và hoạt động sản xuất đang được tăng tốc để nó có thể được sử dụng ngay khi một trong 3 điểm khoan hiện nay có thể chạm tới nơi các thợ mỏ đang mắc kẹt.


Thiết bị giải cứu đang được Hải quân chế tạo
Chiếc lồng thép này có đường kính 54cm, với thành lồng đủ cứng để bảo vệ các thợ mỏ. Nó cũng có phần mái gia cường để chống lại bất kỳ mẩu đá, đất nào có thể rơi xuống, trong quá trình đi lên mặt đất.

Từ tuần này, các thợ mỏ cũng sẽ bắt đầu việc vận động thân thể, nhằm đảm bảo việc họ có đủ sự mảnh mai cần để chui vừa vào lồng cứu hộ. Mỗi người trong số họ sẽ được buộc vào chiếc lồng cao 2,5m ở vị trí thẳng đứng. Việc này nhằm ngăn chặn khả năng thợ mỏ có thể ngất xỉu trong quá trình được giải thoát.

Một hệ thống lái sẽ được sử dụng để chiếc lồng có thể được điều khiển trong suốt quá trình đi lên, qua đó giúp giảm thiểu sự ma sát không cần thiết giữa lồng và thành hố khoan. Một đường dẫn hình ảnh cũng được thiết lập để lực lượng cứu hộ có thể nói chuyện liên tục với thợ mỏ, khi họ đang được kéo lên.

Chiếc lồng cứu hộ còn có các dây cung cấp dưỡng khí và một thiết bị chiếu sáng đặc biệt. Nó cũng có một cửa thoát hiểm và một thiết bị an toàn giúp người thợ mỏ có thể hạ xuống điểm xuất phát, nếu chẳng may họ bị mắc kẹt khi đang được giải cứu. Dự kiến mỗi thợ mỏ sẽ được kéo lên sau khoảng 1 giờ. Hoạt động giải cứu có thể sẽ mất vài ngày.
 
Sự cố xuất hiện

Trong khi hoạt động giải cứu các thợ mỏ vẫn đang được đẩy mạnh, đã nảy sinh những khó khăn đầu tiên. Chile triển khai 3 kế hoạch giải cứu, huy động 3 loại máy khoan đặc biệt. Kế hoạch A sử dụng máy khoan Strata 950, dự kiến khoan một lỗ với đường kính 65cm, xuống độ sâu 702m, vào thẳng hầm trú lánh nạn của các thợ mỏ, với thời gian kéo dài từ 3-4 tháng. Kế hoạch này có ưu điểm là loại máy Strata 950 đã được chứng minh rất hiệu quả khi khoan đá. Tuy nhiên nhược điểm của nó là có thể gây nên các vụ lở đất mới trong quá trình khoan.


Thợ mỏ Chile đã bắt đầu tập thể dục để giữ thân hình thon gọn trước khi được giải cứu
Kế hoạch B sử dụng máy khoan cao tốc Schramm T-130, khoan xuống độ sâu 620m, tới một vị trí cao hơn nơi các thợ mỏ đang lánh nạn hiện nay. Hoạt động này có ưu điểm là khoan nhanh hơn, chỉ mất 3 tháng, yêu cầu khu vực khoan nhỏ. Nhược điểm là kỹ thuật khoan mới này chưa được sử dụng trước đó.

Kế hoạch A hiện đã khoan qua hơn 225m đá, tính tới chiều ngày 13/9 (14/9 giờ VN). Tuy nhiên kế hoạch B bị đình trệ do mũi khoan đâm trúng một thanh rầm thép dùng để làm trụ mỏ San Jose và bị vỡ làm nhiều mảnh. Các kỹ sư bị mắc kẹt với việc xử lý mũi khoan vỡ. 3 lần họ sử dụng nam châm để moi các mũi khoan vỡ lên nhưng không thành công. Họ đã cân nhắc việc bỏ hố khoan này để khoan lại ở chỗ khác. Rất may, lần thứ 4 thử lấy mảnh vỡ, các kỹ sư đã thành công. Kỹ sư trưởng phụ trách hoạt động giải cứu Andre Sougarret nói rằng chiếc khoan sẽ hoạt động bình thường trở lại.

Sức ép tiến độ

Các thợ mỏ bị mắc kẹt Chile đã trở thành những người hùng của đất nước, kể từ thời điểm họ được phát hiện còn sống sau 17 ngày bị mắc kẹt dưới mỏ. Chính phủ Chile đã yêu cầu sử dụng nhiều nỗ lực để mau chóng cứu những người bị nạn. Tuy nhiên không kế hoạch nào có thể cứu họ trước Giáng sinh.

Hiện người ta cũng đã tính tới kế hoạch C và sẽ cân nhắc việc sử dụng một chiếc khoan dầu mỏ trên một nền đất khác lớn hơn. Ưu điểm của phương án C là chỉ đào xuống độ sâu 597 mét nên chỉ mất thời gian từ 2-3 tháng đào, việc khoan bằng ống giúp tăng sự ổn định của mũi khoan. Nhược điểm của nó là lắp đặt cồng kềnh.

Sức ép về tiến độ giải cứu đã tăng lên. Tuy nhiên nhóm giải cứu vẫn không muốn vì tốc độ mà sử dụng những phương pháp quá mạo hiểm. Mới đây họ đã bác bỏ ý tưởng do kỹ sư mỏ Miguel Fort đưa ra. Ông là người đã lãnh đạo hoạt động cứu hộ ngay sau khi mỏ San Jose bị sụp vào ngày 5/8. Fort đã đề nghị được tụt xuống điểm người ta đang khoan trong kế hoạch B và dùng thuốc nổ để đẩy nhanh tốc độ đi xuống.

Tuy nhiên kỹ sư Rene Aguilar, người hiện đang điều phối nỗ lực cứu hộ, đã bác bỏ ý tưởng này. Ông cảnh báo rằng đất đá ở phía dưới mỏ San Jose đã bị lèn rất chặt sau tai nạn, nên không thể dùng thuốc nổ để hất đất đi đâu được. Đó là chưa kể tới nhiều nguy cơ khác còn tồn tại. “Giải pháp thay thế khác là khó khả thi” - Aguilar tuyên bố - “Cần phải nhớ rằng có một khối đất đá nặng 700.000 tấn vẫn đang lơ lửng trên đầu họ”.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm