Chi tiêu cho văn hóa - bài toán nhọc nhằn

23/06/2014 14:10 GMT+7 | Văn hoá

LTS. Tiếp tục bàn về chủ đề khai thác - kinh doanh - đầu tư văn hóa (xem từ TT&VH Cuối tuần số 22 - Kinh doanh khởi nguồn từ văn hóa và số 23 - Phép tính cân bằng kinh doanh và văn hóa), vấn đề chi tiêu/hưởng thụ văn hóa được nhìn từ phía những người thụ hưởng các sản phẩm đặc biệt này (ở đây là người dân, hay công chúng của văn hóa).

(Thethaovanhoa.vn) - TP.HCM hiện có GDP bình quân cao nhất nước (năm 2013 là 4.513 USD, tương đương 95.585.340 đồng), vậy người dân đã đáp ứng đủ các nhu cầu chi tiêu trong đời sống, trong đó có chi tiêu cho văn hóa - nghệ thuật chưa? Đây là chủ đề cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Thế Thanh (nguyên Phó giám đốc Sở VHTT&DL TP.HCM).

“Theo cách tính trên đây, trung bình thu nhập của người dân TP.HCM vào khoảng trên 7 triệu đồng/tháng (đã trừ thuế). Với mặt bằng giá sinh hoạt ở TP.HCM luôn đắt đỏ và chỉ có tăng lên chứ không giảm như hiện nay thì theo cách tính chủ quan của tôi mức thu nhập đó là vừa đủ cho nhu cầu chi tiêu ở mức tối thiểu. Trong cơ cấu chi tiêu này, chiếm phần lớn là các khoản chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại, điện nước. Nếu đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên cho văn hóa thì khoản tiết kiệm sẽ ít lại hoặc không có. Sách hiện nay có giá bán từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng - 400.000 đồng/cuốn. Vé xem phim bình quân là 70.000 đồng. Vé xem kịch giá bèo cũng 80.000 đồng. Vé xem ca nhạc thì gấp đôi…”, bà Nguyễn Thế Thanh nhận định.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh

* Vậy theo bà, cụ thể ở TP.HCM, mức bình quân tối thiểu thế nào thì ổn thỏa hơn?

- Tôi xin không bàn về sự thỏa đáng và ổn thỏa. Còn tùy thuộc cách chi tiêu của mỗi người mà định ra sự “ổn thỏa”. Có người mỗi tháng chỉ kiếm được 4 triệu đồng mà thấy trong căn phòng trọ bé tẹo có sách văn học trên đầu giường, có cái laptop để làm việc, nghe nhạc, xem phim, lại còn đang dành dụm tiền để mua cái smartphone tàng tàng. Áo quần tử tế nhờ mua giảm giá. Giải pháp: ở chật, công trình phụ chung, đi xe bus, mỗi tuần 3 bữa cơm 3 bữa mì gói. Tất nhiên, cái sự “liệu cơm gắp mắm” là đáng khen, nhưng thu nhập ấy đâu phải là “điển hình tiên tiến” để mà tự hào nhân rộng.

* Bà có nghĩ rằng khi đủ tiền thì người ta sẽ lập tức có ngay thói quen chi tiêu cho văn hóa - nghệ thuật?

- Chi tiêu là văn hóa (hiểu theo nghĩa văn hóa là một giá trị). Có người kiếm được 10 đồng chỉ dám chi 4 đồng. Lại có người kiếm được 10 đồng thì chi cả 10, thậm chí chi 11, 12 đồng. Người thì đủ tiền mua vàng hàng tháng nhưng không đủ tiền mua sách hoặc không đủ tiền đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Kẻ thì cả tháng không dám mua món ăn ngon nào quá 100 ngàn đồng nhưng dám bỏ ra vài trăm ngàn đồng mua một cuốn sách được giới thiệu là hay. Có người hễ dư tiền là tính chuyện mua thêm nhà, thêm đất. Kẻ khác thì tích cóp được đồng nào là “nướng” vào tranh, tượng, cổ vật. Cố nhiên, có người vừa mua nhà, đất, vàng và hột xoàn lại vừa mua tranh của họa sĩ nổi tiếng. Và, cũng có những người chuyên “săn” các hoạt động văn hóa có tầm cỡ để tài trợ. Với những người này, khoản chi tiêu ấy thỏa mãn một nhu cầu tự thân: tài trợ cho những hoạt động giúp làm phong phú đời sống tinh thần của con người là cách tiêu tiền có ý nghĩa, là “làm sang” bản thân mình theo nghĩa tích cực.

 Đã đành là “phú quý sinh lễ nghĩa”. Nhưng tôi không tin rằng cứ hễ có tiền thì người ta sẽ chi tiêu (ngày càng nhiều) cho văn hóa - nghệ thuật. Cái làm cho tôi tin hơn đó chính là thói quen tìm đến văn hóa - nghệ thuật như một nhu cầu thăng hoa và soi rọi bản thân mình. Thói quen này hình thành từ trong gia đình, được khích lệ thêm ở nhà trường và các cộng đồng xã hội khác như nhóm nghề nghiệp, nhóm sở thích… Đọc sách, xem phim, xem kịch, nghe nhạc, đi bảo tàng, xem triển lãm tranh là những hoạt động hoàn toàn có thể trở thành thói quen. Khi thực sự có nhu cầu, người ta tự biết cơ cấu chi tiêu để thỏa mãn nhu cầu. Những thói quen tốt nếu được nuôi dưỡng, khích lệ bằng nhiều cách thì nhu cầu được hình thành một cách tự nhiên, tác động tích cực đến đời sống xã hội và thị trường văn hóa.  

* Từ kinh nghiệm quản lý trước đây (ở bộ máy công) và bây giờ (ở bộ máy tư), chị nghĩ để tìm những cá nhân, tổ chức thực sự muốn chi tiêu cho văn hóa - nghệ thuật có dễ không?

- Chưa bao giờ tôi thấy đó là một công việc dễ dàng. Trong khi đi tìm nguồn tài trợ cho các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, cả khi còn làm việc trong khu vực công và ở khu vực tư như hiện nay, có hai đối tượng thường gặp mà tôi luôn tự nhắc mình không được nhầm lẫn.

Thứ nhất, người ta đồng ý tài trợ cho một dự án nghệ thuật mà mình đang mời gọi vì lĩnh vực hoạt động của họ đang cần được sự ủng hộ của cái ngành mà mình là đại diện, vì sự hiện diện của nhiều nhân vật cực kỳ quan trọng trong buổi ra mắt dự án ấy. Những gói tài trợ đôi khi lên tới sáu, bảy trăm triệu hoặc xấp xỉ một tỷ đồng mà công phu để có được cứ nhẹ như bông. Nhầm tưởng các nhà tài trợ hào phóng thuộc nhóm ấy là “fan hâm mộ đích thực của văn hóa - nghệ thuật” để xây dựng kế hoạch đi đường dài với họ trong các dự án khác là ảo tưởng và sẽ từ thất bại đến thất vọng. Sự hào phóng dành cho nghệ thuật sẽ nhanh chóng biến mất khi cái mà họ cần ở đằng sau dự án nghệ thuật không còn nhiều hoặc không còn nữa.

Thứ hai, những người thực sự yêu thích, trân trọng các giá trị nghệ thuật và mong muốn tài trợ cho văn hóa - nghệ thuật thường là những người không quan tâm đến “cái đằng sau” của các dự án nghệ thuật. Ông nào bà nào sẽ tặng hoa cho nhà tài trợ, lên sóng truyền hình trực tiếp hay thu hình phát lại, bảng ghi tên nhà tài trợ và số tiền tài trợ to hay nhỏ… đều không phải là mối bận tâm của họ. Họ cũng chẳng đòi sửa kịch bản, sửa phông sân khấu, sửa phác thảo tượng, tranh, đòi đứng tên đồng tác giả của bộ phim, vở kịch; đòi cảm ơn nhiều lần trên sân khấu và trên báo chí… Cái mà họ đòi là hiệu quả, là tính chuyên nghiệp. Những người ấy không dễ gì mỗi lúc được mời tài trợ lại sẵn sàng chi ngay một đống tiền. Họ cũng có kế hoạch chặt chẽ để mỗi năm có thể tài trợ ít nhất cho một dự án văn hóa - nghệ thuật. Tiền họ kiếm được nhọc nhằn bằng trí tuệ và mồ hôi chứ không phải từ những kẽ hở ngân sách, từ rò rỉ chính sách và từ bổng lộc, đút lót.

Tìm được những người thuộc nhóm thứ hai này không dễ vì họ thường là số rất ít, lại thích ẩn mình trong đám đông. Phải có sự đồng điệu tinh thần, có thực tâm và kiên tâm với sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật mới có thể đến với nhau và bàn câu chuyện chi tiêu cho văn hóa - nghệ thuật từ tiền túi!

GDP & văn hóa

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (ngày 5/12/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cập nhật tỷ trọng nền kinh tế năm 2013 đã đạt gần 176 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 1.960 USD. Còn tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương (ngày 23/12/2013), Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết GDP bình quân đầu người của TP.HCM là 4.513 USD. Theo ông Ngô Văn Quý (Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư) năm 2012, Hà Nội GDP bình quân đầu người là 2.257 USD.

Với GDP này, nếu trong một năm mà người dân có các nhu cầu sau đây thì sẽ chi tiêu hết bao nhiêu tiền? Dưới đây là ước lượng giá mua các sản phẩm văn hóa - nghệ thuật - giải trí - du lịch phổ biến mà TT&VH Cuối tuần lấy bình quân ở mức thấp:

1 chuyến du lịch: 1.500.000 đồng
1 truyền hình cáp/kỹ thuật số: 500.000 đồng
1 Internet/3G/thẻ cào: 1.000.000 đồng
1 cuốn sách: 50.000 đồng
1 vé xem nhà hát lớn: 200.000 đồng
1 vé xem live show/tụ điểm: 150.000 đồng
1 lần đi khu vui chơi: 150.000 đồng
1 lần góp tiền phong trào: 50.000 đồng
2 lần đi phòng trà: 200.000 đồng
2 lần đi hội chợ: 100.000 đồng
3 lần đi hát karaoke: 150.000 đồng
3 vé xem sân khấu: 300.000 đồng
4 vé xem phim: 280.000 đồng
5 DVD (lậu): 50.000 đồng

Tổng cộng: 4.680.000 đồng.

Với GDP bình quân đầu người cả nước là 1.960 USD, tương đương 41.473.600 đồng (tạm quy đổi theo ngày 7/6/2014, từ tỷ giá đưa ra của Vietcombank), thì nhu cầu văn hóa - nghệ thuật - giải trí - du lịch sẽ chiếm khoảng 11,2% tổng thu nhập. Tương tự, TP.HCM sẽ chiếm khoảng 4,9%, Hà Nội sẽ chiếm khoảng 9,79%.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm