06/05/2023 21:57 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Ở Bắc Kinh, chi phí dành ra để nuôi con rơi vào gần 3,3 tỷ đồng, nhưng đó vẫn chưa ra gì so với Thượng Hải khi con số này lên đến gần 3,5 tỷ đồng.
Theo một báo cáo gần đây, Trung Quốc là quốc gia có chi phí nuôi dạy con đắt đỏ đứng thứ hai trên thế giới, vị trí đầu tiên thuộc về Hàn Quốc. Tương tự, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Dân số Wai Yin có trụ sở tại Bắc Kinh ước tính rằng, việc nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc cho đến khi 18 tuổi mất 6,9 lần mức thu nhập bình quân trên đầu người của nước này. Con số này cao gấp 2 đến 3 lần so với Đức (3,64 lần), Pháp (2,24 lần) và Australia (2,08 lần).
Theo đó, một gia đình tại đất nước tỷ dân khi nuôi dạy một đứa trẻ cho đến năm 17 tuổi, 18 tuổi tốn trung bình 485.000 nhân dân tệ (hơn 1,6 tỷ đồng), và nếu đứa trẻ học đại học, chi phí sẽ đội lên thành 627.000 nhân dân tệ (khoảng 2,1 tỷ đồng). Tuy nhiên, có một khoảng cách đáng kể về chi phí chăm sóc trẻ giữa thành thị và nông thôn.
Ở Bắc Kinh, chi phí dành ra để nuôi con rơi vào khoảng là 969.000 nhân dân tệ (gần 3,3 tỷ đồng) và ở Thượng Hải là 1.026.000 nhân dân tệ (gần 3,5 tỷ đồng). So sánh với các gia đình ở nông thôn, cụ thể là Khu tự trị Tây Tạng, chi phí trung bình cần dành ra là khoảng 293.000 nhân dân tệ (gần 1 tỷ đồng) là đã có thể nuôi dạy một đứa trẻ cho đến khi 18 tuổi.
Trong khi đó, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, người lao động Trung Quốc kiếm được trung bình 105.000 nhân dân tệ (hơn 356 triệu đồng) mỗi năm. Làm một phép tính nhỏ có thể thấy, chi phí để nuôi dạy con đến năm con học đại học tại Thượng Hải gấp gần 6 lần thu nhập trung bình người lao động Trung Quốc.
"Choáng" với chi phí sinh con của một bà mẹ Trung Quốc
Bà Wang (tên đã được thay đổi) - một người mẹ Trung Quốc đã liệt kê chi phí sinh con của mình. Người mẹ này nhấn mạnh, đây chỉ là chi phí được ước tính vào năm 2021, số tiền thực tế ở thời điểm hiện tại có thể chênh lên rất nhiều.
Đầu tiên là chi phí sinh con tại các bệnh viện công ở Trung Quốc, bao gồm cả xét nghiệm trước khi sinh và trong khi sinh, thường được bảo hiểm nhà nước chi trả, nhưng nguồn lực tại các bệnh viện công không đáp ứng tốt được nhu cầu hiện nay, nên nên bà Wang đã chuyển sang các phòng khám tư nhân với chi phí hơn 100.000 nhân dân tệ (gần 400 triệu đồng).
Điều kiện gia đình khá tốt nên bà Wang đã thuê một yuesao (bảo mẫu) tại nhà để chăm sóc bà và em bé trong tháng đầu tiên, với giá khoảng 15.000 nhân dân tệ (gần 51 triệu đồng). Ngoài ra, bà Wang cũng hay đến các trung tâm hậu sản đắt tiền, nơi cung cấp các dịch vụ và chăm sóc chuyên nghiệp. Một cơ sở như vậy ở quận Wangfujing của Bắc Kinh có giá từ 150.000 nhân dân tệ (hơn 500 triệu đồng) đến 350.000 nhân dân tệ (gần 1,2 tỷ đồng) mỗi tháng.
Ngoài ra, Bà Wang cũng cho con uống sữa công thức nhập khẩu từ Úc và New Zealand. Khi đến tuổi mầm non, bà gửi con đến học tại một trường mầm non tại Haidian của Bắc Kinh. Những đứa trẻ không đủ điều kiện học trường công vì không có hộ khẩu hoặc giấy phép cư trú, phải học trường tư với học phí từ 40.000 nhân dân tệ (gần 136 triệu đồng) đến 250.000 nhân dân tệ (gần 850 triệu đồng) mỗi năm.
Bà Wang đã đầu tư vào đứa con duy nhất của mình, đăng ký cho con học kèm riêng và tham gia các hoạt động ngoại khóa như lớp học piano, quần vợt hoặc cờ vua. Thậm chí người mẹ này còn ám ảnh với thuật ngữ trong nghĩa vụ làm cha mẹ "jiwa", hay "con gà" - ám chỉ việc cha mẹ hối thúc con bằng cách cho chúng tham gia các lớp học ngoại khóa.
Tóm lại, tính "sương sương" chi phí mà bà Wang dành cho con, chưa đến năm 18 tuổi đã ngót nghét hàng tỷ đồng!
Các biện pháp của chính phủ
Nghiên cứu trên được đưa ra khi dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 61 năm vào năm ngoái và tỷ lệ sinh đạt mức thấp nhất trong 73 năm. Liên Hợp Quốc trước đó cũng báo cáo rằng dân số Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, với dân số khoảng 1,425 tỷ người.
Có thể nói, chi phí nuôi con cao là một trong những yếu tố chính cản trở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tính đến việc sinh con.
Yang Jinrui - một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia, cho biết trong một cuộc họp báo rằng mong muốn có con của những cặp đôi trẻ tuổi đang tiếp tục giảm. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dự định sinh trung bình 1,76 con vào năm 2017, 1,73 vào năm 2019 và giảm xuống 1,64 vào năm 2021.
Trong khi đó, có tổng cộng 8,14 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn vào năm 2020, ít hơn 1,13 triệu so với năm 2019. Đây là năm giảm thứ bảy liên tiếp kể từ năm 2013. Ở một diễn biến khác, với số trẻ sơ sinh là 10,62 triệu vào năm 2021, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc là 1,15, thuộc hàng thấp nhất thế giới.
Liang cảnh báo rằng nếu không có các biện pháp hiệu quả để cải thiện tỷ lệ sinh, đến năm 2040, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ về dân số, thậm chí còn tồi tệ hơn so với Nhật Bản năm 2005. Cho những ai chưa biết, Nhật Bản - nơi được mệnh danh là một đất nước có dân số già, đã trải qua tỷ lệ sinh thấp kỷ lục khoảng 30 năm trước, nhưng nước này đã cố gắng giữ tỷ lệ này ở mức khoảng 1,3 vào năm 2021, trong khi ở Trung Quốc là khoảng 1,15.
Trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc đã có những biện pháp như trợ cấp tiền mặt hàng tháng 1.000 nhân dân tệ (gần 3,4 triệu đồng) cho mỗi đứa con đối với các cặp vợ chồng có hai con và 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu đồng) cho mỗi đứa con đối với các cặp vợ chồng có ba con trở lên. Các khoản trợ cấp nên được trao cho đến khi chúng tròn 20 tuổi.
Liang đề xuất ba biện pháp chính nhằm giải quyết tình trạng này là: Thưởng bằng tiền mặt, trợ cấp nhà ở và trung tâm chăm sóc trẻ em. Chính sách này dự kiến sẽ tiêu tốn 5% GDP của Trung Quốc hàng năm nhưng nó có thể cải thiện tỷ lệ sinh của Trung Quốc ngang bằng với các nước phát triển.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất