Chị em Hà Nội sắm cỗ ngày 23 tháng Chạp: Người đặt mâm tiền triệu về tận nhà, người 'hớt hải' đi chợ từ sáng sớm

09/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Cuối năm nhiều công việc bận rộn nên các gia đình đã lên kế hoạch sắm sửa ngày ông Công ông Táo từ sớm để được chỉn chu và vẹn trọn ý nghĩa nhất.

Nhiều chị em vẫn sẵn sàng đặt cỗ tiền triệu dù thấy giá bán có tăng nhẹ

Năm nay Tết Nguyên đán đến sớm, ngày 23 âm lại quá sát Tết mà nhiều chị em vẫn còn bận bịu với công việc nên cách đặt cỗ sẵn được nhiều người lựa chọn. Chị Hà Trần (nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Mình rút kinh nghiệm từ các năm trước, cứ đến sát Tết là giá nguyên vật liệu leo thang. Năm nay phải đặt từ sớm. Nhưng cuối năm nay giá rau xanh và củ quả cũng thấy tăng mạnh nên địa chỉ đặt cỗ quen của mình cũng báo lại là giá mâm cỗ có tăng lên vài chục ngàn".

Được biết, mâm cỗ mà chị Hà đặt có giá 1,3 triệu gồm 5 món. Một con gà lễ ngâm hoa hồng có giá 570 nghìn, món chim hầm cốm sen Huế có giá 240 nghìn, đĩa xôi gấc giá 90 nghìn, đĩa nem tôm giá 155 nghìn, và thêm món canh măng mực giá 200 nghìn nữa. Một mâm cỗ sẵn sàng chỉ việc bưng lên cúng là xong. Nên dù tốn tiền triệu chị Hà cho biết vẫn vui vẻ đặt để tiết kiệm thời gian mà đủ đầy, vẹn trọn ý nghĩa.

Chị em Hà Nội sắm cỗ ngày 23 tháng Chạp: Người đặt mâm tiền triệu về tận nhà, người "hớt hải" đi chợ từ sáng sớm - Ảnh 1.

Nhiều chị em chọn đặt cỗ ngày ông Công ông Táo để tiết kiệm thời gian và công sức. Ảnh minh họa

Đang công tác tại lĩnh vực ngân hàng, chị Nhung Nguyễn (Đống Đa, Hà Nội) cũng khá quen mặt với dịch vụ đặt cỗ cúng. Chị Nhung cho biết do đặc thù của ngành ngân hàng nên những ngày gần Tết chị bận tối mặt tối mũi, làm từ sáng đến tối, có khi phải tăng ca mới về. Thậm chí cuối tuần vẫn phải làm việc. Tuy chị Nhung không phải là người quá cầu kỳ chuyện cỗ bàn nhưng ngày ông Công ông Táo thì vẫn phải tươm tất, đầy đủ, chu toàn. 

"Để vừa không làm gián đoạn công việc vốn đã bận rộn lại vẫn đáp ứng được mâm cúng đủ đầy thì tôi chọn dịch vụ đặt cỗ online cho nhanh gọn. Hơn nữa đặt sớm thì chọn được giờ đẹp đưa các cụ về trời, đặt muộn thì thời gian giao không như ý, nhiều phát sinh", chị Nhung chia sẻ thêm. 

Nhiều địa chỉ đặt cỗ online cũng chia sẻ ngay từ sau kỳ nghỉ lễ dương lịch đã nhận được nhiều cuộc gọi khảo giá bán mâm cỗ cúng năm nay của khách hàng, nhiều người cũng đã đặt đơn cỗ cho ngày ông Công ông Táo luôn. 

Thời điểm này giá thịt gà, thịt lợn chưa có biến động nhiều. Duy chỉ có rau củ đợt rét vừa qua có tăng giá một chút nên kéo theo mâm cỗ cúng tăng thêm từ 5 - 10%. Còn lại nguồn cung vẫn dồi dào, không có sự thiếu hụt. 

Chị em Hà Nội sắm cỗ ngày 23 tháng Chạp: Người đặt mâm tiền triệu về tận nhà, người "hớt hải" đi chợ từ sáng sớm - Ảnh 2.

Thời điểm này giá thịt gà, thịt lợn chưa có biến động nhiều. Duy chỉ có rau củ đợt rét vừa qua có tăng giá một chút nên kéo theo mâm cỗ cúng tăng thêm từ 5 - 10%. Ảnh minh họa

Tự tay đi chợ về nấu vì mâm cỗ phải chỉn chu từ mùi vị đến hình thức

Chị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ năm ngoái có đặt dịch vụ cỗ online về tận nhà. Đọc menu thấy cầu kỳ từ gà ủ muối, tôm sú chiên trứng muối, chân giò chiên giòn, chim câu hầm hạt sen, giò hoa… khá hấp dẫn nên gia đình cũng hào hứng đặt thử. Tốn tới 2 - 3 triệu đồng/mâm nhưng ăn thì lại thấy không vừa miệng, đồ giao đến từ xa nên xộc xệch không được vừa mắt. Do chủ quan nên chị đặt cũng sát giờ nên gia đình phải cúng ngay, mâm cỗ dâng lên ông bà vì thế mà đồ ăn bị lạnh ngắt. 

Năm nay rút kinh nghiệm, 23 tháng Chạp rơi vào thứ Bảy cũng là ngày nghỉ nên chị Hoa sẽ đi chợ sớm để mua nguyên vật liệu tự nấu tại nhà. Chị Hoa dự định sẽ nấu 5 món là gà luộc, nem thịt, giò lụa (mua sẵn ở chợ), canh măng, bánh chưng hoặc xôi gấc (cũng mua sẵn ở chợ). Dự tính mâm cỗ này hết khoảng 600 nghìn. 

"Tự nấu thì rẻ hơn nhiều mà lại hợp khẩu vị. Năm ngoái thử qua mâm cỗ online có sự biến tấu thì tôi mới nhận ra gia đình mình vẫn thích và hợp khẩu vị với các món cổ truyền hơn. Tôi cũng khảo sát qua vài mâm cỗ cổ truyền năm nay thì thấy đều có giá cao hơn 1 triệu cho đến 2 triệu, chỗ rẻ quá chỉ 500 - 600 nghìn thì đặt lại không mấy yên tâm. Phương án an toàn là tự nấu cho tiết kiệm được lựa chọn". 

Chị em Hà Nội sắm cỗ ngày 23 tháng Chạp: Người đặt mâm tiền triệu về tận nhà, người "hớt hải" đi chợ từ sáng sớm - Ảnh 3.

Năm nay ông Công ông Táo rơi vào ngày cuối tuần nên nhiều chị em tự tay đi chợ về nấu. Ảnh minh họa.

Đồng ý với điều này, Huyền Nguyễn một bà mẹ ba con ở Ngã Tư Sở, Hà Nội cho biết những món ăn sẵn ở cỗ bàn online thấy biến tấu nghe thì hấp dẫn, lạ miệng nhưng khi ăn chưa hẳn đã ngon và hợp khẩu vị với nhiều người. Bố mẹ chồng của Huyền lại là người Hà Nội gốc nên mâm cỗ ông bà rất trọng. 

"Ngày 23 âm rước ông Công ông Táo về trời thì từ sáng sớm là mẹ chồng mình đã ra chợ Vĩnh Hồ mua gà, các nguyên liệu làm món nem, canh măng sườn, mua thêm bánh chưng nữa, cá, đồ cúng,... Rồi về hai mẹ con cùng nấu nướng, lên mâm cúng cho gia đình. 

Năm nào mẹ không đi được thì mình sẽ dậy sớm để đi mua. Nếp sinh hoạt đó đã có từ thời bà về làm dâu, truyền cho mình tới hiện tại nên mình chưa có suy nghĩ sẽ đặt cỗ online bên ngoài. Ngoài ra mình thấy tự nấu cỗ cũng không quá vất vả, đồ ăn lại đảm bảo, hợp khẩu vị nữa".  

Hồng Nhung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm