Nếu ĐT.LA rớt hạng…

12/04/2011 12:50 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - 1. Trước mùa 2011, tôi hỏi bầu Thắng “Nếu ĐT.LA mùa này rớt hạng?”, ông bầu này thản nhiên trả lời: “Thì bình thường thôi, chẳng có gì là ghê gớm cả!”. Thấy tôi ngạc nhiên, ông bầu này phân tích: “Tôi và anh Đoàn Nguyên Đức là 2 người làm bóng đá chuyên nghiệp sớm nhất và cũng có thành tích nhanh nhất, nhưng bây giờ thì cả đội bóng của tôi và của anh ấy đều bị “qua mặt”. Nói thật, đổ tiền làm bóng đá thì chắc gì ai mạnh như tôi với anh Đức, nhưng vấn đề là tôi và anh ấy có chung một suy nghĩ là không đổ tiền bằng mọi giá, không tranh đua để phá thị trường và cũng không làm hại bóng đá bằng đồng tiền ảo…”.

Ông Thắng còn phân tích đến nay ở Việt Nam chưa CLB nào có thể tự nuôi mình. Hầu hết đều là tiền làm ăn có lãi từ công ty mẹ, từ ông chủ đổ xuống để nuôi đội bóng, nghĩa là nhìn các đội bóng sống mạnh nhưng thực chất là họ đang ăn xi măng, ăn sắt, ăn thép, ăn gỗ và cả ăn gạch…

Bầu Thắng (trái) vẫn giữ nguyên quan điểm làm bóng đá theo cách riêng của mình. Ảnh: VSI


Ông Thắng từng đưa ra con số cụ thể trong việc giữ Tài Em ở lại khi ông khuyên cầu thủ này: “Chú có thể chi 6 tỷ để giữ cháu ở lại sân Long An, nhưng đấy là một tiền lệ rất xấu cho một CLB không đốt tiền vào thứ xa xỉ và không phá giá cầu thủ. Vì thế, chú đề nghị cháu nhận 3 tỷ và 3 tỷ còn lại sẽ nhận vào khoản lương trợ lý HLV trong vòng 3 năm mà cháu sẽ có thêm chức danh mới…”.

Tuy nhiên, Tài Em không chấp nhận vì ở N.SG và các đội khác người ta sẵn sàng chuyển hẳn một cục lớn vào tài khoản sau 1 chữ ký.

2. 1 anh bạn làm kinh tế ở châu Âu nhìn vào đời sống các CLB VN và xem 2 trận chuyên nghiệp, 2 trận hạng nhất rồi hỏi tôi: “Ở VN giữa bóng đá chuyên nghiệp và chưa chuyên nghiệp thì thời nào nhiều khán giả hơn?”. Không cần nhận câu trả lời, anh hỏi tiếp luôn: “Bóng đá TP.HCM có 1 đội chuyên nghiệp, 2 đội hạng Nhất và 2 đội hạng Nhì, nhưng có bao nhiêu trung tâm đào tạo bóng đá trẻ?”.

Tiếp theo là câu hỏi về lĩnh vực kinh tế: “Không CLB nào có thể tự nuôi mình nhưng mặt bằng các CLB lại đang phình ra và thị trường mua bán cầu thủ ngày càng tăng. Số âm trong bài toán kinh tế nuôi đội bóng thì các ông chủ đang phải gánh, nhưng rất nhiều người thích nuôi và đầu tư vào đội bóng chứng tỏ làm bóng đá có lãi rất đậm từ tiền lời ngoài bóng đá. Vậy tiền đó ở đâu để các ông chủ rất vui vẻ mở hầu bao nuôi bóng đá mà không có thu từ bóng đá”. Anh bạn này còn kể câu chuyện ở châu Âu có những người đầu tư vào bóng đá và chi rất đậm chỉ để đổi tiền đen thành tiên sạch và bỏ 10 nhận 6 đã là “lời” lắm lắm rồi.

3. Trở lại chuyện nếu ĐT.LA rớt hạng mùa này thì đội bóng này sẽ đi đâu, về đâu. Đó là phần tôi cũng đã từng hỏi ông Võ Quốc Thắng thì ông này thản nhiên nói: “Thì chúng tôi sẽ chơi hạng Nhất và chừng nào đủ lực thì lên chuyên nghiệp chứ không lên bằng mọi giá hoặc giữ hạng bằng mọi giá”. Cái cách nói đấy của ông Thắng chứng tỏ ông vẫn giữ nguyên quan điểm làm bóng đá theo cách riêng của mình như hồi các CLB đang lo chuyển từ Nhà nước sang doanh nghiệp, còn ĐT.LA của ông thì chơi theo kiểu bóng đá doanh nghiệp.

Bây giờ thì chính các doanh nghiệp khác lại chơi bóng đá theo kiểu đổ tiền mà bất chấp lời, lỗ. Chơi để có thành tích và để chuyển tiền từ tay phải qua tay trái. Thậm chí là để có miếng đất giá trị hay để kinh doanh bất động sản, mà nhiều ông chủ đang theo mốt nuôi đội bóng tỉnh và bù lại tỉnh cắt cho mảnh đất vàng hoặc có những chính sách ưu tiên mà doanh nghiệp khác không có được.

Nếu ĐT.LA rớt hạng thì điều đấy hết sức bình thường bởi không phải doanh nghiệp nào làm bóng đá cũng đi cùng 1 lối. Vì thế mà ĐT.LA rớt hạng không đáng lo bằng việc nhiều doanh nghiệp sau khi “vắt” hết từ những “đặc ân của bóng đá” rồi bắt đầu chuyển qua mô hình khác không phải là bóng đá nữa.

Nhiều ông chủ đang thành đạt sau khi có đội bóng nhưng không CLB nào thành đạt từ mô hình bóng đá chuyên nghiệp mà họ đang theo dù nay đã làm năm thứ 11 chúng ta làm chuyên nghiệp.

NGUYỄN NGUYÊN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm