Chết không đáng sợ bằng sợ chết

16/03/2014 09:12 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Kết hợp văn hóa tâm linh của Tây Tạng với các luận thuyết tân kỳ nhất từ khoa học hiện đại Tây phương, Sogyal Rinpoche đã mang đến cho độc giả những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, tường minh về sự sống và cái chết qua tác phẩm Tạng thư sống chết.

Phiên bản cập nhật mới nhất của Tạng thư sống chết (NXB Hồng Đức và Thiện Tri Thức, quý 1/2014) do Thích Nữ Trí Hải dịch, Nghi Thủy, Ngô Phương Từ bổ khuyết vừa được phát hành đã góp phần nâng tổng số bản in lên gần 4 triệu bản qua 36 ngôn ngữ, phát hành tại 80 quốc gia.

Không hề đơn giản để nhận lời khen ngợi từ Huston Smith, người đã viết tác phẩm nổi tiếng, thuộc hàng kinh điển mới, đó là The World’s Religions (Tôn giáo thế giới). Ông không hề khoa trương: “Tôi không gặp cuốn sách nào mà sự tương tác giữa đời sống và sự chết toàn diện, thực tiễn và minh triết hơn”.

Thế mạnh của sách này là ở khả năng sư phạm một cách gần gũi, nên tất cả những vấn đề được xem là khô khan, “khó nhằn” nhất cũng được phân tích hết sức giản dị, ngắn gọn. Bởi lâu nay những sách về chủ đề này không hiếm, nhưng hiếm một nỗi: hoặc chúng thường quá khó với người bình thường, hoặc chúng quá dễ dãi, không chạm đến cội rễ sâu xa.

Bìa sách Tạng thư sống chết

Hơn nữa, các sách về chủ đề này cũng thường được viết với ý định xiển dương và truyền giáo, nên sẽ có sự khác biệt, nghi ngại trong tiếp nhận, bởi các nền tâm linh, tôn giáo, văn hóa vốn khác nhau. Tạng thư sống chết không viết với giọng điệu và mục đích như vừa kể, mà viết với ngôn ngữ tôn trọng sự dị biệt và khác biệt trong quan niệm của từng nền văn hóa, từng tôn giáo. Bởi sách này đề cập đến hai thực tại cốt yếu hơn trong đời mỗi con người, dù họ có tôn giáo hay không, đó là: sống và chết.

Trong chương 13, có tên Giúp đỡ tinh thần cho người sắp chết, Sogyal Rinpoche đưa ra những câu hỏi lớn: “... Phải chăng tất cả chúng ta đều có quyền lúc chết không những xác ta được đối xử với niềm kính trọng, mà còn quan trọng hơn nữa là tâm thức chúng ta? Phải chăng một trong những quyền chính của bất cứ xã hội văn minh nào, là để cho mỗi người trong đó đều có quyền được chết trong sự săn sóc phần tâm linh một cách toàn hảo nhất?”. Cuốn sách, chính vì vậy mà không vẽ ra viễn cảnh thế nào là cái chết, mà chỉ ra: Chết không đáng sợ bằng nỗi sợ chết. Làm sao để đi qua nỗi sợ này một cách thản nhiên và viên mãn là mục đích tối thượng.

Trong lời giới thiệu của đức Dalai Lama thứ 14, có đoạn: “Cái chết và tiến trình chết có thể cung cấp một giao điểm gặp gỡ giữa Phật giáo Tây Tạng và khoa học tân tiến. Tôi tin rằng hai bên có thể cống hiến cho nhau rất nhiều về hiểu biết và thực hành. Thầy Sogyal Rinpoche đúng là người để làm cho cuộc gặp gỡ này thêm dễ dàng, vì thầy đã sinh ra và trưởng thành trong truyền thống Tây Tạng, đã thụ giáo với một vài vị lạt ma tên tuổi nhất của Tây Tạng, đồng thời thầy cũng được hấp thụ một nền giáo dục tân tiến, đã sống và giảng dạy nhiều năm ở Tây phương và đã quen thuộc với lề lối tư duy của người phương Tây”.

Như Hà
Thể thao& Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm