Chèo thờ sẽ chỉ để... thờ! (Kỳ 2)

06/08/2009 15:44 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Như đã phản ánh trong bài viết Về Thanh Hóa xem chèo thờ trên TT&VH Cuối tuần số 30, nghệ thuật chèo thờ ở làng Mưng là cả một kho tàng rất phong phú và đa dạng với chèo cạn, chèo nước mang một đặc trưng riêng, hội tụ tinh hoa của chính vùng đất sản sinh ra nó, hoàn toàn khác với các chiếng chèo trên khắp cả nước. Thế nhưng chèo thờ lại chỉ phổ biến trong “nội bộ làng xã”, chưa thấy một công trình khảo cứu, nghiên cứu nào nhắc đến.

Những mảnh vụn trí nhớ

Chèo làng Mưng có bốn tấn (vở) chèo quý gồm: Tống Trân Cúc Hoa, Thục Vân, Tuấn Khanh, Lưu Quân Bình. Tuy nhiên, do bị ngắt quãng tổ chức khóa chèo cách đây đã quá lâu (1939), lớp nghệ nhân “sành diễn” bốn tấn chèo trên đã là người thiên cổ, lớp kế cận người bập bõm nhớ, người lãng đãng quên nên giờ bốn tấn chèo quý đó chỉ như là những mảnh vỡ trong hệ thống chèo cổ làng Mưng.

Đền làng Mưng

Để minh chứng cho nhận xét này, chúng tôi đã thỉnh xin bốn nghệ nhân là các cụ Lê Huy Dược (87 tuổi), cụ Lê Thị Trản (94 tuổi), cụ Lê Thị Ty (86 tuổi) và bà Nguyễn Thị Dụng (57 tuổi) hợp sức diễn lại một vở trong bốn vở kể trên để ghi âm thì được các cụ đồng ý ngay. Tuy nhiên, cứ được vài câu, người thì dừng trống, người thì gác mõ ậm ờ vỗ mu bàn tay vào thái dương bôm bốp. Thậm chí, ngay cả khi phải nhờ đến chiêu “nhắc chèo”, (người này nếu quên mà người khác nhớ thì nhắc hộ) mà các cụ vẫn không thể hát hoàn hảo được một vở Lưu Quân Bình, nghe nói dài chỉ hơn 10 phút.

Hỏi bà Dụng: “Nghe chừng thấy các cụ hát chèo nhà mình khó quá, nó thật sự khó hát lắm sao?” Bà Dụng gật đầu: “Đúng thế. So với chèo nơi khác đệm bằng “i” để luyến láy cho óng mượt câu hát thì chèo làng Mưng lại dùng “a” ở mỗi đoạn, mỗi câu. Văn trong kịch sử dụng các thể thơ 6/8, thơ 8 chữ cùng những đoạn văn xuôi đối thoại, nhưng phần lớn là sử dụng thể thơ bốn chữ. Thứ nữa là, chèo làng Mưng mặc dù có sử dụng một số làn điệu chèo đồng bằng Bắc Bộ như nói lối, nói sử, hát cách, nhưng chủ yếu sử dụng các làn điệu mang sắc thái địa phương như: Vãn lên đường, Vãn tuyết sương, Vãn khổng, Hát chú tiếu, Hát than, Đào lí một cành, Đò đưa, Nói nhịp một, Hát lão say ... nên khi hát cũng khó vì dù sao người xứ Thanh nói là một đằng nhưng trong hát, ngôn ngữ hay ngữ điệu vẫn phải “như người Hà Nội”.

Trong 28 làn điệu và 4 tấn (vở) chèo làng Mưng, dù phảng phất một số âm điệu giống với chèo nơi khác nhưng tìm hiểu kỹ thì đều mang tính hoàn chỉnh như một ca khúc và tất cả chúng đều mang âm điệu của dân ca Thanh Hoá. Nhạc cụ gõ chủ yếu là trống làm chức năng giữ “trọn bộ chèo Mưng” nhưng vì “bất mãn” khi nom lũ trẻ làng biến chèo quý thành “tam sao thất bản” nên đã đốt sạch, trong đầu chỉ nhớ được phần nào. Các cụ còn sống, nghĩa là chèo Mưng còn sống, nhưng “chỉ sống được” nhờ vào sự lắp ghép từ “những mảnh vụn trí nhớ” của những bộ não đều gần trăm năm tuổi thì liệu rằng, ai dám chắc những điệu chèo quý của làng sẽ được lưu truyền mãi mãi? Một nghệ nhân mất đi, đồng nghĩa sẽ thêm một miếng chèo “bị phân mảnh, vỡ vụn”, mất đi theo. Và nếu như thế, chèo thờ làng Mưng, dù quý đến mấy, có giá trị cỡ nào, kết cục cũng chỉ là những huyền sử u buồn, chỉ là một dấu tích văn hóa để dân làng... “thờ” trong tâm trí nếu như chúng ta vẫn còn... thờ ơ với nó!?

Cần chính sách hỗ trợ nghệ nhân

Chúng ta không nên đỗ lỗi cho thời cuộc khi đất nước bước vào hội nhập, với nền kinh tế phát triển và sự bùng nổ của truyền thông, thông tin, trào lưu của dòng nhạc hiện đại đang ngày càng lấn át, làm cho nghệ thuật chèo truyền thống nói riêng như: tuồng, quan họ, cải lương... nói chung và nghệ thuật chèo thờ làng Mưng nói riêng bị mai một, thậm chí là “chết hẳn”.

Từ trái qua: Cụ Lê Huy Dược, Lê Thị Tỵ, Lê Thị Trản & bà Nguyễn Thị Dụng
những nghệ nhân còn lại của chèo thờ

Ai người làng Mưng cũng đều nhận thức được rằng chèo thờ làng Mưng (cũng giống như chèo Tàu ở Đan Phương, Hà Nội mà TT&VH đã phản ánh) không phải là loại chèo để đưa lên diễn trên sân khấu, đi lưu diễn hàng ngày, “chạy sô” hàng đêm. Việc sân khấu hóa chèo thờ là một điều tối kỵ nếu không muốn nói là một sự xúc phạm đến tín ngưỡng, tập tục bao đời của lãng xã nơi đây. Chèo thờ là loại chèo chỉ để hầu thánh, không yêu cầu phải có khán giả mới mở hội bởi mỗi khi có hội thì khắc người dân cũng tự tụ về xem hội, cũng được tận thưởng các màn diễn, các làn điệu chèo hay như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác...

Từ năm 1985 trở lại đây, ở làng Mưng đã từng và liên tục có nhiều cuộc “hội thảo cấp làng”, tổ chức nhiều cuộc thi toàn xã về nghệ thuật chèo thờ truyền thống nhằm bảo tồn vốn di sản văn hóa phi vật thể này như: “Liên hoan các giọng hát chèo thờ toàn xã” (thường niên); tổ chức điều tra, nghiên cứu mở lớp bồi dưỡng hạt nhân, xúc tiến “phổ cập chèo thờ” vào sân khấu học đường; thành lập các Câu lạc bộ hát chèo thờ với hạt nhân nòng cốt là các nghệ nhân cao tuổi và lớp kế cận, quyết tâm “người làng Mưng phải giữ chèo làng Mưng” bằng cách chia người đi điền dã tìm nghệ nhân và sưu tầm các tài liệu, sách vở có liên quan để tiến tới sẽ khôi phục hoàn thiện chèo thờ...

Tuy nhiên, một khó khăn mà những người làm văn hóa xã nơi đây gặp phải là những nghệ nhân đều đã cao tuổi, còn lớp trẻ hôm nay phần lớn ít biết hoặc chưa biết các làn điệu chèo truyền thống của làng (chứ đừng nói gì đến nghệ thuật chèo của cả dân tộc). Nói như cụ thủ từ đền Mưng thì: “Chúng nó hát thứ nhạc gì ấy, vừa nhố nhăng lời lẽ, vừa sôi động, náo nhiệt đôi khi nghe đến là dở hơi, không thể bằng... chèo thờ của cha ông chúng nó được mà vẫn cứ hát lấy được...”.

Hiện nay Nhà nước (và hầu hết các địa phương) còn chậm trong việc phong tặng nghệ nhân. Thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích nghệ nhân là việc làm không thừa và cũng chẳng thiệt. Tôn vinh nghệ nhân văn hóa sống là tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống đang nằm trong con người họ, không chỉ có có lợi cho hôm nay, cho riêng ai mà cho mai sau, những thế hệ trẻ kế cận những tinh hoa, những giá trị văn hóa dân tộc để giá trị văn hóa dân tộc ấy không bị mất đi ngủ vùi vào quên lãng. Đối với chèo thờ làng Mưng, chú trọng tới các nghệ nhân, bồi dưỡng giới trẻ có triển vọng, duy trì các làng, các CLB chèo thờ truyền thống nhằm bảo tồn được những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc là một quá trình lâu dài, bền bỉ, nhưng nếu không làm nhanh thì, như đã nói, chèo thờ sẽ chỉ “để thờ” mà thôi...

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.
 
Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm