(TT&VH) - Sau hơn một tháng chia tay mối tình với Milan và được bổ nhiệm vào chiếc ghế HLV Chelsea, mãi đến hôm qua, Ancelotti mới có cuộc họp báo ra mắt. Nhưng thay vì đề cập đến sự chờ đợi của mình ở cương vị mới, những khó khăn có thể gặp phải khi chuyển từ Serie A sang Premier League, quan điểm về chiến thuật..., Ancelotti dành gần hết thời gian của buổi ra mắt để làm rõ tương lai của John Terry.
Sự quyết tâm của Man City trong vụ theo đuổi Terry là có thật. Ở kỳ chuyển nhượng mùa Đông vừa qua là lời đề nghị 25 triệu bảng. Một tuần về trước là 30 triệu bảng. Chỉ vài ngày qua, giá đề nghị lần lượt được nâng lên 35, rồi 40 triệu bảng. Trong khi đó, mức luơng mà Man City hứa trả cho Terry cũng tỷ lệ thuận với số lần hỏi mua, để rồi hiện đang tạm dừng ở con số 200 nghìn bảng tuần, tức hơn đến 60 nghìn bảng/tuần so với mức lương hiện tại của Terry ở Chelsea. Có lẽ, Man City là đội bóng duy nhất (nếu có thêm kẻ thứ 2 thì chỉ có thể là Real Madrid) dám xách vali đến Stamford Bridge để hỏi mua trung vệ số 1, thủ quân và biểu tượng của một đội bóng thuộc quyền sở hữu của tỷ phú Abramovich.
Terry là biểu tượng của Chelsea
Man City không hề ảo tưởng khi theo đuổi Terry. Cơ sở của họ tất nhiên là tiền bạc, sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán nhiều tiền đến mức Chelsea của Abramovich thời tiêu hoang nhất vẫn không sánh bằng. Trong lịch sử, chưa có đội bóng nào dám chi ra 40 triệu bảng để mua một cầu thủ sẽ tròn 29 tuổi vào tháng 12 tới đây và cái giá ấy đã khiến phía Chelsea phải suy nghĩ. Mức lương đề nghị 200 nghìn bảng/tuần, ngang bằng với Ronaldo của Real Madrid, cũng khiến bản thân Terry phải cân nhắc. Ký hợp đồng có thời hạn 5 năm với Man City, Terry sẽ có thể từ giã sự nghiệp ở tuổi 34 và thoải mái hưởng thụ núi tiền hơn 50 triệu bảng. Trong thời buổi mà các siêu sao đua nhau nhạy theo tiếng gọi của đồng tiền, một cầu thủ "thiên thần" như Kaka không ngần ngại chạy sang Real Madrid dù vài tháng trước đó còn đứng trên cửa sổ thể hiện tình yêu bất diệt với người hâm mộ Milan... thì quyết định đến Man City của Terry (nếu có) sẽ không phải là cú sốc gì ghê gớm lắm.
Nhưng Chelsea hiểu rằng họ không thể bán Terry. Bán anh tức là bán đi quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Tính biểu tượng
Nếu Terry ra đi, Chelsea sẽ không gặp quá nhiều khó khăn để lấp vào khoảng trống ở vị trí trung vệ. Hiện tại, đội hình của họ vẫn đang sở hữu nhiều trung vệ đẳng cấp cao như Carvalho (Inter của Mourinho rất khát khao sở hữu anh), như Alex (đã tiến bộ rất nhiều trong thời gian qua) hay một Ivanovic đa năng. Nhưng họ sẽ không dễ dàng tìm thấy một thủ quân như Terry, một thủ lĩnh từ phòng thay đồ đến sân cỏ, một vị chỉ huy mà tiếng nói của anh có thể lấn át thái độ kênh kiệu của hàng loạt ngôi sao. Và đặc biệt, nếu bán đi Terry, Chelsea sẽ đánh mất biểu tượng của đội bóng. Terry đã gắn bó với Chelsea từ năm 14 tuổi, đã trải qua mọi thăng trầm của CLB, đã nếm trải những khó khăn của cái thời Abramovich chưa đặt chân đến. Anh là cầu thủ duy nhất được mọi CĐV Chelsea yêu mến và kính trọng.
Là một HLV đến Chelsea từ Milan, nơi có một Paolo Maldini dâng hiến trọn 24 năm sự nghiệp của mình cho San Siro, Carlo Ancelotti thừa hiểu vai trò của tính biểu tượng. Đó là lý do ngay trong cuộc họp báo ra mắt, ông khẳng định quyết tâm giữ chân Terry: "Tôi nghĩ John Terry là biểu tượng của đội bóng này. Cậu ấy mãi mãi là đội trưởng của Chelsea, như Maldini ở Milan. Chelsea đã nhận được lời đề nghị từ phía Man City, vốn đã đưa ra cái giá rất lớn. Nhưng không có cái giá nào dành cho trường hợp của Terry. Cậu ấy không phải để bán. Cậu ấy đã gặp tôi và nói rằng muốn ở lại".
Thực ra, không cần Ancelotti can thiệp, ông chủ Abramovich cũng được giá trị của Terry, giá trị của tính biểu tượng. Đó là lý do khi Chelsea vô địch Premier League mùa 2004-2005, lần đầu tiên sau 50 năm chờ đợi, Abramovich đã khoác vai Terry trong lễ ăn mừng. Đó là lý do khi giữa Mourinho và Terry xuất hiện mâu thuẫn không thể dàn xếp, khiến Terry tìm đến BLĐ và yêu cầu được ra đi, Abramovich đã không ngập ngừng sa thải Mourinho dù vị HLV Bồ Đào Nha là kiến trúc sư của thành công.
Trong lần đầu tiên gặp Ancelotti, Abramovich đã thổ lộ ông muốn xây dựng một Chelsea theo mô hình của những Barca, Milan, Liverpool hay M.U. Barca hiện tại có Puyol và trước đó chính là Guardiola. Milan không bao giờ thiếu cầu thủ-biểu tượng. Liverpool đang sở hữu Gerrard và Carragher. M.U thì có hàng loạt cầu thủ gắn bó suốt đời với CLB, mà điển hình là một Ryan Giggs đã chơi hơn 800 trận trong màu áo Đỏ. Bởi thế, "Terry không phải để bán".
Nổi cáu vì Man City
Những lời hỏi mua Terry liên tiếp từ Man City khiến Chelsea phát cáu. Nhưng thái độ tức giận ấy đã khiến Chelsea bị giới truyền thông Anh chỉ trích gay gắt. Chính bản thân Chelsea đã xây dựng đội bóng hiện tại bằng cách "rút ruột" cầu thủ trụ cột của hàng loạt đội bóng khác, trừ mỗi trường hợp của... Terry. Cách thức tiếp cận của Chelsea trong các thương vụ ấy cũng không được "đàng hoàng" cho lắm. Điển hình nhất là vụ "đi đêm" với Ashley Cole, tiếp cận với hậu vệ trái này mà không có sự đồng ý của CLB chủ quản Arsenal, để rồi hậu quả là Chelsea bị phạt 300 nghìn bảng, Mourinho 75 nghìn, Cole 75 nghìn và người đại diện của anh, Jonathan Barnett, cũng phải nộp phạt với số tiền lên đến 100 nghìn bảng tuần. Còn trong vụ theo đuổi Terry, Man City đã tôn trọng mọi thủ tục bắt buộc. Họ đàng hoàng đi cửa chính, đưa ra các lời đề nghị bằng giấy tờ, và chưa một lần tiếp cận với đối tượng Terry.
Ancelotti: Chelsea không vội mua cầu thủ
Ngoài vấn đề Terry, Ancelotti đề cập đến hoạt động chuyển nhượng của Chelsea ở mùa Hè này. Ông thông báo Zhirkov, Daniel Sturridge và Ross Turnbull là những bản hợp đồng mới của Chelsea trong khi khẳng định Carvalho và Deco chưa đi đâu cả. Ancelotti thừa nhận Chelsea cần bổ sung vài gương mặt mới nữa, nhưng họ sẽ không quá vội: "Đội hình hiện tại của Chelsea vốn có chất lượng cao. Thời hạn của TTCN còn gần 2 tháng và nếu điều kiện thuần lợi, chúng tôi sẽ bổ sung 1, 2 cầu thủ đẳng cấp cao". |
ĐỨC LỘC