Chelsea khởi đầu thuận lợi ở Premier League: Nguy cơ từ sự hoàn hảo

26/09/2009 07:32 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH cuối tuần) -  Tuần trăng mật đang ngọt ngào với Carlo Ancelotti. Hoàn hảo trên mọi mặt trận. Bỏ qua “giải phong trào” Carling Cup hay vòng bảng nhạt nhẽo của Champions League, hình ảnh cỗ máy chiến thắng màu xanh thực sự rõ nét nhất ở Premier League với chuỗi sáu trận thắng. Và nếu như những đối thủ kém cỏi trước đó chỉ đóng vai làm nền, màn trình diễn 3-0 vừa qua trước Tottenham minh chứng Chelsea thực sự hùng mạnh.

Roman Abramovich hẳn phải hài lòng dù mãn nguyện thì có lẽ chưa. Không chỉ bởi chẳng danh hiệu nào được trao sau hơn một tháng cả mà còn bởi những chiến thắng của Chelsea có phần thiếu vẻ đẹp vốn là giấc mơ của tỷ phú người Nga. Đơn cử ngay trận derby London vừa qua, dù đó là tỷ số áp đảo song nếu là một fan trung lập, bạn sẽ ngáp không ít lần, nhất là vừa thưởng thức trước đó bữa tiệc derby ngoạn mục ở Old Trafford.

Patrick Barclay, bình luận viên bóng đá nổi tiếng của tờ Times gọi đó là một Chelsea “lạnh lùng”. Đúng vậy. Họ chẳng bị tác động bởi những xôn xao ngoài lề như án phạt chuyển nhượng từ FIFA hay chuyện Giám đốc điều hành Peter Kenyon khăn gói ra đi. Họ chẳng băn khoăn khi có lúc, đối thủ như Tottenham lấn lướt và tạo được không ít cơ hội nguy hiểm đầu trận. Chelsea vẫn giữ vững lí trí, chiến thuật và chờ đợi cơ hội cho mình. Đó chưa phải là một “The Blues” lộng lẫy về phong cách. Nhưng đó là một “The Blues” đang luôn biết cách chiến thắng. Người ta nhớ lại thời Jose Mourinho, song có lẽ hiện tại còn hơn thế khi nó được bổ sung thêm chất Ancelotti.

Carlo Ancelotti đứng sau sự khởi đầu hoàn hảo của Chelsea

Không có nhiều biến đổi trong chiến thuật dù báo chí có bình luận nát ngòi bút về hàng tiền vệ “kim cương” hay “cây thông”. Thực tế, Chelsea vẫn mang dáng dấp chặt chẽ quen thuộc mà nét mới có chăng chỉ là vài xáo trộn vị trí của những tiền vệ thuộc diện “đá đâu cũng tròn vai”. Sự khác biệt rõ rệt nhất chính là cuộc hồi sinh của những Didier Drogba hay Ashley Cole. Nhất là Drogba. Không chỉ ghi bàn mà còn kiến tạo, luôn bùng nổ và đe dọa khung thành đối phương, tiền đạo này đã trở lại hình ảnh dũng mãnh như dưới thời Mourinho. Huấn luyện viên nào có lẽ cũng mong sở hữu một Drogba bùng nổ như vậy. Và công lớn thuộc về Ancelotti. Với mẫu ngôi sao cá tính như Drogba, điều tốt nhất để phát huy tối đa khả năng là có một nhà cầm quân ủng hộ anh ta đến mức tiêu cực! Hãy nhớ lại Mourinho bọc Drogba trong những lời khen nhung lụa ra sao. Guddink cũng vậy. Và Felipe Scolari thất bại cũng chính vì cách đối xử sai lầm với “Voi rừng” khi loại Drogba khỏi đội hình.

Một Drogba xông xáo đem lại nhiều lợi ích cho Chelsea, đặc biệt mở rộng không gian tung hoành cho các tiền vệ khuynh hướng tấn công như Frank Lampard, Michael Ballack, Deco…Nó giúp chứng tỏ những nghi ngại về chiến thuật thiếu chiều rộng của Ancelotti đang là sai lầm. Các hậu vệ cánh Jose Bosingwa cùng Asley Cole đang hoạt động tưng bừng cùng Drogba mà một ví dụ rõ nét là bàn thắng khai thông trong trận derby. Bosingwa di chuyển tạo khoảng trống cho Drogba thoải mái tạt bóng để Cole lao lên như tiền đạo, đánh đầu tung lưới Tottenham.

Dường như không có khiếm khuyết nào với Chelsea lúc này. Họ hội tụ đầy đủ sức mạnh, kỹ thuật, chiến thuật, quyết tâm và sự bùng nổ từ các cá nhân. Họ đang mang dáng dấp không thể thất bại. Vậy thì còn chờ gì mà không trao quách cho Ancelotti luôn chức vô địch?

Tháng Năm hãy còn xa

Lịch sử cho thấy một khởi đầu hoàn hảo không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với một tháng Năm hạnh phúc. Mùa 1985-1986, M.U thắng 10 trận đầu nhưng họ không những không vô địch mà còn kết thúc mùa giải ở vị trí thứ tư, kém đội đầu bảng Liverpool tới 12 điểm. Mùa 1978-1979, Nottingham Forest không thua trận nào cho đến đầu tháng 12 nhưng rốt cuộc Liverpool vô địch còn Forest kết thúc cuộc đua kém ngôi đầu tới tám điểm dù thua ít hơn một trận. Mùa 1990-1991, đến lượt Liverpool tưởng như trên con đường chinh phục vinh quang sau khi thắng giòn giã tám trận đầu và không thua cho đến tận tháng 12 nhưng cuối cùng, Arsenal mới là số một với khoảng cách lên đến sáu điểm. Mùa 1994-1995, Newcastle mở màn với chuỗi 17 trận bất bại nhưng kết thúc ở vị trí thứ sáu. Tình cảnh tương tự với Arsenal mùa 2004-2005, họ không thua đến trận gặp M.U cuối tháng 10 và rồi cuối mùa, Arsenal kém Chelsea vô địch đến 12 điểm.

Lí do tại sao? Trong nhiều trường hợp, giấc mơ hồng có thể thành ác mộng vì yếu tố tâm lý. Khởi đầu ngoạn mục vô tình tạo nên sức ép quá lớn khiến sau khi chịu một cú sốc, họ không gượng dậy nổi. Thành tích hoàn hảo kết thúc cũng là lúc có thể mở màn cho một bi kịch. Sau 10 trận toàn bích mùa 1985-1986, M.U chỉ thắng thêm 10 trong 32 trận kế tiếp. Sau bước đà ngoạn mục mùa 1994-1995, Newcastle thất bại và rồi rơi vào nhịp cứ 16 trận mới có hai trận thắng!

Điều nguy hiểm cho sự hoàn hảo là bạn sẽ căng sức duy trì nó, bạn sẽ hiểu rõ hơn ai hết rằng không có gì tốt hơn để phấn đấu. Với một khởi đầu chệch choạc có hòa có thua, bạn luôn có mục tiêu để hướng tới là hoàn thiện hơn. Tất nhiên cũng có ngoại lệ như mùa giải bất bại của Arsenal. Song dường như đó cũng là một nghiệp chướng cho họ khi chuỗi 49 trận ngoạn mục đó kết thúc, Arsenal không lần nào vô địch được nữa. Phải chăng chuỗi bất bại đó đã đặt một tiêu chuẩn không thể vươn tới nữa cho Arsenal? Phải chăng nó tác động đến tiềm thức của các cầu thủ rằng họ sẽ không thể chơi hay hơn, không thể lặp lại được màn trình diễn ấn tượng đó?

M.U có thói quen khởi đầu chậm chạp, bùng nổ sau Giáng sinh và duy trì sự thống trị đến tháng Năm. Đó được cho là chiến thuật tốt nhất để vô địch trong một cuộc đua đường trường, giống như các VĐV điền kinh cự ly dài. Trong cả ba mùa đăng quang vừa qua, M.U luôn thua nhiều hơn hai trận so với đội nhì bảng nhưng chiến thắng chung cuộc nhờ hòa ít hơn. Nó chứng minh thua một vài trận không phải là thế giới sụp đổ. Thực tế, thất bại nhiều khi mang ý nghĩa tích cực giúp đội bóng trở lại mặt đất và xốc lại tinh thần chiến đấu.

Ngay cả lịch sử Chelsea cũng cho thấy không phải khởi đầu siêu mạnh là điều hay. Mùa giải đẹp đẽ nhất với Stamford Bridge là 2004-05 dưới thời Mourinho. Họ vô địch một cách nhẹ nhàng và chỉ thua duy nhất 1 trận. Tuy nhiên, trong bảy trận đầu Chelsea hòa tới hai và thua trận duy nhất đó ở vòng 10 trước Man. City. Đó là một khởi đầu xuất sắc nhưng không hoàn hảo.

Có thể, những bài học quá khứ kể trên chỉ mang tính thống kê hay tư liệu tham khảo. Có thể, thử thách tâm lý chỉ là chuyện nhỏ với cỗ máy chiến thắng hiện nay. Nhưng có một nguy cơ khá rõ phía trước cho tham vọng vô địch của Chelsea là CAN 2010 đầu năm tới. Ở thời điểm M.U thường bứt phá nhất, Chelsea phải chịu thiệt thòi mất nhiều trụ cột quan trọng như Didier Drogba hay Michael Essien về phục vụ ĐTQG. Cộng thêm lệnh cấm chuyển nhượng từ FIFA khiến không thể mua sắm, bài toán lực lượng sẽ hóc búa với họ.

Từ giờ đến lúc đó, liệu Chelsea có còn bất bại không? Biết đâu, những đối thủ chính của họ như M.U cần lo ngại nếu Chelsea hòa hay thua trong thời gian tới!!! Bóng đá hoàn toàn có thể là trò chơi éo le như vậy…

Liệu có số 10 hoàn hảo?

Từ giờ đến hết tháng 10, Chelsea còn bốn trận nữa để lập kỷ lục 10 trận thắng hoàn hảo đầu mùa. Cụ thể:

1. Wigan - Chelsea (26/9): Một chuyến đi với phương Bắc được dự đoán không mấy khó khăn cho họ.

2. Chelsea- Liverpool (4/10): Trận “Big Bang” đầu tiên của Ancelotti ở Premier League. Đáng lưu ý, bốn ngày trước đó, Chelsea sẽ có chuyến du đấu đầu tiên ở Champions League, làm khách trước Apoel Nicosia.

3. Aston Villa - Chelsea (17/10): Đội bóng của Marin O’Neill đã lấy lại hình ảnh thách thức như đầu mùa giải trước. Đây sẽ là bài kiểm tra thực sự cho Chelsea và có thể khiến họ đánh rơi những điểm đầu tiên mùa này tại Villa Park.

4. Chelsea- Blackburn (24/10): Sẽ là một cú sốc thực sự nếu Chelsea không kiếm được trọn vẹn ba điểm.

Vòng 7

Thứ Bảy (26/9), 18h45: Portsmouth - Everton; 21h00: Birmingham - Bolton, Blackburn - Aston Villa, Liverpool - Hull, Stoke - M.U, Tottenham - Burnley, Wigan - Chelsea; 23h30: Fulham - Arsenal.

Chủ nhật (27/9), 22h00: Sunderland - Wolves.
 
Trung Sơn (Hong Kong)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm