05/09/2023 15:04 GMT+7 | GenZ
Với mong muốn kiếm càng nhiều tiền càng tốt, nhiều bạn trẻ sẵn sàng chọn nghề chạy xe ôm dù chẳng liên quan những kiến thức đã được học ở đại học.
Câu chuyện về sinh viên ra mới trường liền lao đầu đi chạy xe ôm công nghệ vẫn luôn nhận được sự qua tâm kể cả trong cộng đồng lẫn ngoài đời. Dù biết thu nhập cao là tốt, song chê lương khởi điểm 7, 8 triệu đồng, chăm chỉ dãi nắng dầm mưa với nghề tài xế liệu có phải lựa chọn đúng đắn cho tương lai?
Chê lương văn phòng, chạy xe ôm vì lương khởi điểm cao
Thu nhập trung bình của tài xế xe ôm công nghệ là từ 50 nghìn - 60 nghìn đồng/ giờ, mỗi ngày làm 8 tiếng đều đặn thì một tháng có thể kiếm được khoảng 12 triệu đồng. Trong khi lương dân văn phòng mới đi làm chỉ tầm 8.000.000 đồng, có những nơi còn chỉ trả 5.000.000 lương cứng.
Khi phải sống tự lập hoàn toàn, tự chi trả chi phí ăn ở thì mong muốn kiếm tiền sẽ càng lớn hơn. 8 triệu đồng có thể đủ sống, nhưng không dư dả để đáp ứng thú vui, sở thích hay là nhu cầu ăn mặc, mua sắm, vui chơi của bản thân. Vậy nên nhiều bạn trẻ chọn công việc nhiều tiền, ít nặng đầu là làm tài xế cũng chẳng có gì lạ. Thậm chí sinh viên chưa ra trường khi kiếm việc làm thêm cũng thi nhau chạy xe ôm công nghệ thay vì làm việc ở quán cà phê, quán ăn hay chọn việc part-time đúng chuyên ngành để tích lũy kinh nghiệm, đơn giản là vì dễ làm hơn, thời gian linh hoạt mà vẫn có tiền.
Thế nhưng dù tràn đầy khí thế kiếm tiền nhưng lãng phí tấm bằng năm đại học để làm một nghề không liên quan, thậm chí không có định hướng phát triển trong tương lai là vấn đề đáng e ngại.
Sướng hay khổ, tương lai sẽ trả lời
Nếu chạy xe ôm công nghệ chỉ cần đầu tư một chiếc xe máy và 1 cái điện thoại, năm đầu tiên bạn có thể kiếm được 12 triệu đồng mỗi tháng - cao hơn hẳn so với bạn bè trang lứa. Nhưng nhiều năm sau, bạn vẫn sẽ chỉ có mức đó, khác mỗi chiếc xe có phần cũ kĩ, xuống cấp hơn, sức khỏe có lẽ cũng bị bào mòn bởi cường độ làm việc cao, suốt ngày phải ra đường mà "cày cuốc".
Còn nếu ngay từ đầu chịu lương thấp hơn, đổi lại bạn sẽ được nhận nhiều giá trị. Đó là được va chạm, mở rộng tư duy và kiến thức để ngày càng tự tin, chuyên nghiệp hơn và dần thành chuyên gia trong lĩnh vực mình làm. Bạn cũng được gặp gỡ những người giỏi, không chỉ được hỏi từ họ mà còn tạo thêm nhiều mối quan hệ chất lượng giúp ích cho sự nghiệp sau này, hoặc chính bạn cũng có thể thành "đàn anh đàn chị" dẫn dắt các hậu bối vào sau.
Những công việc văn phòng, trí óc thường có lộ trình thăng tiến rõ ràng. Từ thực tập sinh sẽ được làm nhân viên chính thức rồi dần dần phát triển lên vị trí chuyên viên, trưởng nhóm, trưởng phòng, trưởng bộ phận, giám đốc..., chỉ cần bạn có năng lực.
Vị trí và vai trò cao hơn đồng nghĩa với tiền lương tăng lên, trong vài năm đạt con số 20 - 30 triệu đồng không phải là khó. Thậm chí, nếu bạn đủ giỏi, bạn có thể nhận làm thêm các dự án bên ngoài. Khi đó không phải là tiền lương nữa mà là thu nhập - con số không định ước được nhưng hiển nhiên sẽ đem lại nhiều tiền hơn mỗi tháng.
Hơn nữa, bạn có sẽ không bị nản khi mỗi ngày đều lặp đi lặp lại việc chạy xe ngoài đường chở khách? Khi không còn đủ sức khỏe để dầm mưa dãi nắng hoặc chán muốn đổi việc thì lúc đó bạn cũng không còn trẻ, lại chẳng có kinh nghiệm nên rất khó để được nhận làm. Vậy nên làm văn phòng có thể khởi điểm không cao như tài xế công nghệ nhưng quan trọng là trong tương lai, bạn có thể tạo nên thu nhập gấp 3, 4 lần mức lương cũ, đó là tầm nhìn dài hạn.
Còn nếu làm nhiều năm mà vẫn dậm chân tại chỗ, không bằng lương tài xế thì có lẽ bạn phải xem lại mình. Nhìn xem mình đã thực sự cố gắng hay chưa, có chịu khó học hỏi và quyết tâm hết sức với công việc không, hoặc đơn giản là mình có phù hợp với công việc đang làm không.
Lương thấp hay cao thì nghề nào cũng khó
Công việc nào cũng đều có ý nghĩa cho xã hội và cũng có cái khó riêng. Làm văn phòng tưởng sung sướng vì suốt ngày ngồi điều hòa mát lạnh, môi trường sạch sẽ nhưng áp lực KPI, deadline, họp hành, phải ganh đua với đồng nghiệp nên thường xuyên mệt mỏi, căng thẳng thì không ai thấu.
Còn chạy xe ôm công nghệ tưởng đơn giản, không cần bằng cấp cũng làm được nhưng mấy ai chịu khổ được mà ở ngoài đường suốt ngày? Đó cũng là công việc đòi hỏi tính kỷ luật và tự giác cao vì không máy chấm công nào nhắc tài xế phải gác lại giấc ngủ mà ra ngoài kiếm tiền, bữa ăn cũng vội vàng bên lề đường, sợ nhất là ốm đau, chẳng dám nghỉ ngơi vì cứ dừng xe là không có tiền.
Vậy nên chạy xe ôm có thể là công việc tạm thời để có đồng ra đồng vào nhưng không nên là công việc ổn định. Khát khao tăng thu nhập là tốt, nhưng vất vả 12 năm đèn sách thêm 4 năm đại học thì hãy làm gì xứng đáng với công sức học tập. Tận dụng tri thức để kiếm tiền mới là con đường dài và bền vững.
Ai cũng có quyền lựa chọn hướng đi cho mình nhưng chọn nghề không đơn giản chỉ là thấy kiếm tiền trước mắt là lao vào mà cần tính toán cơ hội cạnh tranh và lộ trình thăng tiến trong tương lai gần và xa. Hy vọng rằng các bạn trẻ, đặc biệt là độc giả của YAN sẽ luôn tỉnh táo khi quyết định tương lai, nếu ai muốn bỏ việc hiện tại để làm tài xế xe ôm thì hãy nghĩ lại thật kỹ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất