Chầu văn “ứng cử” di sản thế giới: Liệu có rơi vào cảnh “xác mất hồn”?

09/11/2012 08:15 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Là hình thức lễ nhạc gắn chặt với hầu đồng, việc “tách rời” chầu văn khỏi hình thức văn hóa - tâm linh này liệu có thuyết phục được UNESCO trong trường hợp chúng ta muốn xin danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?   

Một cuộc trình diễn chầu văn vừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội, trong đó hầu đồng trở thành tâm điểm của chương trình. Thực tế, từ cách đây ba năm, hầu đồng là khái niệm được giới chuyên môn nhắc tới trong kế hoạch đệ trình lên UNESCO. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, ý tưởng này không trở thành hiện thực. Bởi vậy, giữa năm 2012, thay cho hầu đồng, “nghi lễ chầu văn” là cái tên được Bộ VH, TT&DL đưa vào danh sách lập hồ sơ xin xét tặng danh hiệu Di sản phi vật thể quốc gia (và sau đó, có thể trình lên UNESCO để xin danh hiệu cấp thế giới).

Bỏ “đồng”, “văn” vẫn không... mất gốc?

Thực tế, UNESCO luôn công nhận những hiện tượng văn hóa nguyên gốc, phản ánh đủ những giá trị lịch sử, tín ngưỡng... của cộng đồng dân cư. Vậy, nếu “ứng thí”, nghi lễ chầu văn có vượt qua được những tiêu chí khắt khe này khi tách khỏi cái gốc hầu đồng, nơi “khai sinh” ra mình?

“Quả thật, hát chầu văn là một trong những yếu tố cấu thành hầu đồng. Nhưng khái niệm “nghi lễ chầu văn” thì lại rộng hơn. Khái niệm này bao hàm đủ các yếu tố về âm nhạc, diễn xướng hay các vấn đề liên quan tới tục thờ Mẫu của người Việt” - GS Ngô Đức Thịnh, chủ nhiệm CLB Bảo tồn Nghệ thuật chầu văn VN, cho biết.

Có thể thấy rõ quan điểm của GS Thịnh theo định nghĩa “nghi thức hầu đồng” mà Bộ VH,TT&DL đưa ra. Cụ thể, đây là “cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, cùng với các nghi lễ, hình thức ca múa để con người có thể giao tiếp với thần linh”. Và, “nghi lễ chầu văn” không chỉ đơn giản là một loại hình nghệ thuật mà nó còn chứa đựng cả một quá trình lịch sử, văn hóa và đời sống tâm linh của con người Việt Nam.

Diễn xướng chầu văn vẫn mang những yếu tố quan trọng của hầu đồng

Với sự gần nhau về 2 khái niệm như vậy, một câu hỏi đang được đặt ra: phải chăng, sau những phản ứng về ý tưởng đưa hầu đồng trở thành di sản thế giới trước đây, việc đề cử “nghi lễ chầu văn”  lần này cũng chính là đề cử... hầu đồng, dưới một tên gọi khác để bớt phần “nhạy cảm”?

“Tôi không nghĩ thế. Hai khái niệm khá gần nhau nhưng không đồng nhất” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) trả lời TT&VH. Theo phân tích của ông Hiền, trung tâm của khái niệm “hầu đồng” là vấn đề tín ngưỡng, những yếu tố văn hóa còn lại đều xoay quanh  “hạt nhân” này. Ngược lại, với  “nghi lễ chầu văn”, phần tín ngưỡng chỉ là thứ yếu và được xếp sau, còn chầu văn – thứ âm nhạc của loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu - mới là nội dung quan trọng nhất.

“Nói thì hơi mơ hồ, nhưng điều này có thể thấy rất rõ trong cách tiếp cận vấn đề của hồ sơ” - ông Hiền giải thích – “Nôm na, nếu đề cử hầu đồng, hồ sơ phải tập trung phân tích về tín ngưỡng. Ngược lại, với khái niệm được Bộ VH,TT&DL đưa ra, yếu tố âm nhạc sẽ là  phần chủ đạo để xin danh hiệu di sản”.

Một sự lựa chọn hợp lý và... an toàn?

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, từ cái gốc là loại hình âm nhạc phục vụ hầu đồng, chầu văn đã phát triển khá mạnh và vượt khỏi “cái nôi” của mình để tham gia vào nhiều sự kiện văn hóa của người Việt cổ. Đơn cử, ngoài những hình thức hát văn thi, hát dâng văn bản mình, chầu văn còn từng được sử dụng để hát thờ Thành hoàng, tổ họ... Đặc biệt, trong giai đoạn sau năm 1945, khi hầu đồng bị cấm vì lý do mê tín dị đoan, chầu văn vẫn được đưa lên sân khấu…

GS Ngô Đức Thịnh nói thêm, trong một số cuộc thảo luận về chầu văn, rất nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đã khẳng định chầu văn đủ sức nặng để xin UNESCO công nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thực tế, với nhiều biến tướng liên quan đến mê tín dị đoan, hầu đồng trong những năm gần đây vẫn là một khái niệm nhạy cảm và gợi ra nhiều thành kiến tiêu cực. Thậm chí, chính những biến tướng này cũng được cho là lí do gây nên sự mù mờ, thiếu chính xác của các khái niệm tâm linh trong hầu đồng.

“Đệ trình hầu đồng lên UNESCO, tôi tin là chúng ta sẽ trượt. Bởi, cái gốc của hiện tượng văn hóa tâm linh này là trạng thái “yoga tinh thần” mà người trình diễn đạt tới” - PGS Trần Lâm Biền chia sẻ - “Chúng ta chưa có nghiên cứu đủ dày về khía cạnh này để lựa chọn và bảo vệ quan điểm của mình, trong khi UNESCO lại rất có kinh nghiệm tìm hiểu về  những vấn đề tâm linh hay tín ngưỡng tương tự hầu đồng tại châu Phi và châu Mỹ Latinh”

Có nghĩa, trong bối cảnh hiện tại, thay vì “hầu đồng”, “nghi lễ chầu văn” là sự lựa chọn hợp lý và... an toàn nhất nếu chúng ta muốn có một danh hiệu…

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm