Châu Âu áp đặt lệnh trừng phạt mới với Iran

02/12/2011 19:14 GMT+7 | Trong nước

Liên minh châu Âu (EU) đã gây thêm áp lực lên Iran ngày 1-12 sau khi tổ chức này thống nhất được các lệnh trừng phạt mới và Ý rút đại sứ ở Tehran về nước sau những “cuộc chiến đại sứ quán” giữa Anh và Iran diễn ra đầu tuần này.


Ngoại trưởng Anh William Hague tại hội nghị ở Brussels ngày 1-12 - Ảnh: AFP


Phái bộ ngoại giao Ý “đã được triệu hồi để tham vấn”, Hãng tin CNN dẫn lời Bộ ngoại giao nước này nói thêm quyết định trên “để hợp tác với các nước khác trong cuộc gặp của EU ở Brussels (Bỉ)”. Pháp, Đức và Hà Lan ngày 30-11 đã tuyên bố rút đại sứ tại Tehran về nước.

Từ Mỹ, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói Washington hoan nghênh các quyết định này và cho rằng đó là dấu hiệu thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế đối với “việc chế độ Iran tiếp tục không tuân thủ các cam kết quốc tế”.

Trong một diễn biến khác, Na Uy đã mở cửa lại đại sứ quán ở Iran ngày 1-12 và sứ quán Na Uy tiếp tục hoạt động bình thường một ngày sau khi đóng cửa tạm thời vì lý do an ninh, CNN dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Na Uy Hilde Steinfeld.

Phát biểu trong cuộc họp của hội đồng đối ngoại EU ở Brussels ngày 1-12, bà Ashton nói các bộ trưởng ngoại giao châu Âu đã bày tỏ sự đoàn kết với Anh. “Tất cả chúng tôi đều bị sốc vì những gì đã xảy ra ở đại sứ quán tại Tehran - bà Ashton nói - Những gì xảy ra là hoàn toàn không đúng đắn, nhà chức trách Tehran có nhiệm vụ phải bảo vệ các nhà ngoại giao làm việc ở Iran. Thông điệp đó là hết sức rõ ràng”.

Thật ra, cuộc biểu tình ở Tehran chỉ đẩy nhanh việc ra đi của các nhân viên ngoại giao Anh khi người biểu tình đòi đuổi đại sứ Anh về nhà ngay lập tức. Trước đó, ngày 27-11, Quốc hội Iran đã yêu cầu trục xuất đại sứ Anh về nước và giảm cấp quan hệ ngoại giao với Anh để trả đũa những lệnh trừng phạt mới với Iran. Tuần trước, Anh đã cắt đứt mọi quan hệ tài chính với Iran, lần đầu tiên nước này hành động như vậy, sau báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về chương trình hạt nhân của Tehran.

Bộ Ngoại giao Iran đã bày tỏ lấy làm tiếc về hành động của người biểu tình và khẳng định sẽ tiến hành điều tra theo đúng trình tự tố tụng. Cũng trong ngày 1-12, các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ nói trong một phiên điều trần trước ủy ban đối ngoại thượng viện rằng chính phủ của Tổng thống Barack Obama có thể xem xét thêm các hành động trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Iran.

Thượng viện Mỹ có thể bỏ phiếu ngay trong ngày 2-12 (giờ Mỹ), một dự luật do thượng nghị sĩ Dân chủ Robert Mendez của bang New Jersey và thượng nghị sĩ Cộng hòa Mark Kirk của Illionois đệ trình phong tỏa toàn bộ tài sản của Iran ở Mỹ.

Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm