10/12/2011 10:04 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Tại sao tắc đường của Hà Nội ngày càng trầm trọng, tại sao trong nội thành Hà Nội đường cứ tắc mà cao ốc cứ xây dầy thêm, trách nhiệm của chính quyền thành phố về vấn nạn giao thông Hà Nội đến đâu?...
Đó là vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Văn Khôi tại phiên chất vấn ngày 9/12 kỳ họp thứ 3 HĐND TP khóa 14. Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho rằng lỗi do cơ chế và do quy hoạch.
Do xây trước quy hoạch
Đại biểu Nguyễn Quốc Khánh đặt ra câu hỏi: "Thành phố có biện pháp gì để giải quyết nạn ùn tắc trước mắt và lâu dài?". Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi giải trình, liên quan tới giao thông có nhiều vấn đề phức tạp, hiện Hà Nội gặp nhiều khó khăn như đất dành cho giao thông ít, đường nhỏ, thiếu bãi đỗ xe, thiếu phương tiện công cộng, công trình chậm tiến độ, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...
Để giải quyết, ông Khôi dẫn ra một loạt giải pháp thành phố đã và đang tiến hành như: tuyên truyền văn hóa giao thông; hạn chế phương tiện cá nhân, tăng mức phạt; đổi giờ học giờ làm tái cơ cấu và tăng xe buýt; phát triển đường sắt đô thị…
Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhìn nhận nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc là cho phép xây quá nhiều nhà cao tầng trong trung tâm thành phố. Đại biểu Nguyễn Xuân Diên và Nguyễn Hoài Nam cho rằng giải pháp căn cơ là phải di chuyển các công trình bệnh viện, trường đại học, nhà máy… ra khỏi nội thành, không được dùng đất đó xây nhà cao tầng mà ưu tiên cho các công trình công cộng.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh, 10 năm trước Chính phủ đã ra Nghị quyết 13 để giảm tình trạng ùn tắc, tuy nhiên đến nay tình trạng ùn tắc không giảm đi mà ngày càng nghiêm trọng. Thành phố cũng đã đưa ra những kế hoạch chuyển các trường đại học, bệnh viện ra ngoại thành, nhưng các biện pháp đó vẫn “giậm chân tại chỗ”, bởi qua 10 năm Hà Nội chưa di chuyển được một trường học, bệnh viện nào ra ngoài. Thậm chí nhiều bệnh viện, trường học còn xây lớn hơn, tăng quy mô, mật độ như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Đại học Ngoại thương …
Một số nhà nhà máy được di dời ra ngoài, nhưng di dời xong lại dành quỹ đất xây nhà cao tầng. Như khu đô thị lớn ở Minh Khai xây dựng trên đất di dời nhà máy dệt 8/3, khu đô thị Royal City ở đường Nguyễn Trãi, Ngã tư Sở hoặc cao ốc tại vị trí cũ của Công ty văn phòng phẩm Hồng Hà… Việc chất nhà cao tầng dẫn đến tăng dân số cơ học, gây ùn tắc giao thông thêm nghiêm trọng hơn.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam truy vấn: "Vậy thẩm quyền phê duyệt các dự án thuộc Chính phủ hay thành phố? Tới đây, khi các Bộ di dời, trụ sở cũ có làm nhà cao tầng nữa không?". Trả lời các đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, khi di dời, theo quy hoạch chung thủ đô phê duyệt từ tháng 7/2011, sẽ ưu tiên xây dựng công trình công cộng, thành phố đã kiên quyết không cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong nội đô từ tháng 7/2011 và trong quá trình rà soát thì không còn công trình nào mới như vậy nữa.
|
Đại biểu Nguyễn Xuân Diên cho rằng, thành phố cần phải làm rõ nguyên nhân tại sao các bệnh viện, trường đại học khó đưa ra ngoài đến vậy? Đồng thời làm rõ diện tích đất sau khi các trường học, bệnh viện di chuyển ra ngoài được sử dụng như thế nào?
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, việc di dời các cơ sở nhà máy, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô phải tính tới phương án tạo nguồn vốn cho chủ cơ sở có điều kiện xây dựng trụ sở mới.
Về vấn đề này, đại biểu Nam lo ngại: Trong quy hoạch thủ đô Chính phủ đã duyệt, thành phố kiến nghị gì với Chính phủ và bộ ngành. Nếu không, khi các cơ quan đơn vị di dời đi vì không có vốn nên phải nhờ tới chủ đầu tư xây đô thị. Nếu tiếp diễn, Hà Nội không giải quyết được vấn nạn tắc đường.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho biết, thời gian qua, thành phố đã di dời nhiều nhà máy như: Nhà máy rượu Hà Nội, Công ty Văn phòng phẩm Hồng Hà, nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, dệt 8-3… Một số trụ sở các cơ quan bộ ngành trung ương đã được đầu tư xây dựng ra ngoài khu vực nội đô như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an…
Đối với các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo do Thành phố quản lý thuộc diện di dời, sẽ thực hiện theo nguyên tắc: Xác định nguồn ngân sách Thành phố hàng năm để đầu tư hoặc có thể nghiên cứu đầu tư theo hình thức xã hội hóa; Xác định cơ chế tạo quỹ đất đấu giá nhằm tạo nguồn tăng thu cho ngân sách thành phố để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội trên địa bàn các quận, huyện, thị xã theo quy hoạch được duyệt và ưu tiên đầu tư tại các khu vực, địa bàn (nơi đến) phục vụ việc di dời các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo; Việc khai thác địa điểm cũ của các cơ sở y tế, giáo dục đào tạo thuộc diện di dời sẽ ưu tiên chủ yếu cho mục đích công cộng, tăng diện tích phục vụ chung cho cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân. Nếu chuyển đổi mục đích thì thực hiện thông qua hình thức đấu giá nhằm lấy kinh phí thực hiện việc di dời.
Đối với các bệnh viện tuyến trung ương, các trường đại học…, sẽ triển khai các dự án di dời bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, UBND thành phố quản lý thông qua việc chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập và thực hiện dự án theo quy định.
Di dời toàn bộ 142 cơ sở sản xuất Với các cơ sở sản xuất, UBND thành phố đã đưa ra kế hoạch di dời toàn bộ 142 cơ sở nhà đất phải di dời với tổng diện tích sử dụng đất là 260,15 ha; trong đó có 127 cơ sở sản xuất công nghiệp với diện tích 247,27 ha, trong đó 56 cơ sở do trung ương quản lý, 56 cơ sở do thành phố quản lý, 15 cơ sở của các HTX và 15 cơ sở sự nghiệp với diện tích 12,88 ha… Hiện đã có 22 đơn vị thực hiện di dời với 19,17 ha. |
Mạnh Cường – Tử Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất