31/08/2012 07:10 GMT+7 | Phim
(TT&VH Cuối tuần) - Tiên phong tạo lập “dòng phim võ thuật”, là đạo diễn đầu tiên khai phá dòng phim lịch sử võ hiệp Việt Nam với Dòng máu anh hùng và hiện cũng là một trong những đạo diễn ăn khách nhất với những bộ phim đảm bảo chỉ từ lãi đến lãi nhiều cho các nhà sản xuất, Charlie Nguyễn khiến người ta tưởng như anh đã an nhiên với “danh hiệu” đạo diễn phim hài. Tuy nhiên, con đường mà Charlie hoạch định trong đầu không phải như vậy.
Ước mơ của tôi là làm phim lịch sử
* Anh đang ở Top đạo diễn ăn khách nhất Việt Nam với những bộ phim hài kiếm bộn tiền từ phòng vé. Anh yêu thích thể loại hài?
- Tôi là một đạo diễn, và tôi luôn muốn được thử nghiệm với tất cả thể loại phim. Nhưng hiện tại, tôi vẫn mong làm một phim bộ lịch sử.
* Phim lịch sử? Thể loại nghiêm túc và chẳng liên quan gì tới thể loại đã đưa anh lên hàng Top?
- Đúng thế. Khi mới về Việt Nam làm phim, tôi không nghĩ mình sẽ làm phim hài mà nghĩ phải làm gì đó to tát hơn, đó là phim lịch sử. Từ nhỏ tôi đã rất thích môn Lịch sử và những câu chuyện vĩ đại, cụ thể về tinh thần dân tộc. Lớn lên, môn Lịch sử với những câu chuyện về Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… khiến tôi thấy tự hào và rất hứng thú. Khi bước vào con đường nghệ thuật thứ bảy, điều đầu tiên tôi nghĩ là được dựng lại những nhân vật trong lịch sử qua các bộ phim.
Charlie Nguyễn
* Vậy sản phẩm đầu tay của anh có phải là phim lịch sử?
- Bộ phim đầu tay của tôi là Thời Hùng Vương thứ 18, làm năm 1994 ở Mỹ. Lúc đó tôi mới tốt nghiệp đại học. Tôi cùng mấy người bạn đã tự xây cất phim trường cho bộ phim này tại một nông trại lớn ở Cali. Trong mấy tháng, cứ cuối tuần là chúng tôi đến đó xây cất cung đình, võ đài, nhà lá…, mọi thứ dần dần hình thành trên diện tích khoảng một mẫu. Bộ phim này chúng tôi chiếu ở một vài rạp nhỏ cho khán giả trong cộng đồng người Việt.
* Anh thành công hay thất bại với bộ phim đó?
- Tôi được những bài học, ghi nhớ nhất là việc không thể làm phim lấy bối cảnh Việt Nam ở Mỹ. Câu chuyện phim khá tốt nhưng khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn. Làm cả một bộ phim mà không dám quay ban ngày, toàn quay ban đêm để đánh tráo bối cảnh. Vậy là toàn bộ câu chuyện xảy ra vào ban đêm. Trong khi đó mình không có tiền để đánh ánh sáng nữa cho nên phim tối hù. Cũng không có tiền mua phim mới, lúc đó không có máy kỹ thuật số như bây giờ, chúng tôi phải đi tìm mua lại phim thừa của các đoàn quay phim. Ở Mỹ có những cửa hàng chuyên bán phim thừa từ các đoàn phim chuyên nghiệp cho sinh viên và những ai ít kinh phí. Thông thường người ta quay gần hết một cuộn nếu phim vẫn còn nhưng không đủ để quay trọn một cảnh nữa thì họ cắt bỏ và thay cuộn mới. Phần thừa đó được cắt lại để những đơn vị thu mua tới lấy bán lại với giá thật thấp. Những đoạn phim thừa có đoạn vừa xuất xưởng, có đoạn lại được sử dụng từ cả năm trước, thế là phim mình làm ra chất lượng không đều, xanh đỏ tối sáng tùm lum hết. Phim làm trong 3 năm, ngốn gần 400.000USD .
* Đấy là bộ phim duy nhất anh làm ở Mỹ?
- Đúng vậy. Sau phim đó tôi cứ ôm ấp, khao khát mà không còn điều kiện để làm. Trong thời gian đó, tôi đi làm những công việc khác, tham gia làm phim của người khác, đi làm chương trình cho các trung tâm băng nhạc của người Việt. Cho đến năm 2000, tôi trở về Việt Nam làm bộ phim Vật đổi sao dời cho trung tâm Vân Sơn, hợp tác với hãng phim Giải Phóng cùng nhà sản xuất Khải Hoàng với chi phí chưa đến 50.000USD. Tôi thấy rõ mình có thể về Việt Nam làm những bộ phim với kinh phí rất thấp.
|
* Vậy là Dòng máu anh hùng ra đời?
- Dòng máu anh hùng là một cái duyên lạ. Lúc đó bản thân tôi và anh em tôi ấp ủ rất nhiều lý tưởng. Chúng tôi cứ hào hứng làm, không hề có nghiên cứu thị trường, doanh thu ở Việt Nam mà chỉ nghĩ phải làm ra một bộ phim coi đã mắt, làm cho mình thấy sướng thì thôi, tốn bao nhiêu cũng được, làm tới đâu tính tới đó và không thỏa thuận với ai hết. Vậy là từ dự toán 800.000USD nhảy lên 1 triệu USD, và cứ nhảy dần cho đến lúc bộ phim hoàn thành thì kinh phí đã đội lên đến 1,4 triệu USD! Đó chỉ là tiền sản xuất, quảng bá chứ chưa tính tiền lương của anh em chúng tôi trong mấy năm trời.
* Tâm trạng của anh thế nào lúc bộ phim hoàn thành?
- Tôi thấy mình có một phần thưởng tinh thần rất lớn, anh em chúng tôi bàn ngay đến Dòng máu anh hùng 2 và dự định là phần 2 sẽ kinh khủng hơn, hoành tráng hơn, nhiều thử thách khó khăn hơn, câu chuyện phải hấp dẫn hơn…, kịch bản cũng được phát triển luôn sau đó. Chúng tôi tính dồn hết sức để làm một phim hơn hẳn Dòng máu anh hùng 1. Nếu thị trường đáp ứng tốt với Dòng máu anh hùng 1 thì có lẽ anh em chúng tôi sẽ cứ làm tiếp kiểu phim đó vì có quá nhiều câu chuyện hay để khai thác, đó lại đúng sở trường của tôi với Trí (diễn viên Johnny Trí Nguyễn, em trai của Charlie Nguyễn - PV). 2 anh em tôi đều mê phim võ hiệp, đều tập võ từ nhỏ, Trí lúc đó cũng đã hấp thụ được nhiều kinh nghiệm từ các phim Hollywood rồi.
*Nhưng đã không có Dòng máu anh hùng 2…
- Khi Dòng máu anh hùng ra rạp và nghe bên phát hành báo doanh thu hàng ngày, tôi đã nằm như người bị thương. Bao nhiêu người đến đòi nợ, rất nhiều khoản vay từ người thân, ngân hàng, tiền cầm 2 căn nhà, 1 của ba má tôi, nhà của chú Tín (diễn viên Nguyễn Chánh Tín - PV), nhà của Trúc và Nghiêm (Tawny Trúc Nguyễn và Jimmi Nghiêm Phạm, đồng sản xuất Dòng máu anh hùng, cũng là em ruột và em rể của Charlie Nguyễn - PV). Tôi bị đòi tiền đến bây giờ luôn, nhà của ba má giờ vẫn còn cầm, nhưng trong năm sau là phải trả hết vì đã hết hạn rồi.
* Nhưng lúc đó bộ phim này đã gây được tiếng vang ở thị trường chiếu bóng Việt Nam, phim còn bán được cho nhiều thị trường nước ngoài?
- Chiếu ở thị trường trong nước, phim thu về chưa được 10 tỷ đồng vì thị trường Việt Nam lúc đó còn rất yếu. Sau đó phim bán được tới rất nhiều nước, tôi nhớ là danh sách lên tới cả trăm nước, nhưng số tiền thu được rất lắt nhắt, cao nhất là Mỹ với 250.000USD nhưng họ mua bản quyền để phát hành ở tất cả các nước nói tiếng Anh trên toàn thế giới, bán cho Đức được khoảng 80.000, Nhật 50.000, Trung Quốc 50.000, nhiều nước Âu châu, Ấn Độ, và có những nước nhỏ chỉ mua với giá 2.000USD rồi phát hành trong phạm vi quốc gia. Nói chung là vẫn lỗ.
Trước đây tôi cũng đã nghĩ làm phim là phải vươn ra thị trường quốc tế (theo quy luật chung của điện ảnh) và Dòng máu anh hùng đã làm được chuyện đó nhưng số tiền nước ngoài mua vẫn không đáp ứng được kinh phí đầu tư.
* Vậy là anh quay về với khán giả trong nước bằng loạt phim hài ăn khách vừa rồi?
- Phải nói là tôi đã trải qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng cả về kinh tế lẫn tinh thần. Tâm trạng của tôi nói chung là nản, như ngựa không có sân để chạy. Mấy anh em ngậm ngùi bàn với nhau là phải làm một phim thật ít tiền, ít nhất có thể hồi vốn cho nhà đầu tư thì mới làm, nếu không thì không bao giờ làm được phim nữa. Lúc đó chúng tôi đã hiểu rằng phải làm phim cho thị trường Việt Nam, đừng đặt trọn hy vọng đến thị trường quốc tế. Lý do là khi xem một bộ phim có chất lượng, điều đầu tiên các nhà phát hành nước ngoài nghĩ là làm sao quảng bá trong thị trường của họ. Họ bỏ ra chỉ 50.000 để mua một bộ phim nhưng họ có thể bỏ ra 1 triệu để marketing PR cho bộ phim đó. Con số cao gấp mấy chục lần tiền mua phim, và họ phải tính cả tiền đó vào chi phí mua một bộ phim.
Muốn chiếu một bộ phim không có tài tử quen thuộc của Hollywood thì đương nhiên đã mất đi khía cạnh PR. Khán giả ít khi nào chịu xem một bộ phim không có ngôi sao quen thuộc, không nói tiếng Anh, lại của một nước như Việt Nam vốn chẳng ai biết điện ảnh là như thế nào. Vì vậy họ cần khá nhiều tiền để PR một phim như thế.
* Vậy Để Mai tính là sự “tỉnh ngộ” của anh và các cộng sự?
- Ai đi qua con đường này thì sẽ biết thôi. Với thị trường bây giờ chỉ có thể đầu tư vừa phải, và phải có sự hợp tác với nhiều bên chứ không thể làm một mình, để chia đều rủi ro, kiểm soát kinh phí. Trước đó nghĩ mình không cần hợp tác với ai để được toàn quyền quyết định. Để Mai tính ra đời theo chủ trương đó, vừa túi tiền, nhẹ nhàng, hợp thị hiếu khán giả. Long Ruồi và Cưới ngay kẻo lỡ cũng là một công thức này.
* Anh sẽ tiếp tục làm một bộ phim hài để trả nốt nợ?
- Phim sắp tới của tôi là một bộ phim hành động. Lâu lâu phải thay đổi không khí.
* Còn ước mơ với phim lịch sử, Dòng máu anh hùng 2 chẳng hạn?
- Bây giờ chưa đến lúc. Mới đây Galaxy cũng đặt vấn đề làm Dòng máu anh hùng 2 với tôi nhưng kinh phí họ đưa ra vẫn chưa đủ để làm nên vẫn tạm gác lại.
* Cảm ơn anh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này
Tôi đang lâng lâng trong cuộc phiêu lưu mới * Được biết anh sẽ là tổng đạo diễn của Đẹp Fashion Show 11 diễn ra vào tháng 10 tới. Vì sao anh nhận một công việc mới mẻ hoàn toàn này? - Đúng là tôi chưa bao giờ đạo diễn một chương trình thời trang nào cả. Tôi nhận công việc này để đưa mình đến một khám phá mới, thử thách mới. Đẹp Fashion Show thì muốn tìm một sự thay đổi nào đó nên họ mời tôi. Làm việc gì đó có sự mạo hiểm, phiêu lưu luôn mang lại cho tôi cảm giác lâng lâng. * Lâng lâng nhưng chắc là có áp lực chứ, vì dù sao đây cũng là show thời trang vốn rất được chú ý ở Việt Nam? - Khi được mời, tôi đã xem rất nhiều show thời trang của thế giới. Áp lực của tôi và ê-kíp làm là phải sáng tạo, làm sao cho nó lạ, mới. Tuy là lần đầu tiên làm chương trình thời trang nhưng tôi không thấy quá khó khăn bởi khi ở Mỹ, tôi đã đạo diễn nhiều show ca nhạc rồi. Tuy show thời trang khác show ca nhạc nhưng cũng có những điểm hoàn toàn tương đồng, chẳng hạn như ánh sáng, thiết kế sân khấu, chỉ có bố cục và cách biểu diễn là khác thôi. * Anh có ngại việc các show thời trang ở Việt Nam hay “dính” nghi án đạo? - Tôi và ê-kíp của Đẹp rất thận trọng để tránh việc lặp lại các ý tưởng ở một số fashion show nước ngoài. Tuy nhiên việc này không dễ dàng gì bởi trên thế giới cho đến thời điểm này thì mọi ý tưởng lạ đều đã chẳng còn lạ nữa, tất cả các show thời trang đều đã lên rừng, xuống biển, ra núi… Có cái gì hay, cái gì lạ mà đẹp, sang thì người ta khai thác hết rồi. Không thể làm được gì mà chưa ai làm đâu, đó là sự thật. Vấn đề là khi thực hiện, chúng tôi có ý thức rằng nếu thấy cái mình làm hao hao của người ta thì phải biến đổi và tránh đi. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất