Sáng tạo như phim ngắn

02/10/2012 07:00 GMT+7 | Phim


(TT&VH Cuối tuần) - Trong khi phim dài (cả phim nhựa lẫn phim truyền hình) trong nước đang bế tắc từ nội dung đến phong cách thể hiện, từ giả gái giả trai sang đồng tính, từ hài sang hài nhảm..., thì phim ngắn lại là địa hạt sáng tạo bất ngờ với nhiều bộ phim và cách làm phim không giống ai. Phải chăng “càng làm phim càng dở dần”, như tâm sự của “đạo diễn hot” Vũ Ngọc Đãng, khi tác giả của những phim ngắn hầu hết là những người lần đầu làm phim.

Quay phim bằng iPad

Đó là trường hợp của Nguyễn Ngọc Thuần, một họa sĩ nhưng lại ghi dấu ấn với các tác phẩm văn học rất được chú ý như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Chuyện tào lao…

Bộ phim đầu tay này của anh có tên là 12 bước thành người, dài 60 phút. Mở đầu bằng hình ảnh một đôi bàn tay gầy guộc, ố vàng mở từng trang tạp chí và cắt cái đầu trọc của… nhạc sĩ Huy Tuấn ra khỏi trang tạp chí, cắt thêm những đôi chân dài ở các trang bên cạnh và tấm hình nhỏ của một người đàn bà rồi dán tất cả lại. Không một tiếng nhạc, không một lời nói, chỉ có âm thanh phát ra từ các hành động lật, cắt, xé giấy. Và khi màn hình hiện lên dòng chữ: “Đây là tôi. Đây cũng là bộ phim đầu tay của tôi, được quay bằng iPad” thì tiếng hát của Louis Armstrong vang lên. Câu chuyện tiếp diễn với bối cảnh chính là mặt sàn gỗ, nhân vật chính là đôi tay và cái hình dán chắp nối. Chỉ một con người đầy đủ, chi tiết và sinh động xuất hiện trong phim ở vài trường đoạn, mang theo tiếng động khá ồn ào, lúc là tiếng xe cộ, lúc là tiếng trống múa lân… Những dòng chữ phụ đề được sử dụng suốt từ đầu đến cuối phim, chúng cũng không được đặt ở phía dưới màn hình theo cách thường thấy mà cứ kẻ ngang màn hình, bởi đó là sự hiện hữu của nhân vật chính - một con người tàn tật cả thể xác lẫn tâm hồn - với câu chuyện không thể nói bằng lời và ghi âm lại, nhưng bất cứ dòng nào cũng không thể bỏ qua, nếu khán giả muốn hiểu hết những điều bộ phim muốn nói.

Bối cảnh và nhân vật chính trong 12 bước thành người của Nguyễn Ngọc Thuần

Bộ phim như một cuộc chơi với cả hình ảnh và ngôn ngữ này được Nguyễn Ngọc Thuần thực hiện trong gần 2 tuần với ý tưởng sẽ làm một thứ gì đó khác biệt để tham gia YxineFF 2012. Chiếc iPad thế hệ thứ ba, một vật dụng giải trí, làm việc đang rất được ưa chuộng của con người hiện đại đã được anh lựa chọn làm máy quay, máy thu âm, tận dụng nhiều ứng dụng của nó để tạo ra bộ phim. Lúc là chiếc máy quay, nó được cố định trên mặt ghế, rồi được cầm tay ghi lại những hình ảnh. Với một ý tưởng chỉ mới hình thành trong đầu, chưa hề có nội dung, Nguyễn Ngọc Thuần vừa quay vừa nói như để ghi chú lại những điều anh đã quay. Tới lúc dựng, nếu xóa những tiếng nói của anh đi thì cũng đồng thời xóa luôn cả những âm thanh khác. Vậy là anh cắt luôn âm thanh đi, dùng iPad thu lại những tiếng động cần thiết và lồng vào phim. Anh nói rằng có những đoạn mà âm thanh chẳng ăn nhập mấy với hình ảnh, nhưng anh thấy như vậy lại thú vị hơn. Mọi thứ không theo cách làm thông thường lại cho anh cảm hứng. Anh cũng thể hiện quan điểm về bộ phim ngay trong “lời thoại” của nhân vật chính (những dòng phụ đề) rằng: Nếu bạn phóng lớn, chắc chắn phim sẽ vỡ hạt. Nhưng với tôi điều đó không quan trọng lắm. Thậm chí đâu đó một vài chỗ còn cảm thấy thú vị ở chỗ nhòe nhoẹt của nó”.

Bộ phim được một thành viên ban tuyển phim của YxineFF nhận xét: “… Chuyện phim thách thức các hình thức tường thuật cổ điển bởi những bước chuyển bất ngờ không thể đoán định. 12 bước thành người là cuộc chơi nhào nặn hình ảnh - ngôn ngữ thông minh và táo bạo, là minh chứng cho khả năng sáng tạo với phương tiện ít ỏi, một phim thể nghiệm đích thực đầy thử thách nhưng cũng là sự tưởng thưởng đáng kể cho những khán giả mở lòng với nó”.

“Nhờ” đài phát thanh kể chuyện

Đây là cách làm Chuyện của mọi nhà của Phạm Ngọc Lân, một cựu sinh viên đại học Kiến Trúc Hà Nội, hiện đang làm việc cho DOCLAB (Trung tâm thử nghiệm phim tài liệu và video). Sử dụng những đoạn nội dung của các chương trình trên đài phát thanh, Phạm Ngọc Lân kể một câu chuyện của xã hội đương đại mà ở đó, con người ở đủ lứa tuổi, đủ ngành nghề đều rất cô độc và khó hiểu trong không gian của quen thuộc của chính mình. Một người đi xe bus với chương trình phát thanh về tình hình giao thông; một ông già ngồi giữa xưởng may dò đủ các kênh radio để rồi dừng lại ở một chương trình tư vấn về hôn nhân gia đình, trước mặt là con chó to cứ đi đi lại lại; 2 người đàn bà một trung niên, một đã ở tuổi gần đất xa trời chăm chú theo dõi phim truyền hình; một cậu thanh niên lơ đãng trên boong chiếc nhà - thuyền cũ kỹ neo trên sông nghe đọc truyện đêm khuya; một người đàn ông già ngồi giữa những giá sách cao đầy ắp sách nghe chương trình dành cho người cao tuổi. Mỗi người một chuyện để chú ý, nhưng có một điểm chung: họ đều gần như bất động trước khung hình của máy quay, không một lời nói, không một hành động ngoài việc điều chỉnh chiếc radio.

2 mẹ con bất động trong khung hình bộ phim Chuyện của mọi nhà của Phạm Ngọc Lân

Phạm Ngọc Lân dụng ý dùng những thứ thật đơn giản để miêu tả được trạng thái xã hội hiện tại dưới con mắt nhìn của mình. Lân đặt máy quay tĩnh để hình ảnh đạt được sự đơn giản đó và khiến người xem vừa phải tập trung vào nội dung được phát ra từ radio, vừa để ý những thay đổi dù rất nhỏ của nhân vật. Một lý do khác cho việc đặt máy quay tĩnh, đó là sự ảnh hưởng của công việc chụp hình mà Lân đã làm từ khi mới học năm thứ hai đại học. Quay xong, Lân bỏ thời gian nghe radio, thu âm và chọn lựa các nội dung liên quan để kể câu chuyện của mỗi nhân vật. Lân chỉ mất 200.000 đồng kinh phí cho việc mua băng để quay, vì Lân sử dụng máy quay PD170.

Still image

Chu Trần Minh Đức, một cái tên không xa lạ trong giới làm phim ngắn ở TP.HCM lần này chọn cách kể chuyện bằng hình tĩnh - still image giống như đạo diễn Chris Marker đã thực hiện bộ phim La Jetée, xây dựng phim từ những bức ảnh tĩnh đen trắng. Phim của Đức có tên Người tình, là câu chuyện của một thanh niên làm nghề bán dâm ở Sài Gòn. Still image không phải thể loại mà Đức chọn cho bộ phim này từ khi bắt đầu, vấn đề nảy sinh khi diễn viên chính - một người có ngoại hình rất xi-nê và gương mặt biểu cảm - không thể diễn đạt được cả hành động lẫn nội tâm của nhân vật. Đức đã chọn cách chụp ảnh và sắp xếp các bức ảnh đó theo nội dung câu chuyện, với lời kể chuyện của chính Đức.

Những diễn viên chuyên nghiệp tình nguyện đóng phim Dawn không công cho Leon Quang Lê

Và làm phim kiểu… Mỹ

Dawn (Bình minh) của Leon Quang Lê, một diễn viên nhạc kịch Broadway đang sống và làm việc ở New York và Los Angeles (Mỹ), chỉ dài 9 phút với một câu chuyện dồn dập kiểu Hollywood và đưa người xem tới một cái kết hết sức bất ngờ. Bộ phim cũng được Leon thực hiện với tinh thần rất “Mỹ”. Anh được quyền lựa chọn từ 50 diễn viên chuyên nghiệp tình nguyện làm không công ra 4 diễn viên cho phim của mình. Việc này chẳng khó gì khi làm phim ở Los Angeles, nơi có rất nhiều người tìm cơ hội đặt chân vào nền công nghiệp điện ảnh. Leon cũng được thoải mái lựa chọn những chiếc máy hiện đại nhất để quay phim của mình, và anh tới cửa hàng lựa 2 chiếc máy ảnh có thể quay phim loại tốt: Canon 5D Mark II và Canon 7D, lựa cả thiết bị làm âm thanh, microphone và chỉ đi thuê ống kính. Tất cả chi phí cho máy móc ngốn tới gần 15.000USD, nhưng thật ra Leon chỉ tốn vài trăm đô cho việc thuê ống kính. Bởi sau khi quay xong bộ phim, trong vòng 3 ngày, anh đã đóng gói tất cả những thứ đó lại và trả về cho cửa hàng với lý do “không phù hợp với nhu cầu sử dụng”! Bởi ở Mỹ, người tiêu dùng được quyền xài thử máy trong vòng 30 ngày, nếu không thích có thể đem trả mà không gặp bất cứ vấn để gì cả!

(*) Có thể xem 4 bộ phim nói trên cùng nhiều phim ngắn khác trên website: www.yxineff.com.

Dương Vân Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm