07/11/2022 07:27 GMT+7 | Văn hoá
Câu chuyện về vấn đề tin giả, tin xấu, tin độc đã “đốt nóng” dư luận cuối tuần qua khi xuất hiện trên nghị trường của kỳ họp Quốc hội thứ 4, khóa XV.
Cụ thể, khi trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về vấn đề này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa đưa ra so sánh: Nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn, xử lý tài khoản vi phạm, mọi thứ “chẳng khác gì khi phòng chống Covid-19 chúng ta mới dừng ở việc đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa”.
Bởi thế, từ quan điểm của mình, đại biểu này đưa ra giải pháp căn cơ nhất - giải pháp “nâng cao sức đề kháng như chúng ta có vaccine đề kháng”.
“Nâng cao sức đề kháng”, như so sánh của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, có thể hiểu là việc người dân và công chúng chủ động không tin, không nghe những thông tin xấu, độc trên không gian mạng. “Bộ trưởng nói tới việc sau 3 tiếng có thể gỡ bỏ thông tin độc hại. Nhưng thực tế, chỉ cần sau 5 -10 phút, thông tin độc hại lan rất rộng rồi” - ông khẳng định - “Nên, quan trọng nhất là phải không uống thuốc độc ngay từ đầu. Nếu độc hại đã ngấm vào mà mới uống giải độc thì mãi mãi chúng ta sẽ chạy theo, rất vất vả".
Rất nhanh, quan điểm của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhận được sự tán đồng của người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông. Bộ trưởng nói tất cả mọi thứ đều cần sự đề kháng: “Trên không gian mạng, thông tin như không khí. Khi tin xấu nhiều, không khí bị vấy bẩn, chúng đầu độc chúng ta".
Trước đó, ông Hùng cũng nhắc tới việc cần có sự vào cuộc tích cực, chủ động của mọi bộ, ngành, tổ chức, gia đình - nghĩa là của toàn xã hội - để có thể giải quyết được căn cơ vấn đề này.
***
Không lạ khi tại nghị trường, việc phòng chống tin xấu, tin giả tại nghị trường được so sánh với những giải pháp từng được triển khai trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 hai năm qua. Đơn giản, đó là những ví dụ sinh động và thiết thân nhất với tất cả cộng đồng - khi mà ai trong số chúng ta cũng đã từng đi qua giai đoạn ấy và có những bài học rút ra cho nhận thực của mình.
Ở đó, nếu trong những đợt dịch đầu tiên, công tác phòng chống Covid-19 được triển khai dựa trên những nguyên tắc cơ bản về ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch... kết hợp với điều trị. Cách tiếp cận ấy đã thành công trong cuộc chiến với các chủng ban đầu - để rồi tới khi biến chủng mới xuất hiện, nền tảng cho “cuộc chiến” mới của chúng ta phải là việc chủ động tiêm vaccine trên diện rộng và nâng cao sức đề kháng ngay từ mỗi người dân.
Có nghĩa, trong cuộc chiến với tin giả, tin xấu trên không gian mạng bây giờ, bản thân mỗi người trong cộng đồng cũng cần có sẵn những liều “kháng thể” để tự phân biệt đúng sai và đưa ra thái độ phủ định dứt khoát trước sức hút của những thông tin có hại. Liều “kháng thể” ấy không chỉ được hình thành qua con đường vận động, phổ biến kiến thức mà trước hết phải nằm ở sự cầu thị, tỉnh táo cũng như việc tự nâng cao trình độ tự phân tích và nhận thức của mỗi người.
Cũng cần nhắc lại, trong phiên thảo luận tại nghị trường cuối tuần qua, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng nhắc tới việc đời sống báo chí cần có thêm nhiều thứ để phục vụ công chúng. Để làm vậy, các tờ báo cần được khuyến khích đi thẳng vào những vấn đề nóng với thái độ có trách nhiệm, không né tránh, đưa ra những phản biện tích cực mang tính thuyết phục cao. Rõ ràng, đó là một đề xuất hợp lý và cần thiết - khi mà trong nhiều năm qua, sự ngần ngại phần nào của chúng ta trong việc nói về những góc tối của xã hội đã vô tình tạo ra những khoảng trống cho tin giả, tin xấu nảy sinh và lan truyền.
Bởi, ai cũng biết, con người luôn có những phản xạ tự nhiên, là sự quan tâm, tò mò trước những gì mới, lạ, hoặc bất bình thường. Chính những đặc tính cố hữu ấy đã ảnh hưởng lớn tới cách chúng ta đọc tin tức, cũng như cách mà những thông tin giả - xấu - độc lan truyền trên mạng. Và, việc thay đổi thói quen đó trước hết phải bắt đầu từ sự kiềm chế để suy xét - thậm chí dần gạt bỏ những định kiến mà nhiều người trong số chúng ta vô tình đang mang theo.
Thích đọc tin tiêu cực hơn là tích cực, thích nói về sự “đáng sợ” của xã hội ngày nay, thích tự đưa ra kết luận từ những thông số hấp dẫn mà không cần nguồn gốc, thích tiếp nhận những nội dung được dẫn dắt bằng ngôn từ gây sốc... Những thói quen ấy cần phải được thay đổi bởi sự “cảnh giác” sau những lần bị lừa bởi tin giả, cũng như bởi sự nâng cao về nhận thức của cộng đồng trong tương lai.
Không phải ngẫu nhiên, nhiều người từng nói vui rằng, giống như chống dịch Covid-19, việc đối phó với “virus” tin giả cũng cần “5K”: Không tin, không like, không chia sẻ, không kích động và không thêm thắt. Cộng thêm điều đó, bây giờ chúng ta cần thêm liều “vaccine” tự tăng cường về ý thức trách nhiệm và sự tỉnh táo của mỗi người.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất