Chào tuần mới: Trước ngày Giỗ Tổ

24/04/2023 07:33 GMT+7 | Văn hoá

Tuần lễ cuối cùng của tháng Tư năm nay là thời điểm được rất nhiều người mong chờ, khi nó gắn với kỳ nghỉ kéo dài 5 ngày liên tiếp. Và, kỳ nghỉ ấy được bắt đầu bằng ngày 10/3 âm lịch - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Có thể, với nhiều người trẻ, ngày Giỗ Tổ năm nay chỉ đơn thuần là ngày diễn ra một lễ hội truyền thống, mở đầu chuỗi ngày nghỉ ngơi sau 4 tháng làm việc. Nhưng chắc chắn, những người có tuổi sẽ nghĩ khác và có thêm những cảm xúc khác.

Với văn hóa Việt Nam, tháng Ba âm lịch cũng là tiết Thanh minh - thời điểm tiết trời trong sáng, dễ chịu nhất của năm và thích hợp cho các nghi thức chăm sóc, dọn dẹp giúp mộ phần gia tiên trở nên khang trang sạch sẽ.

Và rất có thể, việc chọn ngày Giỗ Tổ vào dịp 10/3 âm lịch từ thời Khải Định (năm 1917, thay cho việc tổ chức vào mùa Thu như hàng trăm năm trước đó) cũng chịu sự chi phối từ nét văn hóa này.

Chào tuần mới: Trước ngày Giỗ Tổ - Ảnh 1.

Nghi thức rước kiệu dâng lễ lên Quốc tổ Hùng Vương. Ảnh: Thu Hương – TTXVN

Chưa hết, như phân tích của nhiều chuyên gia, tục Giỗ Tổ Hùng Vương cũng có sự tiếp biến (và phần nào hòa trộn) với tục thờ cúng tổ tiên ông bà của người Việt - khi mà ở nhiều địa phương, các gia đình còn rước bài vị của Quốc tổ về bàn thờ gia tiên để phối thờ. Có nghĩa, khác với tục thờ cúng những người sáng lập một triều đại hay một quốc gia ở nhiều nước Đông Á, Quốc tổ Việt Nam luôn có sự gần gũi với mọi gia đình, mọi cá nhân của cộng đồng chúng ta trong suốt hàng trăm năm lịch sử. Không phải dân tộc nào cũng có niềm tin rằng, có một mộ tổ chung, một ngôi đền tổ chung, để một ngày trong năm, hành hương về tưởng niệm như trường hợp Việt Nam.

***

Nhìn lại, vài chục năm gần đây, chúng ta cũng có khá nhiều sự kiện gắn với ngày Giổ Tổ: Năm 2001, Chính phủ ra nghị định về các ngày lễ lớn, trong đó Giỗ Tổ Hùng Vương trở thành Quốc lễ. Năm 2007, người lao động cả nước chính thức được nghỉ trong ngày đặc biệt này. Rồi năm 2012, gắn cùng Giỗ Tổ, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Ở góc độ đời sống, từ năm 2019, Ban tổ chức Giỗ Tổ đã vận động các gia đình tại tỉnh Phú Thọ tự tổ chức mâm cơm cúng để dâng lên bàn thờ trong ngày 10/3 âm - để rồi tới nay, hình thức này ngày càng được hưởng ứng và mở rộng trên toàn quốc. Hoặc, trong năm 2023 này, đề án "Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu" được tổ chức với sự tham dự của nhiều kiều bào tại nước ngoài , trong đó điểm nhấn là sự kiến trực tuyến, kết nối hàng chục điểm cầu trên thế giới vào 13h ngày 29/4 (tức ngày 10/3 Âm lịch).

Tất cả những thay đổi ấy đều cho thấy những biến chuyển từ xã hội Việt Nam trong dòng chảy phát triển - theo hướng tích cực và đầy đủ hơn - để có một ngày Giỗ Tổ trọn vẹn. Thậm chí, trong vài chục năm ấy, chúng ta cũng đã dần tự đúc rút kinh nghiệm của mình trong việc tổ chức sự kiện này, khi mà những "đồ lễ" dâng lên Quốc Tổ không còn tình trạng chạy theo sự hoành tráng màu mè, còn việc hành hương về Đền Hùng cũng dần được hoàn thiện để bớt đi cảnh chen chúc và lộn xộn.

Bởi thế, khi bắt đầu kỳ nghỉ trong vài ngày tới, chúng ta đừng quên bỏ chút thời gian để thực hiện một cuộc hành hương - dù là trong tâm thức - về với nguồn cội tổ tiên, qua đó cùng gắn kết mọi cá nhân, mọi thành phần trong cộng đồng trong sự bền vững trường tồn.

Linh Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm