Chào tuần mới: Món quà của lịch sử

16/01/2023 07:56 GMT+7 | Văn hoá

Những tranh luận về bức tranh quảng cáo cổ vừa phát lộ tại phố Cửa Nam (Hà Nội) đã đưa tới một kết quả khá tích cực vào cuối tuần qua - khi phía quản lý văn hóa Hà Nội yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tạm che chắn và giữ nguyên trạng bức tường này, đồng thời mời chuyên gia nghiên cứu các bước xử lý tiếp theo.

Trước đó, trong dự án cải tạo đảo giao thông tại phố Cửa Nam, phía thi công sau khi phá dỡ công trình nhà sinh hoạt cộng đồng đã phát hiện 2 bức tranh này trên tường trạm biến áp liền kề. Bị che khuất từ lâu, chúng gần như không được cộng đồng biết tới trong nhiều năm qua.

Những thông tin hiện tại cho thấy, cả 2 bức tranh này đều thực hiện bằng hình thức vẽ tay, có nội dung bằng tiếng Pháp với kiểu chữ cổ. Trong đó, bức tranh lớn hơn có hình ảnh và các dòng chữ gắn với nội dung quảng cáo sản phẩm của Goodyear  - một thương hiệu lốp xe lớn trên thế giới. Bức thứ hai đơn giản hơn, quảng cáo cho một loại nước khoáng thiên nhiên nổi tiếng của Pháp.

Không khó để nhận định: Đây là 2 bức tranh quảng cáo được thực hiện từ giai đoạn trước 1954, trên tường bốt điện vốn có từ thời Pháp. Theo chia sẻ trên không gian mạng của một số cư dân từng sống tại đây, tranh được vẽ vào khoảng thập niên 1940. Tiếp đó, vào quãng 1957 - 1958, một tòa nhà được xây phía ngoài  làm trụ sở ủy ban khu phố rồi trở thành nhà cộng đồng và hoàn toàn che khuất mọi hướng tiếp cận bức tranh.

Chào tuần mới: Món quà của lịch sử - Ảnh 1.

Bức quảng cáo tiếng Pháp trên tường của trạm biến áp tại phố Cửa Nam. Nguồn: Internet

Dù những thông tin này còn cần được kiểm định, nhưng hình ảnh của 2 bức tranh đã lập tức được chia sẻ mạnh trên mạng xã hội, trong sự háo hức của cộng đồng. Và đi cùng với đó là 2 luồng ý kiến: Trong khi đa số đề nghị giữ lại và bảo tồn 2 bức tranh, một số người cũng tỏ ý hoài nghi và coi chúng như… các quảng cáo khoan tường, thông cống, gia sư vốn từng được chính quyền kiên quyết loại bỏ.

***

"Thật ra, xét ở góc độ thẩm mỹ, cũng không có gì lạ khi một số họa sĩ với góc nhìn kinh viện tỏ ra thờ ơ với 2 bức tranh này. Nhưng, nếu nhìn nó như một di sản của ký ức đô thị với tính chất lịch sử - văn hóa thì chuyện xấu đẹp lại không cần đặt ra ở đây", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ với người viết.

Từng tham gia nhiều dự án nghệ thuật công cộng và cũng tư vấn cho phía quản lý trong một số trường hợp tương tự, ông Sơn tỏ ra khá hào hứng với hình thức vẽ tay của những bức tranh quảng cáo này. Như lời ông, đó là kỹ thuật từng tồn tại trong một thời gian dài tại các đô thị Việt Nam, trước khi bị đẩy lùi bởi công nghệ in quảng cáo trong những năm gần đây. Và, 2 bức tranh cổ gắn với kỹ thuật này có thể được bảo tồn bằng cách "nâng tầm", kết hợp cùng những công trình phụ trợ bổ sung để gợi nhớ về một phần ký ức của Hà Nội.

Cụ thể, theo họa sĩ này, có 2 hướng tiếp cận hợp lý để phát triển cụm tranh tường này thành một không gian công cộng. Ở hướng thứ nhất, các công trình phụ trợ được thiết lập để người xem nhớ về một Hà Nội trong thời kỳ trước 1954, với nền thương mại tương đối phát triển và các dấu ấn riêng trong lĩnh vực quảng cáo của đô thị.

Còn ở hướng thứ hai, không gian này nằm đối diện nhà riêng của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị - một bậc thầy về tranh lụa và cũng có nhiều sáng tác trùng với thời điểm 2 bức tranh quảng cáo được thực hiện. Do vậy, một số bức tranh của cố họa sĩ này có thể được tái tạo lại bằng ngôn ngữ của mỹ thuật công cộng để tạo thành một quần thể cùng 2 bức tranh cũ.

Như cách nói của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, 2 bức tranh quảng cáo vừa phát lộ là một "món quà của lịch sử". Có nghĩa, giữa một xã hội hiện đại với nhịp sống công nghiệp, những di sản mộc mạc của đô thị hoàn toàn vẫn có thể trở thành những tài sản vô giá, nếu chúng có sự tiếp cận hợp lý và sáng tạo.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm