20/05/2024 07:07 GMT+7 | Văn hoá
Tối nay, 20/5, Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc dành cho thiếu niên, nhi đồng lần thứ nhất sẽ bế mạc tại Hải Phòng (diễn ra từ 13/5). Quy tụ 17 tác phẩm từ 14 đơn vị nghệ thuật trên cả nước, đây là lần đầu tiên một liên hoan sân khấu dành cho trẻ em được tổ chức, với nhiều thể loại đa dạng như kịch nói, nhạc kịch, xiếc, chèo, rối…
Và nhìn rộng hơn, sân khấu toàn quốc cũng đang ở vào giai đoạn "rục rịch" chuẩn bị cho những chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi vào dịp Hè - như thông lệ nhiều năm qua.
Thực tế, khá nhiều vở diễn dự Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc cho thiếu niên, nhi đồng lần này đều là các vở mới dàn dựng để ra mắt vào dịp Hè. Chẳng hạn, với Nhà hát Kịch Việt Nam, đó là các vở Bộ quần áo mới của hoàng đế và Rồng thần trở lại. Với Nhà hát Tuổi trẻ là Chú mèo dạy hải âu bay. Với Đoàn nghệ thuật Sen Việt đến từ phía Nam, đó là Lá cờ thêu sáu chữ vàng, dựng dưới hình thức nhạc kịch dân ca Nam bộ.
Đáng nói, ngoài việc dự thi, nhiều đơn vị sân khấu lớn đều chuẩn bị kịch mục khá phong phú để biểu diễn mùa Hè. Chẳng hạn, Nhà hát Tuổi Trẻ có thêm nhạc kịch Bữa tiệc của Elsa và kịch nói Chú mèo dạy hải âu bay. Nhà hát kịch Việt Nam có Biệt đội siêu anh hùng. Riêng Liên đoàn xiếc Việt Nam, ngoài chương trình mới "Giấc mơ tuổi thần tiên" còn mời hẳn nghệ sĩ từ Nhật Bản tham gia Ninja Magic Show trong 8 đêm liên tiếp.
Không có gì lạ: Thời điểm đầu Hè và quanh Tết Thiếu nhi 1/6 luôn là mùa của sân khấu kịch dành cho trẻ em. Như chia sẻ từ người trong cuộc, vé của các chương trình này luôn bán tốt, với đối tượng chính là các trường học muốn đưa học sinh đi xem nghệ thuật nhân dịp bế giảng, sinh hoạt Hè, hoặc 1/6.
Ở một góc độ khác, từ đặc thù này, mùa Hè cũng luôn là thời điểm để các đơn vị sân khấu thể hiện trách nhiệm xã hội của mình, với việc hướng về các khán giả ở độ tuổi nhi đồng.
***
"Mùa kịch" cho thiếu nhi tại các nhà hát thường cũng chỉ kéo dài 3 tháng Hè. Hãn hữu, một số chương trình có thể được biểu diễn lại sau đó vào các dịp Trung Thu, hoặc Noel. Lâu nay, chúng ta vẫn mặc định chấp nhận thực tế đó.
Nhưng nói vậy, không có nghĩa là mọi thứ không thể thay đổi nếu sân khấu có những chiến lược dài hơi để hướng về những khán giả tương lai. Đơn cử, việc một liên hoan sân khấu toàn quốc cho thiếu nhi vừa được tổ chức lần đầu tiên cũng chính là một cột mốc mà nhiều người kì vọng về hiệu ứng lan tỏa của nó.
Như chia sẻ của những người trong cuộc, nếu được các em yêu thích, những vở diễn thiếu nhi thường đạt số lượng khá cao về doanh thu và đủ sức tồn tại - bởi các "khán giả nhí" thường không bao giờ tới rạp một mình mà luôn đi cùng phụ huynh, và bè bạn. Điều mà sân khấu cần có là những kịch mục đủ đa dạng và hấp dẫn để phục vụ các em quanh năm, cũng như những chiến lược tiếp cận hợp lý để các em yêu thích và sớm làm quen với bầu không khí của sân khấu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Nói cách khác, đó phải là những chiến lược dài hơi, bền vững và chắc chắn cần tới sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các nguồn lực xã hội hóa - nếu chúng ta muốn con em mình có sự phát triển hài hòa, với những kiến thức được cung cấp một cách hợp lý về văn hóa, nghệ thuật.
Như lời NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, sân khấu cần đến gần với đời sống của các em hơn nữa, không chỉ trong mùa Hè, mà phải là quanh năm, vào những ngày cuối tuần hoặc sinh hoạt ngoại khóa. Ở đó, thay vì đắm mình trong phim hoạt hình hoặc các trò chơi điện tử, các em sẽ được tương tác cùng thế giới thật, với những vui buồn có thật, để từng bước phát triển tâm hồn và tính cách của mình.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất