Chào tuần mới: Khi đá cũng… mỏi

21/08/2023 07:16 GMT+7 | Văn hoá

Tỉnh Quảng Ninh đang khẩn trương nghiên cứu các giải pháp để bảo tồn hòn Trống Mái tại Hạ Long - đó là thông tin thu hút sự chú ý của dư luận trong tuần qua. Trước đó, tình trạng cụm đảo đá này trước nguy cơ đổ sập đã liên tục được nhắc tới trên các mặt báo và mạng xã hội.

Cao 14 mét, được cấu tạo gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà đối diện nhau (nên còn được gọi là hòn Gà Chọi), hòn Trống Mái từ lâu đã trở thành biểu tượng du lịch của vịnh Hạ Long.

Dù vậy, các khảo sát hiện tại cho thấy, quần thể hòn Trống Mái hiện có tới 40 khối đá có nguy cơ trượt, đổ, lở (trong đó 28 khối thuộc nhóm nguy cơ cao). Thậm chí, quan sát bằng mắt thường, du khách cũng có thể nhận thấy chân đế của 2 đảo đá đang ngày càng bị xói mòn, từ đó tiếp tục nới rộng tình trạng "phần chân hẹp hơn phần thân" vốn đã rất chông chênh của quần thể.

Chào tuần mới: Khi đá cũng… mỏi - Ảnh 1.

Hòn Gà Chọi hay còn gọi là Hòn Trống Mái, nằm ở phía Tây Nam của vịnh Hạ Long trở thành một trong những biểu tượng của vịnh Hạ Long nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Ảnh: Minh Đức - TTXVN

Trước tình trạng đó, bên cạnh đề xuất về phân luồng, giảm thời gian và tốc độ lưu thông của tàu tại khu vực hòn Trống Mái, các chuyên gia cũng đang tính đến những phương án như dùng neo bảo vệ khối trượt, bơm trám xi măng tại các khe nứt, xây đê bao quanh chân đế… để bảo vệ cụm đảo này - với điều kiện không làm thay đổi cảnh quan.

***

Thực tế, việc di sản có cấu trúc đá vôi tự nhiên bị đổ sập không phải quá hiếm gặp.

Khoảng 7 năm trước, "hàng xóm" của hòn Trống Mái là hòn Thiên Nga (vịnh Bái Tử Long) cũng từng gây chú ý khi… biến mất phần đầu. Xa hơn, hòn 649 ở tiểu khu 3 của vịnh Hạ Long bị đổ vào năm 2013. Rồi, tại Kiên Giang năm 2006, một thắng cảnh nổi tiếng là hòn Phụ Tử (cha con) cũng bị đổ sập một phần và chỉ còn hòn Tử.

Như các phân tích khoa học, quá trình "karst hóa" (biến đổi của các cấu trúc đá vôi tự nhiên) đã tạo ra những thắng cảnh đặc biệt như vịnh Hạ Long. Để rồi, khi tiếp tục diễn ra, quá trình ấy cũng mang theo những đứt gãy và biến đổi đủ sức để hủy hoại những di sản tự nhiên này - bên cạnh những yếu tố phức tạp về mưa, gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, môi trường...

Theo cách nói vui của các chuyên gia, thời gian "karst hóa" hàng trăm triệu năm có thể mang lại những di sản như Hạ Long, nhưng rồi chúng cũng đến lúc phải… mỏi, trước sức ép phải cải biến từ chính yếu tố thời gian ấy.

Nói vậy, không có nghĩa chúng ta coi việc các kỳ quan có cấu trúc đá vôi mất đi là lỗi của… tạo hóa đơn thuần. Ngược lại, những lần đổ sập - hoặc sắp đổ sập - của chúng cho thấy một thực tế: Khi thiên nhiên ban tặng một tài sản quý giá, chúng ta không thể chỉ ngồi hưởng thụ, mà cần có trách nhiệm giữ gìn nó càng lâu càng tốt, cho cộng đồng và cho cả thế hệ sau.

Những giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái có thể chấp nhận được nếu không ảnh hưởng quá rõ tới vẻ đẹp tự nhiên của nó. Nhưng chắc chắn, đằng sau nó phải là những chương trình hành động dài hơi để khảo sát và có biện pháp hạn chế xói mòn cho cả quần thể vịnh Hạ Long. Trong đó, không thể bỏ qua những giải pháp từ công nghệ để thiết lập hệ thống quan trắc cảnh báo, cũng như theo dõi các biến động địa chất và độ bền vững ở từng trường hợp cụ thể.

Và tương ứng với điều ấy, tất yếu, việc khai thác các di sản đá vôi vào mục đích du lịch cũng cần được quy hoạch một cách hợp lý, khoa học, thay vì tâm lý chạy theo các chỉ số về lượng du khách như một thước đo duy nhất.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm