29/03/2021 07:18 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Đã là tuần cuối cùng của quý I, vắt sang quý II năm 2021 rồi. Nghĩ đến sáng thứ Hai đầu tuần, ai cũng liên tưởng tới cảnh đông đúc, tắc đường.
Nhưng tuần qua lại có thông tin khiến người ta dấy lên hy vọng rằng trong tương lai, giao thông của Hà Nội sẽ dần được cải thiện, không chỉ là nhờ những cây cầu vượt, những tuyến metro… Mà bởi vì trong vòng 10 năm tới, 215 ngàn người cùng hàng chục cơ quan sẽ được di dời khỏi khu nội đô lịch sử tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng.
Cụ thể, sẽ có khoảng 120.000 người thuộc diện giải phóng mặt bằng làm đường, lấn chiếm công trình công cộng được di dời; giảm cơ học 100.000 người khi di dời các trụ sở bộ, ngành...
Từ 2 thập niên trước, người ta đã nhìn thấy nguy cơ Hà Nội quá tải và cũng đã có các chủ trương về việc di dời các trường, các cơ quan và giải tỏa dân cư ở các nơi bị lấn chiếm tại 4 quận nội đô ra ngoài. Đã có các cơ quan ra ngoài. Đã có các trường ra ngoài. Thậm chí có cả những ý kiến về việc chuyển cả ga Hàng Cỏ ra ngoại ô. Nhưng Hà Nội vẫn đông, vẫn tắc đường triền miên vì tầng tầng lớp lớp người muốn chen chân vào sống trong các quận trung tâm.
Chính tôi và gia đình cũng đã từng ở trong một khu dân cư của Hai Bà Trưng rất nhiều năm trước, và rồi, sau khi có nhà riêng, chuyển đến một khu dân cư ở quận Đống Đa. Nhưng rồi cuối cùng, sau nhiều năm sống ở đó, tôi cũng chuyển đi nốt, ra một căn hộ chung cư ở huyện Gia Lâm. Cả 2 lần chuyển nhà đều vì một lý do duy nhất: Khi bắt đầu đến sống ở đó, dân chưa đông, nhà chưa cao và chen chúc nhau, đường còn vắng, tóm lại là còn dễ thở, nhưng sau đó, tất cả tệ đi, dân đông hơn, ô nhiễm không khí và âm thanh hơn (với những tiếng còi xe bóp liên tục từ sáng đến đêm).
Cái lợi thế duy nhất là đi làm gần, chỉ chừng 15 phút đến cơ quan, bỗng nhiên trở thành điều mong manh vô ý nghĩa khi biết bao những yếu tố quan trọng liên quan đến cuộc sống, từ không gian cây xanh, môi trường trong sạch và yên tĩnh… không còn nữa.
Bây giờ, tôi đi làm mất nửa tiếng, nhưng thanh thản hơn, nhẹ nhàng hơn, không sợ tắc đường, không ngại xa xôi gì nữa, vì đường sá từ bên Gia Lâm này vào Hoàn Kiếm quá tiện. Và không gian tôi đang sống bây giờ - ở một khu chung cư, có tất cả những gì tôi mong muốn có (và cũng đã từng có, như những năm tháng tôi sống và làm việc ở nước ngoài): có cây xanh, có không gian thiên nhiên rộng rãi, có chỗ đi lại và tập thể dục mà không nghe thấy tiếng còi, có bầu trời rộng rãi phía ngoài ban công.
Câu chuyện bây giờ không phải là đi làm xa hay gần nữa, mà là trong bao lâu, với đường sá thế nào và tâm trạng của chính ta ra sao. Và về điều này, tôi nghĩ, nhiều người cũng nên nghĩ lại cho thấu đáo, khi họ đang tìm mọi cách để vào sống trong 4 quận cũ nội thành.
Cái giá phải trả cho việc ở gần nơi họ làm việc đôi khi không hề nhỏ, với biết bao phiền toái. Hãy thay đổi tư duy về nơi ở để giảm áp lực dân số cho khu nội đô lịch sử, để 4 quận nội thành đó có nhiều không gian hơn cho cây xanh, công viên và các công trình công cộng, phục vụ cộng đồng.
Được biết, việc di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176 ha, ưu tiên giải quyết các vấn đề như trường học, nhà trẻ, công viên, cây xanh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Điều đó quá lý tưởng. Các cơ quan rời đi thì những khu “đất vàng” ấy không thể để mọc lên những building, những trung tâm thương mại, những chung cư lớn.
Vì một Hà Nội hiện đại và văn minh, chúng ta ủng hộ quy hoạch này, và không có mong mỏi gì hơn là nó được tiến hành một cách đúng tiến độ.
Anh Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất